GS.BS.AHLĐ Tôn Thất Tùng và những bài học dạy con

Chia sẻ

PNTĐ-GS Tôn Thất Tùng là người cha tuyệt vời trong mắt các con. Dù bận rộn đến đâu, GS vẫn luôn cố gắng dành thời gian để chơi với các con.

 
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 hàng năm, nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò lại kính cẩn tưởng nhớ cố GS.BS.AHLĐ Tôn Thất Tùng - cha đẻ của phương pháp "cắt gan khô” nổi tiếng thế giới, Viện sỹ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô (cũ); Viện sỹ Viện Hàn lâm Y học Paris; Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam DCCH; nguyên Giám đốc bệnh viện Phủ Doãn (bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức bây giờ)… Nhưng, một điều thật đặc biệt, trong mắt những người con của ông, GS Tùng lại luôn giản dị, tâm lý, nghiêm khắc và rất mực yêu con, coi trọng gia đình.
 
 
GS.BS.AHLĐ Tôn Thất Tùng và những bài học dạy con  - ảnh 1
GS. BS Tôn Thất Tùng đang nghiên cứu trên bệnh phẩm (gan khô) (năm 1962) 

Bà Tôn Nữ Ngọc Trân, con gái thứ hai của GS Tùng kể về cha mình: “Cha tôi rất bận rộn với công việc cứu  người ở bệnh viện, nhưng, cha có nguyên tắc là luôn về ăn cơm cùng gia đình. Chỉ trừ những trường hợp đặc biệt như phải đi tiếp khách không thể khước từ, còn lại, trưa nào, cứ khi tiếng còi ở Nhà Hát Lớn cất lên, là tôi thấy cha về đến nhà. Cha tôi không đòi hỏi mâm cơm phải có sơn hào hải vị, chỉ cần được bày biện gọn gàng, sạch sẽ và đầm ấm bên người thân. Câu chuyện bên mâm cơm cũng thường xoay quanh các chủ đề y học. Khi thì cha kể về những thành tựu mới đang được áp dụng ở bệnh viện, khi thì những trăn trở của ông với công việc cứu người…”.
 
GS Tôn Thất Tùng kết hôn với cựu nữ sinh trường Trung học nữ Felix Faure danh tiếng Vi Thị Nguyệt Hồ, cháu nội của Tổng đốc Hà Đông Vi Văn Định. Người phụ nữ ấy rất yêu nghề Y, nhưng, đã không học lên để lấy bằng bác sĩ mà tình nguyện làm công việc của một y sĩ, trợ giúp cho chồng trong phòng mổ. GS Tùng rất thấu hiểu sự hy sinh ấy của bạn đời, nên ông thường cố gắng bù đắp cho vợ, con. “Với xã hội, cha là một bác sĩ tài ba nhưng ở nhà, hàng sáng, cha vẫn thường tự tay chuẩn bị bữa sáng, pha cà phê cho cha và mẹ. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh cha mẹ ngồi bên nhau, cùng nhâm nhi café rất hạnh phúc”. 
 
GS Tùng là người cha tuyệt vời trong mắt các con. Dù bận rộn đến đâu, GS vẫn luôn cố gắng dành thời gian để chơi với các con. Có lẽ, GS biết vai trò của người cha rất quan trọng trong sự phát triển của con trẻ. Dịp Noel, GS còn mua quà, bí mật bỏ vào chiếc giày để cạnh lò sưởi khiến các con một thời cứ đinh ninh ông già Noel là có thật. “Cha tôi hay kể chuyện cổ tích Việt Nam, văn học Pháp cho các con nghe. Ông cũng thích đọc thơ Đường của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Ông còn dạy chúng tôi học tiếng Pháp, mỗi ngày một chút. Thi thoảng, ông lại gọi các con tới kiểm tra bằng việc nói tiếng Pháp với con. Ông không gây áp lực, bắt các con phải mau giỏi mà biến việc học thật tự nhiên, nhẹ nhàng”.
 
GS Tùng rất coi trọng việc rèn cho con khả  năng tự học, tự chịu trách  nhiệm. Con trai hay con gái, ai học tốt, thật thà, thì được cha khen và ngược lại. Bà Trân nhớ một lần hồi lớp 7, bà mắc lỗi ném bài cho bạn trong phòng thi môn Toán. Vì chuyện này mà bà đã bị cha trách phạt tội không thật thà. GS cũng luôn làm gương cho con về sự nghiêm túc trong công việc. Phòng làm việc của ông luôn ngăn nắp, sách vở, tài liệu sắp xếp gọn gàng. Các con nghịch ngợm, để sai vị trí các đồ vật là người cha không bằng lòng. GS Tùng luôn nói, ngành, nghề nào cũng cần sự trung thực, nghiêm túc nhưng trong ngành y còn cần hơn vì liên quan tới tính mạng con người.
 
Chẳng thế mà, suốt cuộc đời, GS Tùng đã sống đúng tôn chỉ đó. Trong thời gian từ năm 1935 đến năm 1939, GS Tôn Thất Tùng đã phẫu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu và vẽ lại thành các sơ đồ đối chiếu. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”. Sau này, GS Tùng đã nghiên cứu thành công phương pháp “phương pháp mổ gan khô” hay “phương pháp Tôn Thất Tùng”. 
 
Bà Trân kể, cha mình luôn dạy các con lòng nhân ái giữa con người với con người và con người với động vật. Ngôi nhà ở phố Lê Thánh Tông của gia đình bà ngày đó, tối nào cũng mở rộng cửa đón trẻ hàng phố tới chơi, không phân biệt gia cảnh của những đứa trẻ đó. Cha bà không bằng lòng khi thấy một con mèo bị người cháu nghịch dại, làm chết. Cha bà đã nói: “con người tuy ăn thịt động vật để sống, nhưng vẫn phải tôn trọng động vật chứ không được giết chúng bừa bãi chỉ vì thú vui”... 
 
Dưới sự dạy dỗ của cha, sau này, các con của GS Tôn Thất Tùng đều trưởng thành, trong đó có hai người nối nghiệp Y. Đó là người con trai cả - NGND Tôn Thất Bách, người có “bàn tay vàng” đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật về gan và tim nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Tiếc rằng, ông đã mất năm 2004 khi đang đi công tác trong một chương trình vì người nghèo ở tỉnh Lào Cai khi đang ở giai đoạn sung sức nhất của nghề. Người con gái út Tôn Nữ Hồng Tâm, về sau cũng là bác sĩ về sinh hóa. Bà Trân nhớ lại, cha bà rất tâm lý, không áp đặt mà để con tự chọn ngành, nghề theo sở trường, nguyện vọng của con. Vì thế, bà sau này đã sang Liên Xô, học ngành Hóa học, rồi công tác ở Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). 
 
“Mỗi năm, vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 thường có đông bạn bè, đồng nghiệp, học trò, các bệnh nhân tới nhà tôi thăm, tri ân cha. Cha không đặt nặng vấn đề quà cáp, thậm chí còn chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo. Cha luôn nói, với người bác sĩ, hạnh phúc là được cứu người”.
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.