Anh dũng kiên trung bảo vệ miền biên cương

Chia sẻ

PNTĐ-Anh dũng kiên trung, quân và dân ta đã chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thân yêu, giữ gìn toàn vẹn biên cương của Tổ quốc; hòa bình cho khu vực và thế giới.

 
40 năm trước, ngày 17/2/1979, Trung Quốc nổ súng tấn công, mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta (từ Phong Thổ, Lai Châu đến Móng Cái, Quảng Ninh) và những xung đột kéo dài suốt 10 năm sau đó. Anh dũng kiên trung, quân và dân ta đã chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thân yêu, giữ gìn toàn vẹn biên cương của Tổ quốc; hòa bình cho khu vực và thế giới. 
 
Trong những ngày tháng đó, cũng như những người con yêu nước ở mọi miền Tổ quốc, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân và dân Thủ đô lên cao hơn bao giờ hết. Hàng ngàn nam nữ thanh niên, sinh viên của Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) đã tình nguyện “xếp bút nghiên”, viết đơn bằng máu xung phong nhập ngũ và lên đường chiến đấu.
 
Ký ức hào hùng của những người lính 
 
Năm 1979 là thời điểm Thượng tá Bạch Đăng Tân - sỹ quan cao cấp của Bộ Quốc phòng - vừa tốt nghiệp khoa Công nghệ chế tạo vũ khí đạn (Học viện Kỹ thuật quân sự) và được phân công biên chế về Quân khu 1 lên Cao Bằng. Có mặt tại một trong 6 trọng điểm chiến sự trong những ngày đầu của cuộc chiến, người lính trẻ không khỏi ngỡ ngàng và đau xót chứng kiến cảnh hoang tàn của thị xã miền biên viễn trước sự tấn công ồ ạt, bom đạn tàn phá dữ dội của quân Trung Quốc. 
 
Tương quan lực lượng lúc đó, theo Thượng tá Bạch Đăng Tân, phía địch rất mạnh, được trang bị nhiều xe tăng, súng đạn và pháo; trong khi lực lượng của ta vừa mỏng vừa thiếu vũ khí. Trước tình thế đó, ta đã “đánh” vào điểm yếu của địch và dựa địa hình hiểm trở của vùng núi Cao Bằng để đưa ra phương án tác chiến. Đường xá ở Cao Bằng là độc đạo, gập ghềnh, nhiều vực sâu, các phương tiện khó có thể tránh nhau nên chỉ cần ta tiêu diệt một chiếc xe tăng địch hết đường rút lui.
 
Có thời điểm, để chặn đường tiến quân, ngăn địch tràn sâu vào Cao Bằng và xuống tỉnh Bắc Kạn, bộ đội ta đã đánh sập cả những cây cầu huyết mạch, cắt đứt đường đi của địch. Ngoài ra, trong phương án tác chiến đưa ra, ta cũng nhằm vào các xe téc chở nước, xăng, dầu để bắn cháy và đánh chặn các đầu khóa chân khiến cho địch hết nguồn tiếp tế. Các mũi tiến công bị chặn đứng, hết viện trợ, không có đường lui, địch tan tác, quân ta làm chủ, tiến công từ thị xã Cao Bằng đến các huyện biên giới Quảng Hòa, Trùng Khánh… 
 
Trước những tổn thất lớn về lực lượng mà chưa đạt mục tiêu đưa ra và bị dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, những xung đột vũ trang vẫn kéo dài nhiều năm sau đó; trong đó, tháng 4 năm 1984, Trung Quốc trở lại tấn công Hà Tuyên (nay là Hà Giang). Nhạc sỹ Trương Quý Hải - cựu binh sư đoàn 356, một trong những chiến sỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên vẫn nhớ tường tận những trận đánh ác liệt ở các cao điểm: 486, 1509, 772, 685...
 
Anh dũng kiên trung bảo vệ miền biên cương - ảnh 1
Cựu binh Trương Quý Hải (cầm đàn bên phải) cùng các đồng đội thăm lại chiến trường xưa 

 
Đặc biệt, ngày 12/7/1984, trận chiến khốc liệt đã diễn ra để giành lại các điểm cao tại Vị Xuyên. Pháo kích, tên lửa của địch nã xuống; hàng trăm chiến sỹ của sư đoàn 356 đã ngã xuống, nhiều người bị thương. Trương Quý Hải cùng đồng đội - những người còn sống đã tự tay khâm liệm cho các chiến sỹ đã hy sinh và chăm sóc những người bị thương. Có người chiến sỹ trẻ, trên cơ thể “găm” mười mấy phát đạn, đau đớn nhưng không có một tiếng kêu rên. “12 tháng 7 hàng năm đã trở thành “ngày giỗ trận” của những người lính Vị Xuyên” - cựu binh Trương Quý Hải chia sẻ.
 
Tự hào lắm, đồng đội ơi!
 
Sống và chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc, giá lạnh và tê buốt, vắt bám đầy người, vất vả và gian khổ nhưng sau 40 năm bước ra khỏi cuộc chiến, với những thương tật trên cơ thể, những người lính miền biên viễn “cảm thấy mình may mắn được trở về hậu phương và chứng kiến sự hồi sinh, sức sống mãnh liệt của những mảnh đất đã từng bị tàn phá nặng nề” - Thượng tá Bạch Đăng Tân chia sẻ. 
 
Trong bộ quân phục lính, ôm cây đàn ghi ta trên tay, hai hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt khi cựu binh Trương Quý Hải nhắc đến hai từ thiêng liêng: đồng đội. “Tất cả ký ức của tôi về cuộc chiến đều nghĩ tới đồng đội” với những lý tưởng cao đẹp và quyết tử.
 
“Trước khi vào trận đánh cao điểm 772, anh Châu - chính trị viên - phát cho anh em chiếc bút ghi tên mình lên ngực để phòng hy sinh thì còn biết tên tuổi quê quán nhưng nhiều anh em đã viết lên ngực áo dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc” thay cho tên mình. Chiến sỹ Nguyễn Viết Ninh viết trên báng súng dòng chữ “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Bị thương đến lần thứ hai, đồng đội muốn đưa anh về nhưng anh không đồng ý. Bị thương lần thứ tư, anh hy sinh nhưng vẫn ôm chặt khẩu súng trong tay. Để ngăn quân địch tràn lên chiếm chốt, trong khi lực lượng của mình tại chốt chỉ còn vài người, anh Lê Trần Mãn vốn là y tá đã anh dũng nhận lấy cái chết, gọi pháo địch nã vào mình”.
 
Đến các nghĩa trang ở vùng biên có nhiều liệt sĩ chưa được biết tên, những người lính của sư đoàn năm xưa vẫn đau đáu tìm lại phần hài cốt của đồng đội mình, theo nhạc sỹ Trương Quý Hải cũng bởi những người hy sinh đã dành trọn lý tưởng cao đẹp nhất của mình cho Tổ quốc mà không màng đến bản thân. Vì thế, những cựu binh của sư đoàn 356 hôm nay đang sống “phần đời của mình và phần đời của những đồng đội đã hy sinh trao tặng” sao cho thật ý nghĩa và trọn vẹn.
 
Thảo Nguyên

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.