Chủ đầu tư không thể phủ nhận trách nhiệm

Chia sẻ

PNTĐ-Dự án hạ ngầm đường điện cao áp 110KV ở khu đô thị Văn Phú đã khiến hàng chục ngôi nhà liền kề bị sụt lún, nứt tường...

 
Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được phản ánh của gần 100 hộ dân ở TT 30, TT32, TT35 - khu đô thị (KĐT) Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông về việc công ty CP đầu tư Trung Việt triển khai dự án hạ ngầm đường điện cao áp 110KV đã khiến hàng chục ngôi nhà liền kề bị sụt lún, nứt tường. Mặc dù tình trạng này kéo dài hơn 1 năm qua dẫn tới nguy cơ không đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân nhưng vẫn chưa được các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm.
 
Tháng 1/2018, công ty CP đầu tư Trung Việt hạ đường điện cao áp 110KV dưới tuyến đường ở KĐT ngay trước mặt các căn hộ liền kề. Trong quá trình thi công, công ty đào sâu xuống lòng đường 3m, rộng 3m, ép 2 bên cọc. Nhiều hộ dân đang sinh sống ổn định ở đây từ năm 2013 cho biết. Trước đây, nhà không có hiện tượng lún nứt. Chỉ từ khi đơn vị này thi công, rút cọc và ép nền đất, dùng xe lu để đầm mặt đường, đầm nền, nhà các hộ dân mới xảy ra hiện tượng sụt lún và ngày càng nghiêm trọng.
 
Anh Vũ Văn Hùng, nhà 1/TT35, bà Nguyễn Thị Thắng nhà số 5/TT35 cho biết, do phần nền móng bị sụt lún, tạo áp lực, khiến tường của nhiều ngôi nhà xuất hiện các vết nứt lớn từ 3 - 10cm. Móng nhà bị sụt xuống, trơ cả bê tông bên trong. Bà Thắng cho biết, gia đình bà nhiều ngày nay không dám dùng nước từ bể nước ngầm, bởi lo ngại nước bẩn từ bể phốt bị dập vỡ chảy sang. Từ khe hở sụt lún trên bề mặt bể nước ngầm, mùi hôi thối bốc lên. Chỉ cần hé viên gạch lát ra là muỗi, gián thi nhau bay lên.
 
 
Chủ đầu tư không thể phủ nhận trách nhiệm - ảnh 1
Nền nhà bà Nguyễn Thị Thắng bị nứt nẻ, sụt lún

Chị Hà Thị Kim Cúc, SN 22/TT30, KĐT Văn Phú cho biết, bể nước ngầm bị nứt vỡ do nền nhà sụt lún, gây thất thoát nước. Bình thường mỗi tháng gia đình chị chỉ dùng hết từ 8 - 12 khối nước, tương đương 50 - 60 nghìn đồng/ tháng thì tiền nước tháng 4 nhà chị đội lên 2,5 triệu đồng. Mặc dù chị Cúc chưa đóng tiền tháng 5 nhưng đồng hồ nước đã báo xấp xỉ mức tiêu thụ 100 khối.
 
Hiện tượng nứt nẻ, xuống cấp, sụt lún ở KĐT Văn Phú gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người dân. Nhiều hộ gia đình phải tự bỏ hàng chục triệu đồng để khắc phục sự cố kể trên như lấp cát vào những chỗ bị lún, láng lại nền, xây mới lại bể nước ngầm, bể phốt. Những gia đình chưa có điều kiện tự sửa chữa thì luôn nơm nớp nỗi lo nhà sập. Trước thực trạng trên, người dân đã nhiều lần gửi đơn đến phường yêu cầu phía công ty CP đầu tư Trung Việt khắc phục thiệt hại, trả lại hiện trạng nhà ban đầu cho các hộ dân nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa được giải quyết.
 
Ngày 3/4, UBND phường Phú La đã tổ chức đối thoại giữa các bên để tìm phương án giải quyết. Theo đó, công ty CP đầu tư Trung Việt đã thuê 1 đơn vị tư vấn để xác định nguyên nhân lún nứt. Theo kết quả công ty đưa ra, việc lún nứt nhà dân do nền đất khu vực này rất yếu. Quá trình thi công dự án do công ty làm chủ đầu tư khiến việc lún nứt xảy ra nhanh hơn.
 
Trước câu trả lời của công ty, người dân không đồng tình bởi lẽ, trước khi thi công hạ ngầm đường điện, người dân đã đề nghị chủ đầu tư kiểm tra, chụp ảnh, lập biên bản hiện trạng từng ngôi nhà, nhưng chủ đầu tư đã không thực hiện. Đến khi xảy ra sự cố lún nứt, người dân yêu cầu bồi thường, lúc đó chủ đầu tư lại phủ nhận trách nhiệm.
 
Trong các ngày 6 - 9/4, UBND phường Phú La tiếp tục có buổi làm việc với các hộ dân và công ty CP đầu tư Trung Việt, yêu cầu công ty tạm dừng thi công. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty vẫn tiếp tục khẳng định, việc thi công dự án hạ ngầm của công ty không gây lún nứt nhà các hộ dân hai bên đường. Thêm vào đó, công ty đã thi công theo đúng phương án được duyệt nên vẫn tiếp tục cho thi công dự án.
 
Ông Nguyễn Khắc Huy, Chủ tịch UBND phường Phú La cho biết, tại cuộc họp sáng 17/5, phía công ty vẫn giữ quan điểm không đồng ý đền bù nhà bị lún, nứt mà chỉ đồng ý phương án hỗ trợ các hộ dân, vì cho rằng khi thi công dự án có gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của cư dân.
 
Theo đó, công ty sẽ phối hợp với UBND phường Phú La khảo sát hiện trạng hư hại đối với từng hộ dân. Ngày 22/5, công ty sẽ gửi bản tổng hợp hiện trạng hư hại và áp mức giá hỗ trợ cho từng hộ. Tuy nhiên, các hộ dân cho biết, căn cứ vào nội dung đơn giá công ty lập vào ngày 6/5 cho thấy mức hỗ trợ quá thấp, không đủ 1/10 chi phí thực tế sửa chữa sụt lún nhà. Nếu phía công ty không điều chỉnh lại đơn giá hỗ trợ, người dân sẽ không đồng ý thỏa thuận này.
 
Như vậy, cho đến thời điểm này, giữa người dân, chính quyền và công ty CP đầu tư Trung Việt vẫn chưa tìm ra được một phương án giải quyết hiệu quả. Đề nghị các cấp chính quyền cần sớm vào cuộc để chỉ rõ nguyên nhân, có câu trả lời khách quan, chính xác tới người dân.
 
Tuệ Liên 

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.