Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII: Tôn vinh tình yêu đất nước

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII đã khai mạc trọng thể vào sáng 17/2 và bế mạc vào tối 20/2/2019, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) với nhiều hoạt động thu hút người yêu thơ.

 
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII đã khai mạc trọng thể vào sáng 17/2 và bế mạc vào tối 20/2/2019, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) với nhiều hoạt động thu hút người yêu thơ trong nước và nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ. 
 
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII: Tôn vinh tình yêu đất nước - ảnh 1
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2019

 
Năm nay, sự kiện Ngày Thơ Việt Nam không tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng mà diễn ra sớm hơn hai ngày, vào dịp kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019). Ngày Thơ Việt Nam năm nay lấy chủ đề “Sông núi trên vai”, thể hiện tinh thần hướng về biên cương, biển đảo, tình yêu quê hương, đất nước và ý thức bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc của những người cầm bút.
 
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII-2019 nằm trong chuỗi sự kiện gồm: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ III và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII. Hoạt động diễn ra từ ngày 15 đến 21/2 tại thành phố Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang, thu hút sự tham dự của gần 200 nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ nhiều nơi trên thế giới.
 
Bên cạnh các hoạt động truyền thống như thả thơ, trình diễn, đọc thơ, triển lãm cuộc đời sự nghiệp của các nhà thơ lớn… trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, các hoạt động tại Sân thơ Trẻ thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thơ. Sân thơ Trẻ 2019 chủ đề “Mở đường bay phía trước”, do Ban Nhà văn Trẻ thiết kế và thực hiện, với sự hỗ trợ của Nhà hát Tuổi Trẻ, Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” tổ chức tại sân Thái Miếu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
 
Tại đây, người yêu thơ được gặp những gương mặt thơ trẻ như: Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Anh Vũ, Miên Di, Lý Hữu Lương, Trần Nhật Minh, Nguyễn Minh Cường, Bùi Việt Phương… Các nhà thơ trẻ đã mang đến cho người yêu thơ phần trình diễn đặc biệt, gồm 3 tổ khúc được dẫn dắt xuyên suốt trong tiếng đàn guitar và tiếng piano. 
 
Bên cạnh đó, Ban tổ chức Sân thơ Trẻ năm nay cũng chú trọng hơn đến các hoạt động tổng thể, sự tương tác, đồng hành của các nhà thơ với công chúng. Sân thơ Trẻ cũng có Cổng thông tin thơ giới thiệu về các tác giả thơ trẻ cùng những sáng tác của họ, và tại đây công chúng có cơ hội giao lưu trực tiếp với tác giả mà mình yêu mến.
 
Cũng tại không gian thơ trên sân Thái Miếu, công chúng còn được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ấn tượng mang tên “Điều còn thiếu?” của nghệ sĩ thị giác Doãn Hoàng Kiên với cảm hứng tươi mới, thể hiện hơi thở của cuộc sống đương đại, gợi mở nhiều suy ngẫm.
 
Với nhiều hoạt động phong phú, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII tiếp tục trở thành ngày hội để tôn vinh thơ ca, đồng thời tôn vinh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Đây là dịp để các nhà thơ trong nước và quốc tế giao hòa cởi mở và thân thiết với công chúng yêu thơ thuộc nhiều thế hệ.
 
“Với chủ đề “Sông núi trên vai”, chúng tôi muốn gửi một thông điệp tâm huyết đến công chúng yêu thơ cả nước, đó là: Các nhà thơ đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, nhân dân lên trên hết. Tổ quốc và nhân dân là cảm hứng, niềm say đắm, thăng hoa và trách nhiệm của các nhà thơ Việt Nam. Những nhà thơ, nhà văn, dịch giả nổi tiếng thế giới từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ là những vị khách quý của sự kiện, cũng là những sứ giả văn hóa, sứ giả hòa bình, ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam” - nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết.
 
Anh Tú

Tin cùng chuyên mục