Áp lực làm “học trò hoàn hảo”?

Chia sẻ

PNTĐ-Học trò đi học mà 5 năm trời chỉ toàn điểm 10? Sự ngạc nhiên tới mức không tin nổi thực ra lại có thể minh chứng qua những sản phẩm giáo dục có thật đang tồn tại...

 
Học trò đi học mà 5 năm trời (từ lớp 1 tới lớp 5) chỉ toàn điểm 10? Sự ngạc nhiên tới mức không tin nổi như vậy, thực ra lại có thể minh chứng qua những sản phẩm giáo dục có thật đang tồn tại. Bởi, nếu không “hoàn hảo”, làm sao các em có thể “lọt” qua vòng xét tuyển đầu vào năm học tới ở một trường THCS đặc thù ở Hà Nội?
 
Áp lực làm “học trò hoàn hảo”? - ảnh 1
Hãy cởi trói áp lực làm học sinh hoàn hảo cho trẻ

 
Những ngày qua, người ta nhắc nhiều đến điều kiện tuyển sinh đầu vào “siêu khó” của trường THCS-THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đối với các cô cậu học trò lớp 5. Theo đó, để có thể lọt qua vòng sơ loại hồ sơ vào lớp 6, học sinh phải có tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 từ 39 điểm trở lên. Năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn Toán, tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Năm lớp 4 và lớp 5 phải đạt điểm 10 của tất cả 4 bài kiểm tra các môn: Toán, tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Như vậy, trong suốt 5 năm học tiểu học, các học sinh nhí chỉ được phép nhận duy nhất 1 điểm 9 môn Toán hoặc tiếng Việt, ngoài ra toàn điểm 10. 
 
Hiện tượng tuyển toàn học sinh giỏi, không phải chỉ xảy ra trong mùa thi năm nay. Năm 2017, trường THCS Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, dù là tuyển sinh năm đầu tiên, nhưng cũng đặt ra tiêu chuẩn cao đối với học sinh đầu vào. Theo đó, đợt 1, trường xét tuyển thẳng học sinh lớp 6 với tiêu chuẩn lớp 1, 2 học lực giỏi; lớp 3, 4, 5 điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, tiếng Việt đạt từ 9 điểm trở lên và đã đạt giải quốc tế, quốc gia, thành phố; Đợt 2 trường xét tuyển học sinh “không có giải” nhưng phải đạt học lực giỏi tất cả các năm tiểu học hoặc các lớp ở THCS với học sinh lớp 7, 8, 9. 
 
Cũng trong mùa tuyển sinh năm 2017, sau khi thông báo tuyển 600 học sinh lớp 6 bằng hình thức xét tuyển hồ sơ, trường THCS Lương Thế Vinh đã nhận về tới 1.000 hồ sơ của học sinh tiểu học đạt “toàn điểm 10” hai môn Toán, tiếng Việt từ lớp 1 tới lớp 5. Sự hoàn hảo của các em đã khiến người đứng đầu nhà trường ngày đó là PGS Văn Như Cương phải thốt lên: “Tôi đi dạy nhiều năm cũng chưa từng thấy học sinh nào xuất sắc đến mức cả 5 năm tiểu học đều được 10 cả Toán lẫn tiếng Việt. Ngày xưa được 7 điểm môn Văn đã khó. Môn Toán đạt điểm 9 cũng là mừng”. 
 
Theo TS Lê Phước Hùng, nguyên giảng viên tại đại học St.John, Mỹ, con người có 8 loại trí thông minh khác nhau như về ngôn ngữ; logic, toán học; hình ảnh, không gian… Nhiều em, điểm Toán, tiếng Việt tuy thấp nhưng vẫn rất giỏi, thông minh vì sở trường của các em là nghệ thuật, thể dục… Nếu xã hội chỉ toàn những người giỏi Toán, tiếng Việt là đáng lo, vì như vậy xã hội sẽ không thể phát triển cân bằng, toàn diện.
 
Loại trừ trường hợp học sinh “hoàn hảo” là do được làm đẹp học bạ, để có thể đạt điểm toàn 9, 10, chắc chắn, các em sẽ phải trả giá bằng việc lao vào tối ngày. Đó là lý do, chúng ta không còn xa lạ với hình ảnh nhiều học sinh mới học lớp 1 đã được bố mẹ đưa lên xe, đèo tới các lớp học thêm ngay sau giờ tan học chính khóa.
 
Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam, mới đây đã viết trên facebook của mình:
 
“Một đứa trẻ mà đòi hỏi trong 5 năm học chỉ có nhõn một điểm 9 còn lại phải toàn điểm 10 mới đủ điều kiện dự tuyển, quả thật quá kinh… Trong kí ức thơ ấu của mình, ngôi nhà thuở nhỏ có lá xào xạc ngoài vườn, có tiếng gàu đêm va vào thành giếng, có bố mỗi tối nhắc mình ra ngoài sân nói chuyện với bố chứ không cần học thêm... Mình rất sợ một ngôi nhà mà chỉ có sự cằn cọc của bố mẹ tra khảo bài vở, so sánh con với con nhà người khác, rên rỉ vì đóng nhiều tiền mà sao con không tiến bộ, sợ hãi khi thấy con điểm kém. Mình nghĩ những đứa trẻ sống trong ngôi nhà như thế sẽ sợ hãi lắm. Kí ức của nó sẽ có vị gì chua xót lắm. Và như thế, sau này ra đời có thể nó sẽ thành đạt nhưng một góc tâm hồn, sự bình yên đã bỏ ra đi…”.
 
TS Lê Phước Hùng cũng cho rằng: Ông thích chọn một đứa con phát triển toàn diện, cả về trí tuệ, thể lực, tâm hồn, được hạnh phúc, vui vẻ hơn là con có học bạ “hoàn hảo”.
 

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.