Đề thi mở, mở tới cỡ nào?

Chia sẻ

PNTĐ-Hiện tượng Khá “Bảnh” được đưa vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 11 của trường THPT Kiến Thụy, Hải Phòng mới đây đã dấy lên tranh luận, đề thi mở nhưng mở tới cỡ nào là vừa?

 
Đề thi mở, mở tới cỡ nào? - ảnh 1
Hiện nay, đề thi mở đã được sử dụng trong nhiều kỳ thi để tạo cơ hội cho thí sinh được trình bày suy nghĩ của mình

 
Cụ thể, từ dẫn chứng hiện tượng mạng Khá Bảnh với đời tư bất hảo, “quẩy” trong bar, livestream chửi tục, nói bậy, phát ngôn gây sốc, dàn hàng ngang chụp hình trên cao tốc... nhưng vẫn được người trẻ chào đón như thần tượng, thậm chí trở thành hiện tượng trên Fanpage, YouTube, đề thi yêu cầu học sinh viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của mình. (Báo Phụ nữ Thủ đô số 15 cũng đã đề cập đến nhân vật này trong mục Góc nhìn).
 
Ngay sau đó, đề thi này đã gây ra hai luồng ý kiến. Bên ủng hộ cho rằng, đề thi hay, mang tính thời sự, giúp cảnh tỉnh giới trẻ có ứng xử đúng trước hiện tượng, trào lưu xấu trong xã hội.
 
Nhưng, phía phản đối lại cho rằng, vẫn còn nhiều hiện tượng, tấm gương điển hình để học sinh tiếp cận thay vì sử dụng nhân vật tiêu cực. Trong trường hợp cần, cũng không nên dùng nhân vật thật vì sẽ tạo hiệu ứng không tốt, kích thích học sinh càng tò mò tìm hiểu về nhân vật đó. 
 
Khi đề thi trở thành “dao hai lưỡi”
 
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tranh cãi về đề thi mở, nhất là trong bối cảnh các trường học, các cuộc thi đều đang cải tiến mạnh mẽ việc ra đề thi. 
 
Năm 2017, một trường THPT tại Phú Thọ từng yêu cầu HS lớp 10 hóa thân thành ca sĩ Chi Pu viết một bài văn tự sự kể về một ngày của mình sau khi bị ném đá là “không biết hát mà vẫn ra mắt MV”. Đề thi mở này sau đó đã bị đánh giá là không có tính giáo dục cao, đưa học sinh vào những lùm xùm không đáng bận tâm của giới showbiz. Hay như trường THPT N.H.T (Q.4, TP.HCM) khi đưa tình tiết “nhân vật nam hất điện thoại của nhân vật nữ” trong bộ phim Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc vào đề thi Vật lý cũng bị phê phán là khiên cưỡng, không có tác dụng định hướng cách ứng xử cho học sinh (các em có thể bắt chước hất điện thoại của người khác).
 
Tại Hà Nội, trường THPT N.H, sau khi đưa cả đề xuất cải tiến chữ viết của PGS-TS Bùi Hiền vào đề thi kết thúc học kỳ 1 dành cho HS lớp 12 cũng chưa nhận được sự đồng tình của nhiều người với lý do đề xuất này chưa được nghiên cứu hoàn thiện; học sinh không được trực tiếp nghiên cứu đề xuất mà chỉ biết qua báo chí mà đã đưa ra nhận xét là không nên.
 
Tại trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, TS Trịnh Thị Lan, Tổ trưởng tổ Ngữ văn của trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, giảng viên tổ Phương pháp dạy học Ngữ văn, khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội được biết đến là người luôn đón đầu và thực hành những phương pháp dạy học mới, đem tới cho HS phổ thông những giờ học Ngữ văn hiệu quả, thú vị. TS Lan cũng thường xuyên ra đề thi mở, tạo cơ hội cho học sinh bày tỏ quan điểm về những tình huống trong cuộc sống.
 
Theo TS Lan, nhờ đề thi mở mà cô có thể hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của học trò, để từ đó định hướng cho các em tốt hơn. Chẳng hạn, từ một trích đoạn trong bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu, cô yêu cầu học sinh viết về một giá trị sống mà HS thấm thía nhất. Có học sinh đã nói về lối sống đẹp, sẵn sàng cống hiến vì cộng đồng; có em lại bày tỏ sự biết ơn với những người lao động bình dị, hay có học em thể hiện suy nghĩ về mối quan hệ giữa “rác” và “hoa”, giữa “vay” và “trả” trong cuộc đời…
 
Theo TS Lan, đề thi mở sẽ triệt tiêu những bài văn mẫu khô cứng, động viên học sinh nói ra suy nghĩ thật của mình. Nhưng, cũng vì vậy, để ra được một đề thi mở tốt, đòi hỏi người ra đề phải có trình độ, am hiểu, và có khả năng nhìn nhận những tác động nhiều chiều của đề thi tới học sinh và công chúng. Đối tượng thụ hưởng đề thi mở là học sinh đang tuổi phát triển nhân cách, tâm sinh lý. Vì thế, dù về nội dung gì thì đề mở cũng phải hướng học sinh tới những giá trị sống tốt đẹp, bài trừ cái xấu.
 
Đề thi mở luôn đi kèm… nước mắt?
 
Không chỉ từ phía thầy giáo, cách làm bài đề thi mở của học sinh cũng gây ra nhiều chuyện trớ trêu. Một cô giáo dạy THPT kể, nhiều em, trước đề thi mở yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ về thái độ sống vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, đã bắt đầu viết về gia cảnh “bi đát” của mình như bố mất sớm, mẹ con rau cháo qua ngày; bố mẹ ly hôn, các con bơ vơ côi cút; bố cặp bồ thường bạo hành vợ con… Trên thực tế, hoàn cảnh gia đình em vẫn bình thường, đủ cả bố mẹ.
 
Nguyên do vì các học sinh cho rằng, muốn được điểm cao thì bài làm đề thi mở phải thấm đẫm nước mắt, bối cảnh phải thật trớ trêu, ngôn từ… “hô khẩu hiệu” thì mới tác động được tới tâm hồn, xúc cảm của thầy cô giáo. Vì thế, các em chọn cách “sáng tác” chứ không viết thật cảm xúc, suy nghĩ của mình. 
 
Chuyên gia Phạm Phúc Thịnh cho rằng, đề thi mở khuyến khích học sinh mở lòng, nhưng không phải theo kiểu “bịa đặt” hay thả lỏng, thiếu định hướng. Ngoài ra, khi ra đề thi mở, nên tránh những tác phẩm, câu chuyện đã trở thành nổi tiếng, kinh điển… để học sinh không biến chúng thành tác phẩm méo mó, buồn cười… 
 
Sau sự việc gây tranh cãi về đề thi Khá Bảnh, được biết, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo phía trường rút kinh nghiệm, khi ra những đề thi dạng mở về nhận thức xã hội nên lưu tâm những vấn đề, nhân vật nhạy cảm. Theo chuyên gia Phạm Phúc Thịnh, ra đề thi mở là xu hướng đúng, nhưng để có thể giảm bớt những tranh cãi không đáng có, cả thầy và trò đều cần được định hướng, tập huấn. Thầy định hướng cách ra đề mở đúng, còn trò định hướng cách làm bài tốt.
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.