Làng gốm Bát Tràng: “Ngóng” chợ thương mại điện tử

Chia sẻ

PNTĐ-Hiện nay, những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đang bị cạnh tranh khá khốc liệt. Trước thực trạng ấy, Bát Tràng đang nỗ lực chuyển mình để đáp ứng nhu cầu thị trường.

 
 
Nằm bên dòng sông Hồng, làng gốm Bát Tràng có tuổi đời hơn 700 năm. Hiện nay, những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đang bị cạnh tranh khá khốc liệt do rất nhiều loại mặt hàng gốm sứ, thủy tinh được mang từ nơi khác về bày bán. Trước thực trạng ấy, Bát Tràng đang nỗ lực chuyển mình để đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Làng gốm Bát Tràng: “Ngóng” chợ thương mại điện tử - ảnh 1

 
Trước đây, Bát Tràng là một trong những điểm làng nghề ô nhiễm về khói bụi, khí thải độc hại do lò nung gốm thải ra (bình quân, mỗi ngày cả xã đốt hết khoảng 200-300 tấn than cám). Không những thế, việc nung đốt bằng than và củi thủ công khiến chất lượng sản phẩm không cao khiến vào đầu những năm 2000 thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các doanh nghiệp loay hoay tìm chỗ đứng cho sản phẩm.
 
"Cái khó ló cái khôn", cùng với quyết tâm không để nghề mai một, 700 lò nung ở Bát Tràng đã cùng nhau tìm cách cải tiến kỹ thuật để "lấy lại phong độ" cho gốm, đồng thời cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Với sự hỗ trợ, hợp tác của dự án PECSME do UNDP/GEF tài trợ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, năm 2001-2002, các chủ lò gốm Bát Tràng đã mạnh dạn chuyển từ lò nung bằng than sang lò nung bằng ga. Bước đột phá này đã khiến Bát Tràng từ làng nghề mù mịt khói bụi trở thành làng gốm xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.
 
Khi nền kinh tế thị trường tạo ra xu hướng mở cửa hội nhập, gốm Bát Tràng cũng là một trong những mặt hàng tham gia vào cuộc cạnh tranh mạnh mẽ với gốm sứ đến từ các nước khác, đặc biệt là gốm sứ Trung Quốc.
 
Tuy chênh lệch nhau về giá thành nhưng các sản phẩm gốm Bát Tràng có những nét vẽ, đắp, nặn rất riêng và rất duyên. Ở đó có cả một nét văn hóa truyền thống dân tộc. Không thể lẫn với những sản phẩm của nơi khác được, đặc biệt là những sản phẩm của Trung Quốc hay Nhật Bản. Hơn nữa những sản phẩm gốm làm bằng phương pháp công nghiệp thường có thêm phụ gia, hóa chất. Ngược lại gốm cổ của Bát Tràng hoàn toàn làm bằng nguyên liệu tự nhiên, từ đất, từ tro… Vì vậy nó không độc hại tới người tiêu dùng.
 
Hiện nay, để tăng tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, người làm gốm Bát Tràng ngày càng cố gắng để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng khác nhau có mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, tại chợ gốm cổ Bát Tràng đã có bày bán rất nhiều đồ gốm gia dụng và gốm trang trí nhiều màu sắc bắt mắt với các sản phẩm sơn mài trên gốm, tranh gốm, chuông gió, các hình con vật, đồ chơi bằng gốm, đèn xông tinh dầu…Đặc điểm của men gốm đã có những thay đổi, men gốm hiện nay có độ dày và trong tạo độ sâu, bóng hơn men gốm của khoảng 20 năm trước rất nhiều.
 
Những năm gần đây, cùng với phát triển sản xuất, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm cũng trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề của TP Hà Nội được nhiều khách quốc tế trong và trong nước biết đến. Từ đầu năm 2016, Bát Tràng đã có xe điện đưa du khách tham quan; đầu năm 2017, xuất hiện hình thức homestay (loại hình du lịch mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân địa phương) tại làng nghề. Ngoài sản xuất làng nghề, Bát Tràng đã linh hoạt khai thác yếu tố văn hóa, tâm linh, lịch sử từ các di tích văn chỉ làng khoa bảng, đình, đền hoặc tổ chức lễ hội truyền thống để thu hút du khách trong, ngoài nước.
 
Thành phố Hà Nội đang xây dựng đề án phát triển làng nghề du lịch đối với làng gốm Bát Tràng. Đây là 1 trong 2 làng nghề cùng với Vạn Phúc được xướng lên đầu tiên trong hàng trăm làng nghề của vùng đất Thăng Long để phát triển giữa sản xuất kinh doanh với du lịch.
 
Theo những người sản xuất, kinh doanh tại làng nghề cho biết: Làng nghề Bát Tràng được TP ưu tiên xây dựng, bảo tồn nghề truyền thống. Tuy nhiên, thành phố cần xây dựng chợ gốm trên không gian mạng. Đây là một đề xuất hợp lý trong thời điểm công nghệ 4.0 thương mại điện tử đang bùng nổ phát triển ở mọi ngành, hàng, lĩnh vực. Nếu phát triển chợ thương mại điện tử gốm Bát Tràng không chỉ tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước quản lý giá các mặt hàng gốm trên thị trường, bán đúng giá, rõ xuất xứ nguồn gốc sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo.  Nó còn giúp cho sản phẩm đến với người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi chỉ bằng một cái nhấp chuột.
 
 
Minh Phương 

Tin cùng chuyên mục