Hà Nội quyết liệt ngăn dịch tả lợn châu Phi

Chia sẻ

PNTĐ-Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT đến ngày 3/3, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại 202 hộ ở 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, TP; trong đó có TP.Hà Nội.

 
Hà Nội quyết liệt ngăn dịch tả lợn châu Phi - ảnh 1
Phun thuốc phòng dịch là biện pháp để đảm bảo an toàn cho đàn lợn

 
Hỗ trợ kịp thời hộ chăn nuôi
 
Tại Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại hộ chăn nuôi lợn rừng ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Ngay sau khi phát hiện, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội đã lập tức triển khai những biện pháp ngăn chặn dịch, tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn có bệnh theo quy trình, tiến hành khử trùng, khoanh vùng có dịch. Chốt kiểm dịch được thành lập tại khu vực này nhằm ngăn chặn ra vào vùng có dịch, đồng thời tiến hành tổng tẩy uế môi trường toàn bộ khu vực có dịch và trên địa bàn quận.
 
Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội đã lấy mẫu lợn của các hộ xung quanh xét nghiệm tìm virus gây dịch. Rất may, các mẫu xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính. Đến nay, đã qua 7 ngày, trên địa bàn TP không phát sinh ổ dịch mới.
 
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (FAO Việt Nam), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ chết cao vì chưa có vắc-xin điều trị. Là địa phương có tổng số đàn lợn lớn thứ 2 cả nước với gần 2 triệu con lợn và hơn 10 vạn hộ sản xuất chăn nuôi, nhỏ lẻ; giáp 8 tỉnh, thành có nhiều trục lộ vào TP nên Hà Nội đang tập trung cao độ triển khai đồng bộ, cấp bách nhiều giải pháp để phòng chống dịch nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn vật nuôi.
 
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi được tổ chức sáng 4/3, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, TP đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch; vận động bà con nông dân cùng vào cuộc. Chốt kiểm dịch TP cũng tăng cường tại các cửa ngõ, tuyến đường, giám sát chặt tại các cơ sở, lấy mẫu kiểm tra tại các khu vực lây nhiễm cao để dự báo tình hình (các vùng nguy cơ cao, các lò mổ, điểm giết mổ…), khi phát hiện xử lý ngay, triệt để; phát động tổng tẩy uế môi trường vệ sinh toàn TP và tổ chức diễn tập về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi...
 
“Chúng tôi sẵn sàng lấy kinh phí dự phòng để hỗ trợ ngay cho bà con bị thiệt hại; kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợn chết bị ném ra kênh mương” - ông Nguyễn Văn Sửu cho biết. Đại diện lãnh đạo Hà Nội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo kinh phí hỗ trợ cho gia súc, gia cầm bị tiêu hủy (không cần phải công bố dịch mới hỗ trợ). Mức hỗ trợ có thể cao hơn giá quy định hiện tại (38.000 đồng/kg) theo giá tại thời điểm thực tế xảy ra dịch bệnh để người dân chấp hành tốt quy định, tránh bán chạy khi có lợn ốm, chết; phát động “Tháng vệ sinh tiêu độc” để hạn chế, ngăn chặn dịch. 
 
Người dân không nên hoang mang
 
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, thị trường thịt lợn đã có những tác động nhất định. Theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), những ngày đầu tháng 3, giá lợn hơi tại nhiều địa phương đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
 
Tại Hà Nội, giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ giảm xuống còn trung bình 100.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với sau Tết. Lo sợ ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều người tiêu dùng đã dè dặt, hạn chế sử dụng các loại thịt lợn bày bán tại chợ và chuyển sang mua thịt lợn tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Các sản phẩm thịt lợn bày bán tại đây đều được niêm yết công khai và đầy đủ thông tin mã vạch truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quy trình chăn nuôi, dấu kiểm dịch của cơ quan thú y... trên bao bì nên người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng. 
 
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Vì thế, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người tiêu dùng không nên hoang mang, lo sợ, tẩy chay cả sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
 
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, FAO Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên sử dụng sản phẩm thịt gia súc đã được cơ quan thú y kiểm dịch; không mua và sử dụng thịt gia súc không có nguồn gốc, không đến gần khu vực chăn nuôi; thực hiện nấu chín kỹ trước khi dùng. 
 
Việt Bách

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.