Điện Biên ngày mới

Chia sẻ

PNTĐ-Những ngày này tỉnh Điện Biên rực rỡ cờ hoa chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng với nhiều sự kiện trọng đại được tổ chức.

 
Trước sự kiện lớn khoảng mươi ngày, Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội được người dân, cán bộ, hội viên, phụ nữ Thủ đô giao nhiệm vụ tiếp tục mang tình cảm từ Hà Nội đến với Điện Biên. 
 
Điện Biên ngày mới - ảnh 1

 
Tự hào Chiến thắng trong cuộc chiến tranh chính nghĩa
 
Bằng đường bộ đến với Điện Biên, Đoàn công tác chúng tôi, người là có dịp trở lại, người thì lần đầu tiên được đến, qua từng chặng đường, chúng tôi ngắm nhìn mỗi địa danh huyền thoại năm xưa với lâng lâng cảm xúc. Mỗi tấc đất nơi đây là muôn vàn câu chuyện về sự kiên cường trong chiến đấu, về những tấm lòng, sự sẻ chia “đồng cam cộng khổ” của bộ đội Cụ Hồ, nam nữ dân công và những người dân vùng Tây Bắc. Cả nước và tỉnh Điện Biên đã dành nhiều nguồn lực, công sức để lưu giữ lại các chứng tích lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là các ngọn đồi Him Lam, A1, C1… là lòng chảo Mường Thanh, Sở chỉ huy chiến dịch tại khu rừng Mường Phăng, là các nghĩa trang liệt sĩ…
 
Điện Biên ngày mới - ảnh 2
Đoàn công tác thăm khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại huyện Mường Phăng

 
Được trò chuyện với chị Lò Thị Luyến - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Tỉnh và một số cán bộ, qua những câu chuyện, tấm ảnh được người dân, du khách lưu giữ lại, chúng tôi mừng vì các chứng tích lịch sử được tôn tạo, quản lý, bảo tồn không phải chỉ có trách nhiệm của cơ quan công quyền, mà còn được lưu giữ từ sự trân trọng, ý thức của du khách, người dân Điện Biên. 
  
Nhiều năm sau cuộc chiến, với cái nhìn khách quan, chính nghĩa, vị tha, cũng như nhiều địa phương anh hùng khác, Điện Biên đã tiếp đón những du khách đặc biệt - những người Pháp, người Phi… từng ở bên kia chiến tuyến cùng người thân của họ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh những bà mẹ người Thái, người Việt đặt bàn tay run run gân guốc của mình vào những bàn tay to lớn, với nụ cười móm mém trên gương mặt hiền từ, các mẹ đón nhận tâm trạng vừa hối lỗi, vừa đồng cảm vì sự mất mát trong chiến trận của những vị khách đặc biệt đó…
 
Và tôi tin, ý nghĩa về cuộc chiến tranh chính nghĩa vì độc lập dân tộc, về truyền thống yêu hòa bình, chỉ chọn lựa và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ và xây dựng một nền hòa bình bền vững sẽ được thấm trong máu, trong tri thức của mỗi người dân nước Việt. 
 
Tình nghĩa Hà Nội - Điện Biên qua từng cây số núi rừng
 
Ngày thứ hai của chuyến công tác, chúng tôi tách đoàn, một đoàn đi chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới tại địa danh Mường Phăng nổi tiếng, nơi quân đội ta từng đặt Sở chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nay là điểm sáng với thành tựu xây dựng Nông thôn mới của Tỉnh.
 
Tại đây chị em trong đoàn được tận mắt chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng. Những căn hầm, những lán trại trong khu di tích vẫn nguyên vẹn cảnh xưa, nhưng mọi con đường dẫn đến các bản làng đã được mở ra rộng rãi, các lối mòn qua lại đều đã được lát xi măng. Những ngôi nhà sàn vẫn vậy nhưng nay đã là những homestay đón khách. Mường Phăng nghèo đói vắng vẻ khi xưa, nay đã hiện hình phố xá, chợ búa, trường học, những cửa hiệu, cửa hàng lớn…
 
Thực hiện nhiệm vụ “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Đoàn thứ hai có 8 chị em đã vượt gần 300km đường rừng núi đến với huyện giáp biên giới Mường Nhé. Với chúng tôi, quãng đường đó chất chứa thêm bao tình cảm vốn đã nặng bởi sự gửi gắm của phụ nữ Thủ đô gửi đến Điện Biên. Nhưng chính sự “nặng trĩu tình” đó lại khiến đoạn đường quanh co, đèo dốc trở nên thơ mộng, gần gũi, không còn mệt mỏi. Mỗi khi xe dừng bánh đến một điểm làm việc, chúng tôi ùa xuống cùng đón nhận và sẻ chia tình cảm nồng ấm chân thật giữa Hà Nội - Điện Biên, giữa bộ đội và chị em phụ nữ từ Thủ đô Hà Nội.
 
Điện Biên ngày mới - ảnh 3
Ở Mường Nhé, các cuộc tuyên truyền kiến thức của Hội PN được tổ chức ở mọi địa điểm

 
Cuộc làm việc giữa Đoàn công tác với lãnh đạo huyện Mường Nhé diễn ra trong bữa cơm tối thân mật được tổ chức ngay sau khi Đoàn đến Huyện, vào lúc trời đã chuyển tối. Tiếp chúng tôi có 4 đồng chí lãnh đạo nữ Phó Chủ tịch UBND, HĐND, Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội LHPN huyện. Phó Chủ tịch (PCT) UBND huyện Pờ Diệu Ninh, một nữ lãnh đạo trẻ và chị Giàng Thị Phương - PCT HĐND huyện vui vẻ chia sẻ:
 
Mường Nhé là huyện xa nhất của Tỉnh, công tác cán bộ nữ rất được quan tâm. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên cấp huyện đạt 15,8%; nữ đại biểu HĐND huyện đạt 36,67%. Các mặt văn hóa xã hội, hệ thống trường, lớp học được quan tâm, rà soát đầu tư sửa chữa nâng cấp, nâng cao chất lượng học tập ở các cấp học. Huyện quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo; Thực hiện các giải pháp xóa đói giảm nghèo, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 66,73%”.
 
Hiệu quả từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
 
Điện Biên ngày mới - ảnh 4
Ngày mới về trên Bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé

 
Theo lịch, 5h30 sáng hôm sau, chị Phạm Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé đưa chúng tôi vượt qua 50, 60km đường núi đến thăm và làm việc với hai Đồn biên phòng và 2 xã biên giới Sín Thầu, Leng Su Sìn là 2 địa phương Hội LHPN Hà Nội nhận giúp đỡ trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020. 2 xã có địa bàn rộng, giao thông, thông tin liên lạc còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, chủ yếu dựa vào nông nghiệp.  
 
Điện Biên ngày mới - ảnh 5
Mô hình hoạt động Hội được thành lập từ nguồn kinh phí do Hội LHPN Hà Nội hỗ trợ

Điện Biên ngày mới - ảnh 6
 
Điện Biên ngày mới - ảnh 7
Chủ tịch Hội PN xã Sín Thầu háo hức đề nghị Đoàn công tác hướng dẫn sử dụng máy vi tính

 
Làm việc tại xã Sín Thầu, chúng tôi được biết xã có dân số 1.404 người, trong đó 91% là dân tộc Hà Nhì. Chị Pờ Mỳ Nụ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã phấn khởi trình bày về kết quả làm được từ sự nguồn hỗ trợ của Hội LHPN Hà Nội năm 2018. Hội Phụ nữ xã đã thành lập 2 Mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” tại Chi hội bản A Pa Chải và mô hình “ Phụ phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu - Bảo vệ môi trường” tại Chi hội bản Tả Kố Khừ. 2
 
Điện Biên ngày mới - ảnh 8
Một cuộc ra quân tổng vệ sinh môi trường hàng tuần của phụ nữ huyện Mường nhé

 
Mái ấm nghĩa tình Hà Nội - Điện Biên được Hội Phụ nữ xã, Bộ đội biên phòng và lãnh đạo địa phương hỗ trợ xây dựng cho 2 hộ gia đình phụ nữ nghèo. Bằng giọng rất vui, đồng chí nữ Bí thư Đảng ủy xã, một cán bộ nữ năng động nói: “Số hộ nghèo đến cuối năm 2018 của xã còn 37,85%, xã đã đạt 17/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Kết quả này của chúng em thực hiện được phải là sự nỗ lực lớn”. 
  
Điện Biên ngày mới - ảnh 9
Bộ đội và người dân địa phương góp ngày công xây dựng 1 Mái ấm trong chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Điện Biên ngày mới - ảnh 10
Phong trào “5 không, 3 sạch” luôn có sự đồng hành của phụ nữ và bộ đội Biên phòng 

 
Xã Leng Su Sìn có điều kiện khó khăn hơn, với dân số 2.795 người, trong đó 70,67% người dân tộc Mông và 29,3% dân tộc Hà Nhì, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 80,18%, đã giảm 0,54% so với năm 2018. Đồng chí Trương Mỹ Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết số tiền Hà Nội hỗ trợ năm 2018 được sử dụng để tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, xây 2 Mái ấm tình thương cho gia đình hội viên nghèo, mua 10 chiếc xe đạp cho con em hội viên nghèo hiếu học. Các chị nói mỗi khi ra đường, trên chiếc xe nghĩa tình các con tự tin, vui mừng hơn, chăm đeo khăn quàng đỏ đội viên đến trường…  
  
Tại các buổi làm việc, Đoàn công tác đã trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND 2 xã về những khó khăn của địa phương, những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của phụ nữ và nhân dân. Số tiền để xây, sửa 7 mái ấm tình thương được gửi đến 7 phụ nữ nghèo dưới sự giúp đỡ giám sát của Hội Phụ nữ Bộ đội biên phòng để việc sử dụng được đúng mục đích. Hai bộ máy tính, máy in đã được lắp đặt. Trong tâm trạng đầy cảm xúc vì món quà thiết thực ý nghĩa, Chủ tịch Hội Phụ nữ 2 xã háo hức thử sử dụng ngay sau buổi lễ bàn giao. 
 
Điện Biên ngày mới - ảnh 11

 
Tại 2 Đồn biên phòng Leng Su Sìn, Sín Thầu, chúng tôi thêm hiểu tại sao ở những vùng biên cương của đất nước, người dân lại gắn chặt tình cảm với các chiến sĩ biên phòng đến thế. Các anh không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương thiêng liêng, mà luôn có mặt để hướng dẫn bà con làm ăn sinh sống, sẻ chia vui buồn, kịp giúp đỡ người dân những khi gặp khó. Các anh là niềm tin là chỗ dựa của chính quyền và người dân, đã có bao câu chuyện thắm tình quân dân ở mảnh đất này. 
 
Quán “chè xanh miễn phí” nồng hậu đón khách Thủ đô 
 
Quán “chè xanh miễn phí”, đó là tên gọi thân thiết của chúng tôi khi nói về lán lá bên đường được dựng lên để phục vụ giải khát miễn phí cho người dân qua đường do Đoàn Kinh tế quốc phòng 379 thuộc quân khu 2 dựng tại 1 điểm đóng quân thuộc huyện Mường Chà. 
 
Điện Biên ngày mới - ảnh 12
Quán chè xanh miễn phí do bộ đội Đoàn 379 dựng lên, là nơi dừng chân của người dân và Đoàn công tác trên đường đến với Mường Nhé

 
Quán không có vách ngăn, với ấm nước chè xanh luôn đầy để giữa chiếc bàn tre, xung quanh là vài chiếc ghế đá, bốn bề đều là cửa rộng mở. Tấm bìa giản đơn với dòng chữ “Chè xanh miễn phí” là lời mời chào giản dị nhất, rộng lòng nhất, được người dân qua đường đón chào nhất trên khúc đường này.
 
Khi chúng tôi đến, quán không có người, nhưng sự thích thú tự phục vụ nước cho nhau chỉ kéo dài ít phút, “4 đồng chí chủ quán” do đại tá Đinh Tiến Hợp - Phó Chính ủy Đoàn dẫn đầu đã có mặt tiếp và trò chuyện với chúng tôi. Lúc này chị Hà Thị Tươi - PCT Hội LHPN tỉnh Điện Biên cùng Đoàn về Mường Nhé mới vui vẻ giới thiệu: Đoàn Kinh tế quốc phòng 379 và Hội LHPN tỉnh Điện Biên kết nghĩa khăng khít từ nhiều năm nay. Lán chè xanh là sáng kiến của các anh chứng kiến sự mệt nhọc, người dân địa phương qua đường. 
 
Được thành lập từ năm 1989, cùng với nhiệm vụ của đơn vị quân đội làm kinh tế, Đoàn 379 có nhiệm vụ giúp địa phương phát triển KT - XH, bảo vệ chính trị trật tự trị an. Chè xanh là một trong những sản phẩm do bộ đội trồng trọt. Qua câu chuyện thân tình với các đồng chí trong Ban chỉ huy, nhiều dự định kết nối giữa cán bộ chiến sĩ Đoàn 379 với Hội LHPN Thành phố, với phụ nữ của các quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Gia Lâm sẽ được thực hiện trong tương lai không xa.
 
Và chắc chắn, câu chuyện về “Lán chè xanh miễn phí” sẽ được nhiều người dân Mường Nhé, Nậm Bồ, Mường Chà và chúng tôi nhắc đến nhiều lần nữa với tình cảm đặc biệt, sự ấm lòng tình nghĩa quân - dân. Đây sẽ là điểm dừng chân tin yêu của chúng tôi khi hành trình về với Sín Thầu, Leng Su Sìn thực hiện nhiệm vụ đồng hành cùng phụ nữ biên cương.
 
 
 Trong hai năm 2018 - 2019, Hội LHPN Hà Nội và các quận, huyện Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Gia Lâm... đã trao tặng 11 mái ấm, 2 bộ máy tính, máy in, 20 chiếc xe đạp, vốn sinh kế… cho phụ nữ 2 xã, trị giá gần 520 triệu đồng. Đồng chí Lê Thị Thiên Hương - PCT Hội LHPN Hà Nội thay mặt lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội khẳng định chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” sẽ tiếp tục  được triển khai. 
 
 
 
Nguyễn Thị Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.