“1 vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới” và tấm lòng phụ nữ Thủ đô

Chia sẻ

PNTĐ-Trong suốt năm tháng diễn ra cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, những món quà của hội viên Hội LHPN Hà Nội là nguồn động viên vô cùng quý giá với mỗi chiến sĩ nơi tiền tuyến.

 
Trong suốt năm tháng diễn ra cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, sự chia sẻ, quan tâm, những món quà của hội viên Hội LHPN Hà Nội (chiếc áo len, gói bánh, bao thuốc lá…) tuy nhỏ nhưng gửi gắm biết bao tình cảm của các mẹ, các chị, của người vợ, người em gái Thủ đô; và là nguồn động viên vô cùng quý giá với mỗi chiến sĩ nơi tiền tuyến.
 
“1 vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới” và tấm lòng phụ nữ Thủ đô - ảnh 1

 
Hậu phương hướng về biên giới
 
Tháng 2/1977, Trung ương Hội LHPN Việt Nam ra Nghị quyết số 17 phát động phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng Tổ quốc”. Song phong trào triển khai chưa được bao lâu thì chiến tranh ở hai đầu biên giới đất nước xảy ra. Tình hình hết sức cấp bách buộc mọi hoạt động của đất nước phải đặt trong tình huống vừa hòa bình, vừa chuẩn bị kháng chiến. Đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, năm 1979, phong trào đổi tên thành “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
 
Hưởng ứng phong trào trên, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô tập trung vận động phụ nữ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cả nước làm lương thực, thực phẩm với khí thế cách mạng tiến công. Nữ công nhân, viên chức khắc phục khó khăn trong sản xuất, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu góp phần thực hiện kế hoạch Nhà nước. Các cấp Hội cũng tích cực động viên thanh niên tòng quân bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu; chăm sóc thương binh, gia đình bộ đội, gia đình Liệt sỹ; thay thế chồng con trong công việc hậu phương.
 
Cùng với tham gia xây dựng phòng tuyến phía Bắc, một số đơn vị nữ ở ngoại thành Hà Nội, Hội mẹ chiến sĩ đã được củng cố, có nhiều hoạt động thiết thực hướng về bộ đội và các tỉnh biên giới. Bằng nhiều hình thức, các mẹ đã thu gom được nhiều thóc gạo, thực phẩm, tiền ủng hộ phụ nữ và trẻ em ở biên giới; vận động được nhiều quà tặng anh em tân binh, hỗ trợ các đơn vị bộ đội và trại thương bệnh binh đóng ở địa phương. Những dịp Tết đến, Xuân về, Hội phụ nữ đều thành lập đoàn đại biểu, mang thư, quà của hậu phương gửi tới chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ bình yên nơi biên cương.
 
Đặc biệt, năm 1985, hưởng ứng chủ trương cả nước hướng về chiến sĩ tiền phương, “Áo ấm gửi chiến sĩ biên giới”, Thành Hội đã xây dựng phong trào “1 vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới” và giao chỉ tiêu cụ thể cho các quận, huyện, đơn vị thực hiện. Nhớ lại quãng thời gian ấy, bà Phương Kim Dung - nguyên Phó ban Tổ chức Thành ủy (1982 -1985), nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội (1985 -1992), xúc động kể: Làm được gì để chiến sĩ nơi biên giới thêm vững vàng, hội viên phụ nữ Thủ đô đều cố gắng hết sức.
 
Bên cạnh phối hợp tuyên truyền sâu rộng đến các phường, xã, HTX và các cơ quan, xí nghiệp, Hội còn kết hợp với các ngành, đi đến từng đơn vị trên địa bàn vận động ủng hộ tiền may áo ấm cho chiến sĩ. Nhiều cấp Hội tổ chức vận động hội viên lao động; thu phế liệu bán lấy tiền; thậm chí vận động cả chị em Việt kiều về thăm đất nước ủng hộ để có tiền mua len đan áo, mua áo len.
 
“1 vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới” và tấm lòng phụ nữ Thủ đô - ảnh 2
Bà Phương Kim Dung - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội (1985-1992) tự tay tặng áo ấm cho chiến sĩ biên giới Lạng Sơn năm 1987, và hôm nay bà bồi hồi xem lại những tư liệu về phong trào “1 vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới” của phụ nữ Thủ đô 

 
“Khi ấy, phong trào được nhân dân, phụ nữ, các HTX, một số xí nghiệp ở Hà Nội tham gia nhiệt tình. Chị em bằng công lao động và tiền tiết kiệm, đã góp tiền mua len đan áo, tạo thành một phong trào mạnh ở Thủ đô. Cứ sáng đi làm, tối về, chị em lại hào hứng, miệt mài đan. Nhiều nơi tổ chức các lớp dạy đan miễn phí để ủng hộ phong trào. Những cuộn len màu xanh của trời, biển, hòa bình qua bàn tay khéo léo của hội viên phụ nữ đã trở thành những chiếc áo ấm, chất chứa nghĩa tình trong từng mũi đan”. 
 
Phong trào “1 vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới” được Phụ nữ Thủ đô triển khai tích cực trong suốt thời gian từ 1985 - 1987. Trong dịp đón mừng Xuân mới, ngày 20/1/1987, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức chuyến đi thăm chiến sĩ biên giới 2 tỉnh Hà Tuyên, Lạng Sơn. Thay mặt 75 vạn phụ nữ Thủ đô, đoàn đã mang 3.000 chiếc áo len và nhiều quà tặng khác như thuốc lá, chè, bánh kẹo, sách báo lên biên giới... Để kịp xong những chiếc áo ấm gửi chiến sĩ đúng vào mùa rét, dịp giáp Tết, chị em hội viên ai cũng tích cực đan nhanh, đan đẹp, thậm chí huy động cả gia đình cùng làm.
 
“Ở biên giới, trời rét căm căm, ai nấy xót xa khi thấy nhiều chiến sĩ đêm đêm phải canh gác mà không có áo ấm mặc, mới thấy phong trào áo ấm sao ý nghĩa, ấm áp đến thế. Sau này, các Sư đoàn, Trung đoàn đã gửi những bức thư chan chứa tình cảm cảm ơn các mẹ, các chị, em gái Thủ đô đã dành tình cảm cho chiến sĩ” - bà Phương Kim Dung xúc động kể.
 
“Gặp các chị, chúng tôi như thấy cả Thủ đô ở bên mình”
 
Trong chuyến thăm lại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) trước dịp Tết năm 1988, các chị, các mẹ trong đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội đã rất xúc động khi nghe Thiếu tướng Khắc Hào (khi đó là Phó Chủ nhiệm chính trị quân khu II, Chủ nhiệm chính trị mặt trận Vị Xuyên) nhắc hoài kỷ niệm về lần đoàn đại biểu Phụ nữ Thủ đô đến thăm trận địa, tặng quà, áo cho cán bộ chiến sĩ: “Trước Tết năm 1985, trời rét lắm. Nhận được tin từ Quân khu có khách Hà Nội đến thăm, chúng tôi mừng quýnh cả lên. Mừng vì Tết đến có đại biểu phụ nữ Thủ đô lên thăm chiến sĩ, là nguồn cổ vũ lớn đối với chiến sĩ trong mùa Xuân xa nhà.
 
Lần ấy, chiếc xe ca của phụ nữ Hà Nội rong ruổi ngót 300km để đến Vị Xuyên. Đoàn gồm nhiều thành phần khác nhau, do đồng chí Phương Kim Dung - khi đó là Thành ủy viên, Hội trưởng Phụ nữ Hà Nội làm trưởng đoàn. Trong đoàn còn có nhiều đại biểu là mẹ, là vợ chiến sĩ. Gặp các chị, chúng tôi như thấy cả Hà Nội ở bên mình. Năm 1985 ấy, những tặng phẩm gồm kẹo, bánh, thuốc lá, sách báo và 2.000 áo len của phụ nữ Hà Nội đã được chia đều cho các trận địa. Trời rét, thấy chiến sĩ gian khổ, nhiều chị đã khóc. Tôi đã chai lỳ trong khói lửa mà nước mắt vẫn cứ chảy ra...”.
 
Những chiến sĩ Trung đoàn 881, Sư đoàn 14, đóng quân tại Đồi Đài (nằm trên Quốc lộ 2, xã Thanh Thủy, cách biên giới khoảng 500m) thuộc mặt trận Vị Xuyên - nơi gần nhất với quân thù bành trướng vùng, không ai quên được câu chuyện cảm động về chiếc áo len màu xanh của Phụ nữ Hà Nội gửi lên. 7 chiếc áo len khi đó chia đều cho 7 chiến sĩ trên điểm cao Đồi Đài. Trong 7 chiến sĩ ấy có 1 người tên Nguyễn Văn Huynh (quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam Ninh, lên Đồi Đài từ tháng 5/1984).
 
Tháng 5/1985 anh ngã xuống tại đây, vào một đêm trời mưa xối xả, quân thù lén lút tràn sang. Cả điểm cao đánh lui quân địch nhưng anh Huynh bị thương nặng ở đầu. Đưa anh Huynh đi, anh em mang theo cả chiếc ba lô chiến sĩ. Anh Huynh bảo đồng chí Tiểu đội trưởng giữ chiếc áo len màu xanh lại và nói chân tình: “Tôi đi sẽ có người khác lên thay, hãy để lại cho người sau dùng”. Anh Huynh đã vĩnh viễn yên nghỉ trên chiến trường Vị Xuyên, nhưng câu chuyện về chiếc áo len của người mẹ Hà Nội vẫn sống mãi bên điểm cao, nhắc đồng đội anh luôn xứng đáng với hậu phương, với người mẹ, người chị và người em gái hậu phương.
 
Giữa bom đạn khốc liệt, món quà nhỏ của phụ nữ Thủ đô: gói bánh, gói chè, cuốn sách, bao thuốc lá… thực sự là nguồn động viên vô cùng quý giá với cán bộ chiến sĩ. Lần nào đến Đồng Đăng (Lạng Sơn), chị em trong đoàn Hội LHPN Hà Nội cũng được nghe đồng chí đại đội trưởng trên đài Ra-đa nhắc đến kỷ niệm của nhiều mùa xuân nơi đây khi đoàn công tác đến thăm. Trong đêm Giao thừa, các chiến sĩ pháo binh quây quần bên nhau, nghe tiếng pháo Tết từ Thủ đô truyền về qua Đài tiếng nói Việt Nam, uống trà, hút thuốc, đón chào năm mới.
 
Một chiến sĩ xúc động: “Tôi về Hà Nội, thấy giá cả cứ lên, trong khi lương của bộ đội thì vẫn thế. Các mẹ, các chị ở hậu phương cũng phải tần tảo, vất vả nhiều mà vẫn lo cho chiến sĩ. Cuộc chiến tranh nào cũng đè nặng lên đôi vai người phụ nữ”. Đêm Giao thừa, người chiến sĩ ở Đồng Đăng còn ngâm một bài thơ do mình sáng tác tặng các mẹ, các chị Thủ đô. Bài thơ có đoạn thật sâu xa tình nghĩa: Có ai nhớ mùa xuân Hà Hội/ Như chúng tôi chiến sĩ Đồng Đăng/ Nhớ mẹ tôi, chị tôi và những người em gái/ Quà chuyển lên điểm tựa ấm lòng. 
 
Chẳng thế mà sau này, trong lá thư gửi cho Hội LHPN Hà Nội từ biên giới Vị Xuyên ngày 10/2/1988, bên cạnh chia sẻ về tình hình chiến đấu anh dũng của đơn vị, Trung tá Nguyễn Khắc Nghiên - Trung đoàn trưởng trung đoàn Thăng Long - Thạch Hãn đã viết: “… Có được thắng lợi hôm nay, ngoài sự nỗ lực cố gắng không tiếc xương máu, mỗi cán bộ chiến sĩ chúng tôi còn chiến đấu để không phụ niềm tin của những người mẹ, người chị, người vợ, người em và vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước”.
 
 
Yên Hưng 

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.