Về chùa Bối Khê, ngắm hoa sen đất nở

Chia sẻ

PNTĐ-Qua thời gian và sự phát triển đô thị, hoa sen đất ít xuất hiện hơn nên 2 cây sen đất ở chùa Bối Khê có thể được xem là “báu vật” dân gian mà ai cũng trân trọng...

 
“Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc nón trên cành hoa sen…”, “Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…”. Sen được nhắc đến trong bốn câu thơ quen thuộc trên nhiều người sẽ nghĩ đó là hoa sen nước mà thường nở ở ao đình. Nhưng thực tế, đó là loài hoa sen đất, một loài hoa quý mà hiện chỉ còn thấy ở sân chùa Bối Khê, xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
 
 
Về chùa Bối Khê, ngắm hoa sen đất nở - ảnh 1
Hoa sen đất có màu trắng muốt, hương thơm ngào ngạt
 
Ngào ngạt sen đất
 
Chùa Bối Khê là một ngôi chùa cổ được xây dựng năm 1388 dưới thời nhà Trần. Chùa tọa lạc ngay đầu thôn Song Khê và có một diện tích khá lớn. Trước mặt chùa là một bãi đất rộng được cho là nơi tuyển mộ quân lính thời phong kiến, trên bãi đất còn có một cây đa cổ thụ có niên đại khoảng 600 năm và 5 ngôi mộ tháp thờ các hạt xá lợi của các trụ trì qua nhiều đời.
 
Bước vào cổng chùa những ngày cuối tháng 4 (âm lịch) du khách dễ dàng bị lôi cuốn bởi hương thơm ngào ngạt đầy quyến rũ của hoa. Theo một số người dân ở đây, cây sen đất tại chùa đã hơn trăm năm tuổi và đều đặn ra hoa vào mùa hạ. Hoa sen đất có màu trắng tinh, cánh dày và thơm hơn sen nước, khi nở hết cỡ to bằng cái bát ăn cơm. 
 
Về chùa Bối Khê, ngắm hoa sen đất nở - ảnh 2
Chùa Bối Khê là một ngôi chùa cổ kính có niên đại gần 700 năm

 
Hoa sen đất cao khoảng 3 đến 4 mét, thân cứng, lá xanh đậm, mỗi năm hoa chỉ nở một lần vào tháng 4 âm lịch, số lượng hoa nở trên một cây cũng không nhiều. Vì thân hoa cứng cáp nên trong câu thơ “Bỏ quên chiếc nón trên cành hoa sen” chính là nói về cây sen đất. Bởi lẽ, cây sen nước rất mỏng manh, nếu như treo chiếc nón lên sen nước cây có thể bị gãy hoặc không chắc chắn, điều này cho thấy rằng, cây sen đất ngày xưa mọc rất phổ biến ở làng quê Việt Nam, là một loài cây gần gũi với người nông dân với vẻ trắng tinh khôi, thanh khiết, mùi thơm bình dị.
 
Qua thời gian và sự phát triển đô thị, hoa sen đất ít xuất hiện hơn nên 2 cây sen đất ở chùa Bối Khê có thể được xem là “báu vật” dân gian mà ai cũng trân trọng, nâng niu.
 
Nhìn những bông sen đất đủ màu sắc được phật tử hái vào, người làng Bối Khê cho biết: "Ở chùa Bối Khê vốn có hai cây sen đất do phật tử cung tiến từ trăm năm trước đây, nhưng một cây đã chết, chỉ còn lại duy nhất một cây. Sau đó, cây sen này được chiết cành thành mấy chục cây nhưng không dễ bắt rễ đơm hoa, duy chỉ còn có bốn cây sống với đất tổ.
 
Đời của hoa sen đất cũng “sớm nở tối tàn”, hoa chỉ có nhụy vàng chứ không có gương sen như sen nước, nhưng khi cánh hoa khô rồi vẫn sẽ còn thơm". Chính nhựa đất Phật, gió nguồn nơi đây dung dưỡng cho loài sen đất bền bỉ khoe nét đặc biệt của mình. 
 
Tháng 4 hoa nở, từng bông hoa chúm chím vươn ra to như chiếc bát, bên trong nhụy vàng óng, nức mùi hương mà không lẫn vào đâu được. Ngửi thấy sen đất trong không gian cửa Phật làm cho tâm hồn thư thái, nhẹ nhàng và hướng về Phật gần hơn.
 
Ngôi chùa mang nhiều nét đặc trưng độc đáo
 
Ngoài hoa sen đất, chùa Bối Khê còn có nhiều nét đặc trưng mà ít ngôi chùa có được như hình tượng chim thần Garuda đỡ bệ sen của Quan âm Bồ tát hay còn gọi là đại bàng Kim Sí Điểu.
 
Hình tượng Đại bàng Kim Sí Điểu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Qua sự tiếp biến và giao lưu văn hóa, hình tượng chim thần này đã có mặt tại nhiều ngôi chùa ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, do thời gian và chiến tranh nên chỉ còn chùa Bối Khê còn lưu giữ được hình tượng Đại bàng Kim Sí Điểu đỡ bệ sen được tạc bằng đá.
 
Về chùa Bối Khê, ngắm hoa sen đất nở - ảnh 3
Hình tượng Đại bàng Kim Sí Điểu đỡ bệ sen trong Tam bảo chùa Bối Khê

 
Hình tượng này tượng trưng cho sự nhân từ của nhà Phật cũng như sự giác ngộ của những thú vật ác. Từ một loài vật chuyên đi ăn thịt các loài khác, quấy rối loài người, Garuda đã được Phật tổ cảm hóa thành “người bảo vệ Phật pháp”. Không những thế, chim thần Garuda còn được những nghệ nhân đá xưa điêu khắc vô cùng tinh xảo. Thân chim vẫn giữ được sự oai phong, lẫm liệt và sức mạnh của mình nhưng khuôn mặt đã trở nên nhân từ hơn rất nhiều.
 
Đằng sau Tam bảo là điện thờ Đức Thánh Bối. Ngài tên thật là Nguyễn Bình An, người làng Bối, sinh thời Ngài tu tại chùa Bối Khê. Ngài có công giúp vua Trần đánh giặc ngoại xâm nên được vua Trần phong cho làm Thượng đẳng thần, từ đó con cháu đời đời thôn Bối Khê luôn thờ phụng Ngài như một vị Thánh tối cao của dân làng. Chùa còn được gọi với lối thờ phụng “tiền Phật hậu Thánh” rất đặc trưng.
 
Ngoài ra, sau chùa còn có 1 địa đạo dài khoảng 10m, đây là địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp, dài hàng trăm mét, nối nhiều nhà trong thôn với nhau để cất giữ vũ khí, cán bộ cho cách mạng. Về sau, hầm được tỉnh Hà Tây công nhận là di tích cách mạng, cần bảo tồn và gìn giữ.
 
Tuy không phải là một ngôi chùa với nước sơn bóng bảy hay tượng Phật nguy nga nhưng chùa Bối Khê lại giữ được các nét giá trị ban sơ, đặc trưng, chính không gian tĩnh mịch, thanh tịnh ở chùa là không gian lý tưởng nhất cho những ai đang muốn tìm về một chốn an nhiên, một chuyến du lịch tâm linh nhẹ nhàng, thanh khiết. Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa ngay từ năm 1979. Lễ hội chùa Bối Khê diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch.
 
 
NGUYỄN VĂN CÔNG

Tin cùng chuyên mục

NSND, NSƯT cổ vũ Đại học VHNT Quân đội phát huy nghiên cứu đề tài khoa học

NSND, NSƯT cổ vũ Đại học VHNT Quân đội phát huy nghiên cứu đề tài khoa học

(PNTĐ) - Đại tá Vũ Hồ Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (ĐH VHNTQĐ) cho biết, hiện nay Trường đang nỗ lực phát huy mảng nghiên cứu khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học đều được ứng dụng vào học tập cũng như giảng dạy của thầy cô và học viên.