Chủ động nguồn cung, thêm lựa chọn tiêm phòng

Chia sẻ

PNTĐ-Thông tin về việc sẽ có thêm một vắc-xin “5 trong 1” sẽ được tiêm thử nghiệm mới đây được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, nhất là về chất lượng, độ an toàn, hiệu quả của vắc-xin mới?...

 
Cụ thể, GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, dự kiến từ tháng 5/2019, 1 vắc-xin “5 trong 1” mới có thành phần tương tự Quinvaxem và ComBE Five sẽ được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng; được sử dụng tiêm chủng quy mô nhỏ ở 5 tỉnh thành thuộc miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. 
 
Cũng theo GS Đức Anh, vắc-xin này do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, có tác dụng phòng ngừa 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib, trong đó thành phần ho gà là toàn tế bào. Đồng thời, vắc-xin này cũng đã đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhà cung cấp vắc-xin từng cung cấp 20 triệu liều vắc-xin sởi - rubella cho Việt Nam trong chiến dịch tiêm ngừa năm 2014 với chất lượng rất tốt.
 
Chủ động nguồn cung, thêm lựa chọn tiêm phòng  - ảnh 1
Dự kiến, từ tháng 5 sẽ có thêm 1 loại vắc xin “5 trong 1”để người dân lựa chọn

 
Ngay sau khi thông tin trên được chia sẻ, đã có không ít ý kiến băn khoăn rằng, liệu sự bổ sung vắc xin này có liên quan đến việc nhiều trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm vắc-xin “5 trong 1” ComBE Five. Trước đó, vắc-xin ComBE Five đã được đưa vào sử dụng tại Việt Nam nhằm thay thế vắc-xin Quinvaxem (cuối 2018). Từ tháng 12/2018 tới nay, đã có khoảng 300.000 - 400.000 liều được sử dụng trên toàn quốc, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chiếm 0,05%.
 
Giải đáp băn khoăn nêu trên, GS Đặng Đức Anh khẳng định: Việc đưa thêm vắc-xin vào chương trình nhằm mục đích đảm bảo an ninh vắc-xin và chủ động nguồn cung ứng cho tiêm chủng. Bởi lượng vắc-xin ComBE Five được cung cấp gần đây mới đạt khoảng 60-70% số lượng so với nhu cầu tiêm chủng thực tế.
 
Cách đây không lâu, Bộ Y tế cũng đã lên tiếng khẳng định tỷ lệ phản ứng ở mức 0,05% - 5,5% của ComBE Five ở phạm vi cho phép; Bộ Y tế sẽ tiếp tục đưa vắc-xin này vào sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. “Các loại vắc-xin 5 trong 1 được nhập khẩu về Việt Nam đều được WHO tiền thẩm định, cho phép lưu hành. Riêng vắc-xin ComBE Five đã được sử dụng tại 39 quốc gia khác với 400 triệu liều.
 
Trước khi nhập khẩu về Việt Nam, vắc-xin này cũng trải qua quá trình kiểm định riêng biệt lại không phải một lần; đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn mới có giấy phép lưu hành” - ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai), quyết định đưa thêm 1 loại vắc-xin “5 trong 1” vào Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ giúp người dân có thêm sự lựa chọn cho con em mình. Dòng vắc-xin dự kiến bổ sung tới đây được thông báo là có thành phần tương tự Quinvaxem và ComBE Five, có nghĩa chúng cùng chung công nghệ sản xuất.
 
Với đặc trưng là thành phần ho gà toàn tế bào, các vắc-xin này kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, thời gian bảo vệ kéo dài và hiệu quả bảo vệ cao hơn; nhưng cũng gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn. Vì thế, khi một số ca phản ứng nặng sau tiêm ComBE Five xuất hiện trong thời gian qua, nhiều người dân đã lo lắng, chuyển sang dùng vắc-xin dịch vụ; thậm chí có phụ huynh không cho con đi tiêm chủng.
 
“Nhưng vắc-xin cũng giống các loại thuốc khác, khi tiêm vào cơ thể sẽ có những phản ứng phụ, gây tai biến, thậm chí là tử vong. Bất kể là vắc-xin dịch vụ hay dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đều có tỷ lệ gây phản ứng nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ này trên thực tế được ghi nhận là trong ngưỡng cho phép và có thể kiểm soát được.
 
Bởi vậy, người dân nên lựa chọn 1 trong các dòng vắc-xin được cấp phép lưu hành hiện nay để tiêm chủng cho con em mình. Không tiêm vắc-xin không có nghĩa sức khỏe của trẻ được đảm bảo, an toàn. Ngược lại, không tiêm chủng khiến hàng rào miễn dịch của trẻ bị phá vỡ, trẻ dễ mắc bệnh, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao; nhiều dịch bệnh đã khống chế, loại trừ có thể quay trở lại…
 
Trong đánh giá gần đây vào đầu năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới đã xếp e ngại, từ chối tiêm chủng là một trong 10 yếu tố đe dọa sức khỏe toàn cầu” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.
 
Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.
Chống thực phẩm chức năng kém chất lượng: Cần sự vào cuộc từ cả nhà nước và doanh nghiệp

Chống thực phẩm chức năng kém chất lượng: Cần sự vào cuộc từ cả nhà nước và doanh nghiệp

(PNTĐ) - Trước thực trạng thực phẩm chức năng kém chất lượng, giả mạo và không rõ nguồn gốc vẫn len lỏi trên thị trường, việc kiểm soát chất lượng từ khâu đầu vào đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Không chỉ các cơ quan quản lý, nhiều doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm cũng bắt đầu chủ động phối hợp với đơn vị kiểm nghiệm tuyến cao để minh bạch hóa chuỗi cung ứng, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm.
Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh sẵn sàng triển khai bệnh án điện tử

Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh sẵn sàng triển khai bệnh án điện tử

(PNTĐ) - Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh đã tổ chức Hội nghị thẩm định bệnh án điện tử (EMR) vào ngày 26/6, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của ngành y tế Thủ đô. Việc thẩm định thành công khẳng định bệnh viện đủ điều kiện thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hiệu quả quản lý.