Nghịch lý điểm chuẩn vào lớp 10: Nên bỏ quy định cứng nhắc để phổ cập THPT
(PNTĐ) - Hà Nội vừa công bố điểm thi và điểm chuẩn vào các trường THPT công lập lớp 10 năm học 2025-2026. Điều đáng nói, từ phổ điểm chuẩn của các trường công bố, dư luận đặt câu hỏi: Bao giờ mới hết nghịch lý điểm cao bị trượt, còn điểm thấp lại đỗ, khi mà chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường vênh nhau đến 15,5 điểm.

Nội thành điểm chuẩn cao “cục bộ”
Tối 4/7, Sở GD-ĐT Hà Nội chính thức công bố điểm thi và điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025-2026. Điểm chuẩn năm nay vẫn có sự chênh lệch rõ rệt giữa các trường nội thành và ngoại thành, trong khi phổ điểm các trường nội thành giao động từ 21-25,50 điểm, thì các trường ngoại thành điểm chuẩn chỉ từ 10-20 điểm.
Nguyên tắc tính điểm tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm nay khác với năm ngoái. Đó là thay vì nhân đôi điểm số của bài thi môn Toán và Ngữ văn thì cách tính điểm là: Điểm xét tuyển = điểm Toán + điểm Ngữ văn + điểm Ngoại ngữ + điểm ưu tiên (nếu có) + điểm khuyến khích (nếu có).
Theo điểm chuẩn công bố, top trường có điểm chuẩn cao nhất là: Trường THPT Kim Liên và THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) dẫn đầu với 25,50 điểm, trung bình 8,5 điểm/môn. Xếp thứ hai là THPT Phan Đình Phùng và THPT Việt Đức: 25,25 điểm. Trường THPT Yên Hòa và THPT Nguyễn Gia Thiều: 25 điểm. Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: 24,75 điểm, Trường THPT Thăng Long: 24,25 điểm; Trường THPT Nhân Chính: 24 điểm; Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm), Trường Lê Quý Đôn (Đống Đa), Trường THPT Cầu Giấy đều lấy điểm chuẩn 23,75 điểm.
Như vậy theo cách tính điểm xét tuyển năm nay của Hà Nội, những thí sinh trúng tuyển muốn trúng nguyện vọng 1 vào các trường top này phải đạt từ 8-8,5 điểm/môn.
So sánh với năm 2024, điểm chuẩn vào lớp 10 của một số trường top có chút thay đổi vị trí dẫn đầu. Năm ngoái, đứng đầu là các trường: THPT Yên Hòa, THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, THPT Chu Văn An với 42,5 điểm, trung bình 8,5 điểm/môn (điểm nhân đôi 2 môn); tiếp theo là Trường THPT Thăng Long với 42,25 điểm, trung bình 8,45 điểm/môn. Các trường top 3 có: THPT Phan Đình Phùng, THPT Kim Liên, THPT Nguyễn Gia Thiều, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Việt Đức, THPT Nhân Chính từ 41,75-41,25 điểm.
Việc điểm cao “cục bộ” ở một số trường khiến cho một bộ phận học sinh rơi vào tình cảnh: Điểm cao vẫn trượt. Ví dụ, nếu không có điểm ưu tiên thì kể cả đạt mức điểm giỏi là 8 điểm/môn, các em vẫn trượt các trường THPT lấy điểm chuẩn trên 24,75 như: Trường THPT Kim Liên, Lê Quý Đôn (Hà Đông), Phan Đình Phùng, Việt Đức, Yên Hòa, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Thị Minh Khai, Thăng Long…
Học sinh chịu sự bất công vì quá tải trường lớp?
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về áp lực tuyển sinh đầu cấp do sự quá tải trường lớp khi hệ thống trường công lập vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người học. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2025-2026, Hà Nội cố gắng đưa ít nhất 64% học sinh vào trường công (năm 2024, tỷ lệ này khoảng 61%). Đây là tỷ lệ cao nhất trong những năm trở lại đây, đồng nghĩa sẽ có thêm 5.000 - 5.500 học sinh có cơ hội vào trường công lập.
Trở lại điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm nay, dư luận cho rằng sự quá tải trường lớp “cục bộ” tại một số địa bàn của Hà Nội đã dẫn tới tình trạng học sinh chịu sự bất công về mức điểm cạnh tranh đỗ vào trường công.
Anh Trần Nam Hoàng (phường Cầu Giấy) băn khoăn: Do Hà Nội vẫn duy trì việc tuyển sinh đúng tuyến nên học sinh tại một số địa bàn dân số cao, trường học chưa đủ đáp ứng đã phải chịu mức điểm chuẩn cao. Tại các địa bàn này, để đỗ vào lớp 10 các em phải đạt từ 8 điểm trở lên, thậm chí 8 điểm vẫn bị trượt. Trong khi đó cùng một thành phố nhưng ở các địa bàn ngoại thành, học sinh chỉ cần đạt hơn 3 điểm/môn vẫn đỗ.
Năm 2025, điểm chuẩn thấp nhất là 10 điểm, trung bình 3,3 điểm/môn (năm 2024, trung bình 3,8 điểm/môn). Các trường có điểm chuẩn thấp nhất đều thuộc các trường ở ngoại thành như: Trường THPT Ứng Hòa B, THPT Lưu Hoàng, THPT Đại Cường, THPT Bắc Lương Sơn: 10 điểm; THPT Ứng Hòa A: 12 điểm, THPT Trần Đăng Ninh: 14,75 điểm, THPT Lý Tử Tấn: 14 điểm…
Về nguyên tắc tuyển sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội quy định tuyển những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, lấy theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng sau. Điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 và 3 phải cao hơn 1 và 2 điểm so với nguyện vọng 1.
Có nên duy trì kỳ thi lớp 10 “khốc liệt”?
Việc học sinh điểm thấp vẫn đỗ không chỉ phản ánh về sự chênh lệch điểm chuẩn tuyển sinh giữa các khu vực mà còn là câu hỏi về chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các trường học. Bởi không chỉ riêng Hà Nội, năm nay nhiều tỉnh thành, điểm chuẩn vào lớp 10, số trường lấy điểm chuẩn 3-5 điểm/môn không phải là hiếm. Thậm chí, có trường hợp học sinh một trường ở Nghệ An đạt 2,5 điểm vẫn trúng tuyển vào lớp 10.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, một số đại biểu đã đề cập đến việc có nên duy trì kỳ thi lớp 10 “khốc liệt”. Bởi thực tế, năm nào, các tỉnh, thành trên cả nước đều phải huy động một nguồn lực rất lớn để tổ chức kỳ thi, xã hội tốn kém, học sinh chịu áp lực thi rất lớn. Tuy nhiên, hiệu quả để đạt được khi thực hiện kỳ thi như mục tiêu phân luồng học sinh THCS học nghề không đạt được.
Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội - cho rằng, chính sách phân luồng đặt mục tiêu 40% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Chính vì tỷ lệ này mà việc đảm bảo cho mơ ước lên THPT của nhiều học sinh gặp khó vì không đảm bảo trường do chính sách phân luồng. Theo ông Long, chính sách phân luồng hiện nay không hiệu quả. Vì bao nhiêu năm nay, phụ huynh đều mong con học hết cấp 3 nên phải lấy nền tảng THPT để phân luồng. Ông Long mong muốn chấm dứt "kỳ thi kinh hoàng" của hàng triệu học sinh và phụ huynh mỗi dịp hè, đó là kỳ thi vào THPT (lớp 10). Bởi với yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, chúng ta không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên nền tảng học sinh có mặt bằng học vấn THCS.
Sự cứng nhắc về tỷ lệ phân luồng trong học nghề và học THPT lâu nay cũng trở nên nhức nhối đối với một bộ phận phụ huynh khi vào dịp cuối năm học lớp 9 lại được vận động không để con thi vào lớp 10 mà nên học nghề khi nhà trường hướng nghiệp. Trong khi tâm lý nhiều phụ huynh cho rằng ở lứa tuổi này con không thể “bỏ học” phổ thông để đi học nghề.
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận việc phân luồng chia tỷ lệ 40-60, trong đó 40% học sinh học xong THCS đi học nghề là cách phân chia cứng nhắc về cả cơ sở lý luận và thực tiễn. Thông tin quy định này được nêu trong Quyết định 522 do Bộ GD-ĐT tham mưu ban hành. Tư lệnh ngành Giáo dục cho biết thời điểm này cần văn bản thay thế quyết định trên. Bộ GD-ĐT đang đề xuất nghị định thay thế theo hướng việc hướng nghiệp phải thực chất, tự nguyện để học sinh có nguyện vọng đều được học THPT.