Hành trình trốn chạy của cô gái bị gia đình dọa giết

Chia sẻ

PNTĐ-Sau một quãng thời gian chạy trốn gia đình vì sợ bị giết chết, cô gái Saudi Arabia tên Rahaf Mohammed Alqunun đã được Canada chấp nhận cho tị nạn theo đề nghị của Liên Hợp Quốc.

 
Hành trình trốn chạy của cô gái bị gia đình dọa giết - ảnh 1
Cô gái 18 tuổi trốn thoát gia đình và được tị nạn ở Canada

 
Lời khẩn cầu tị nạn của cô gái Saudi Arabia đã lan truyền nhanh chóng trên mạng sau khi cô chạy trốn khỏi gia đình tới Thái Lan. Nó đã giúp cô thu hút sự chú ý trên mạng và được an toàn ở Canada. Cô gái Alqunun đã được báo chí toàn thế giới biết tới sau khi trốn khỏi gia đình lúc cả nhà đang đi nghỉ ở Kuwait. Cô đã đi chuyến bay tới Bangkok, Thái Lan ngày 5/1. Alqunun bị chặn tại tại sân bay ở Thái Lan và bị tịch thu hộ chiếu. Nhà chức trách Thái Lan định trục xuất cô trở về gia đình ở Saudi Arabia.
 
Alqunun kháng cự, nói rằng cô sợ mạng sống bị đe dọa và xin tị nạn. Cô cho biết mình bị lạm dụng ở nhà, sợ bị trừng phạt vì cô đã từ bỏ đạo Hồi. Cô đã làm những việc như cắt tóc và bỏ đội khăn trùm đầu hijab. Sau đó, cô đã bị gia đình nhốt trong phòng 6 tháng vì không nghe lời và đối mặt cái chết vì từ bỏ đạo Hồi. Cô cũng kể là bị anh trai tấn công.
 
Để trốn thoát, Alqunun đã xin visa tới Australia, mua vé qua Thái Lan trên mạng bằng thẻ tín dụng. Australia đã thu hồi visa của cô mặc dù họ nói rằng cô sẽ được xem xét cấp visa nữa nếu Liên Hợp Quốc coi cô là một người tị nạn.
 
Sau khi gặp khó khăn với giới chức Thái Lan và bị nhốt, cô gái 18 tuổi đã giam mình trong phòng khách sạn tại sân bay và từ chối ra ngoài cho tới khi có thể nói chuyện với quan chức Liên Hợp Quốc - người có thể xác định tình trạng tị nạn của cô. Hết cách, Alqunun đã nhờ sự giúp đỡ của mạng xã hội. Hashtag #SaveRahaf trên Twitter của cô đã thu hút 45.000 người theo dõi. 
 
Alqunun kể: “Tôi đã bỏ đạo Hồi từ năm 16 tuổi. Nếu gia đình tôi biết, họ sẽ giết tôi… Tôi có thể sống tự do một mình, độc lập khỏi những người không tôn trọng phẩm giá của tôi và không tôn trọng tôi với tư cách một phụ nữ. Cô có đủ bằng chứng để kết tội bạo lực cho gia đình tôi. Tôi thực sự gặp nguy hiểm. Đại sứ quán Saudi Arabia đang tìm cách buộc tôi về nước. Tôi không chắc tôi có thể tiếp tục hay tôi có thể sống sót trừ khi Đại sứ quán Saudi Arabi ngừng truy đuổi tôi”.
 
Sau gần 48 giờ “cố thủ” trong khách sạn và lên mạng xã hội để nói về hoàn cảnh của mình, mọi người khắp thế giới đã xem Twitter của cô và bắt đầu đăng tweet kêu gọi Cao ủy người tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) và Tổ chức Ân xá Quốc tế và đề nghị họ giúp Alqunun. Cô gái cũng đăng video mình bị nhốt trong phòng khách sạn.
 
Zara Kay, sáng lập viên tổ chức Faithless Hijabi chuyên giúp đỡ phụ nữ đã bỏ đạo Hồi, nói: “Người từng theo đạo Hồi phải đối mặt với cái chết. Cô ấy sẽ bị nhốt, bị lạm dụng hoặc tồi tệ hơn là bị giết ở Saudi Arabia. Nhiều phụ nữ sau khi bỏ đạo Hồi hoặc ngay khi là người Hồi giáo đã bị gia đình lạm dụng tình cảm, thể chất và tinh thần hoặc bị bác bỏ giá trị”. Theo bà Kay, tình trạng này phổ biến ở Trung Đông. Cho dù phụ nữ bao nhiêu tuổi thì họ vẫn là tài sản của đàn ông.
 
Alqunun đã khiến giới chức trách Thái Lan từ bỏ nỗ lực trục xuất cô và cô đã được phép gặp đại diện Liên Hợp Quốc.
 
Chính phủ Australia xác nhận rằng UNHCR đã chuyển đề nghị xin tị nạn của Alqunun tới mình. Nhưng sau cùng, Canada mới là quốc gia chào đón Alqunun và cho cô chỗ ở khẩn cấp. UNHCR lưu ý rằng trường hợp của Alqunun được giải quyết trên cở sở khẩn cấp do tình hình của cô gái rất nghiêm trọng và đây là điều sẽ không được áp dụng với những người tị nạn khác.
 
Sau khi có tin vui từ Canada, tài khoản Twitter của Alqunun đã tạm dừng hoạt động sau khi cô bị đe dọa giết. Không lâu sau, một tin nhắn được gửi từ tài khoản Twitter của Alqunun: “Cảm ơn mọi người vì đã ủng hộ và cứu mạng sống tôi”.
 
Tình cảnh của Alqunun thu hút sự chú ý toàn cầu, đặc biệt là vì Saudi Arabia mới bị chỉ trích vì vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashogi - một sự việc khiến lịch sử nhân quyền của Saudi Arabia bị soi xét.
 
Tuy nhiên, việc Alqunun được chấp nhận cho tị nạn ở Canada là một sự kiện trong câu chuyện của cô gái. Canada từ lâu đã phản đối tình trạng lạm dụng nhân quyền ở Saudi Arabi, nhiều đến mức hai nước đã tranh cãi ngoại giao nghiêm trọng trong mùa hè qua sau khi Chính phủ Canada chỉ trích và yêu cầu thả các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và xã hội dân sự bị giam ở Saudi Arabia.
 
Saudi Arabia phản ứng bằng cách trục xuất Đại sứ Canada, triệu hồi Đại sứ Saudi Arabia tại Canada về nước cũng như mọi sinh viên Saudi Arabia đang học tập ở đây. Ngoài ra, mọi chuyến bay cũng như giao dịch làm ăn, đầu tư mới mới Canada đều bị hoãn. Vụ việc của Alqunun có thể khiến quan hệ hai nước thêm xấu đi.
 
 
Dương Thùy (theo Vox)

Tin cùng chuyên mục