Chàng rể quý

Chia sẻ

PNTĐ-Sau 10 năm làm rể, bà Hồng mới nhận ra: Rể quý không phải ở việc giàu nghèo mà ở cách đối nhân xử thế với vợ con và gia đình vợ.

 
Trước đây, vợ chồng bà Hồng một mực ngăn cản chuyện tình cảm của cô con gái rượu chỉ vì thấy Khánh chưa có công việc ổn định, gia thế lại nghèo. Thế nhưng, sau 10 năm làm rể, bà Hồng mới nhận ra: Rể quý không phải ở việc giàu nghèo mà ở cách đối nhân xử thế với vợ con và gia đình vợ.
 
Chàng rể quý - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thu là con gái cả của bà Hồng, dưới Thu còn có ba em trai. Vì sinh đông con nên gia đình bà Hồng khá khó khăn, chật vật trong kinh tế. Thế nên, là chị cả, Thu sớm đã biết lo toan, giúp mẹ chăm sóc các em nhỏ. Sau khi học xong đại học, Thu đi làm ở Hà Nội và hỗ trợ học phí cho các em ăn học. Có những ước mơ riêng, Thu gác lại để lo cho các em.
 
Dù có nhiều người theo đuổi, yêu thương, nhưng Thu vẫn chưa vừa ý một ai. Trong số đó có Khánh là người kiên trì nhất. Dù chưa được Thu đồng ý lời tỏ tình nhưng anh vẫn kiên nhẫn ở bên cạnh, chăm sóc, che chở cho cô. Đồ đạc trong nhà trọ Thu bị hỏng hóc, Khánh luôn sẵn sàng đến sửa chữa. Đi đâu về muộn, người đầu tiên cô tin tưởng là Khánh để nhờ đưa đón. Cô ốm mệt, Khánh mua từng gói thuốc, bát cháo đến thăm. Cưới em trai Thu, Khánh xuống phụ giúp từ a đến z. Mẹ cô nằm viện, Khánh là người đưa cơm và chăm sóc… Dần dần, cô mặc nhiên coi Khánh như người thân bên cạnh mình dù chưa nói lời yêu.
 
Ngày đó, Khánh cũng mới chỉ là nhân viên bình thường của một công ty xây dựng. Vì vậy, khi đưa người yêu ra mắt gia đình, bố mẹ Thu đã phản đối vì sợ con gái sẽ vất vả. Bởi hoàn cảnh gia đình của anh rất nghèo khó, hai gia đình lại cách nhau mấy trăm cây số. Bà Hồng ướm hỏi cho con gái mấy mối cùng làng, có công việc ổn định, thu nhập tốt, gia đình cơ bản. Nhưng, Thu vẫn kiên quyết lấy Khánh làm chồng.
 
 Ngày cưới, bà Hồng nghẹn ngào: “Gia cảnh thằng Khánh không khá giả gì, nhưng bố mẹ sống có phước đức. Khánh cũng chịu khó ngoan ngoãn. Giàu từ hai bàn tay, hai con cố gắng bảo ban, thuận vợ thuận chồng sẽ làm nên cơ nghiệp”. Bên chén trà chén tửu, bố Thu trải lòng với con rể tương lai: “Con gái bố vất vả từ nhỏ, nay lại lấy chồng xa nên bố mẹ không thể lúc nào cũng có mặt giúp đỡ khi việc to, việc lớn. Con cố gắng yêu thương và bù đắp cho vợ con. Bố mẹ ở quê nhà cũng cảm thấy yên lòng”.  Khánh vâng dạ và hứa sẽ chăm sóc và yêu thương Thu hết đời.
 
Thời gian đầu, Khánh còn chưa có công việc ổn định, nên cuộc sống hai vợ chồng khá vất vả. Dù vậy, Thu không một lời than thở. Ban ngày đi làm công ty, tối đến, cô lại bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Một tay cô vun vén lo toan nhà cửa để chồng yên tâm học thêm khóa thiết kế nội thất. Cô cũng không quên gọi điện thăm hỏi và quan tâm đến gia đình chồng, làm tốt vai trò của một nàng dâu hiếu thuận. Bù lại, Khánh cũng thể hiện là chàng rể quý được bố mẹ vợ vô cùng yêu mến.
 
Màn “ghi điểm” đầu tiên của con rể đối với bố mẹ vợ là luôn yêu thương vợ con. Thay vì ngồi bia rượu với bạn sau giờ làm, Khánh đều cố gắng về nhà sớm để giúp vợ việc nhà và chăm sóc con cái. Anh dành cho vợ những lời nói ngọt ngào, sự quan tâm chân thành. Lúc vợ bầu bí, sinh nở, Khánh luôn sắp xếp thời gian, công việc để đồng hành cùng vợ, từ khám thai, chăm sóc sức khỏe thai kỳ, sinh nở. Ngày Thu chuyển dạ, hai bên gia đình ở xa không kịp có mặt, Khánh một mình lo cho vợ mọi thứ. Khánh đứng ngồi không yên, vì lo cho vợ. Cả phòng sản phụ khoa lúc đó có hơn chục người đang chờ sinh, ai cũng cảm động trước hình ảnh của Khánh hết xoa bóp chân rồi đấm lưng cho vợ, dìu vợ đi lại để dễ sinh. 
 
Bà Hồng ra ở cùng vợ chồng Thu để chăm cháu trong thời gian con gái ở cữ đã cảm thấy vô cùng yên tâm khi biết con rể luôn dành sự quan tâm và yêu thương đặc biệt cho vợ con. Không những thế, Khánh biết mẹ vợ tuổi cao, sức yếu nên mỗi khi đi làm về, anh đều dành phần dọn dẹp, nấu nướng để bà đỡ vất vả. Thi thoảng, anh đi chợ để đổi món cho gia đình có những bữa cơm ngon miệng.
 
Hai vợ chồng kết hôn với hai bàn tay trắng, nhưng Khánh luôn chịu khó “lấy lòng” bố mẹ vợ. Quê vợ ở tận Quảng Bình, một năm anh chỉ về nhà vợ một vài lần. Mỗi dịp về quê, Khánh đều quà cáp chu đáo. Dù được bố mẹ và các anh chị em bên vợ lúc nào cũng “ưu tiên” cho anh con rể ở xa, họ phục vụ anh rất chu đáo, nhiệt tình, không cho Khánh đụng tay đụng chân vào bất cứ chuyện gì nhưng không vì thế mà anh ngồi yên. Anh vẫn xắn tay vào bếp nấu nướng giúp mẹ vợ. Các em của Thu đều rất quý anh rể vì tính tình hiền lành, cởi mở và chịu khó của anh rể. 
 
Chàng rể quý - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Sau khi kết hôn được 5 năm, Khánh vay mượn thêm để mở một công ty riêng về xây dựng và thiết kế nhà ở. Nghe con gái nói đang thiếu 100 triệu đồng, vợ chồng bà Hồng đã cắm sổ đỏ nhà đất đang ở để vay ngân hàng cho con rể kinh doanh. Bà bảo, bà có niềm tin rằng Khánh sẽ thành công. Quả vậy, công ty làm ăn phát đạt, chỉ sau mấy năm, Khánh đã trả đủ tiền cho bố mẹ vợ, còn mua nhà, tậu xe, cho vợ con có cuộc sống đủ đầy về vật chất. Thu không còn phải vất vả làm thêm vào buổi tối nữa. Hàng tháng, bên cạnh số tiền chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, Khánh còn đưa thêm để vợ làm tròn nghĩa vụ hiếu thuận với hai bên nội ngoại trong gia đình.
 
Có lần, bà Hồng ốm rất nặng, phải nằm viện cả tháng trời. Vì sợ tốn kém chi phí và sợ các con lo lắng, ông bà giấu giếm và chỉ nằm ở bệnh viện tỉnh theo gói bảo hiểm y tế. Biết chuyện, Khánh khuyên gia đình đưa mẹ vợ ra Hà Nội chữa bệnh. Đích thân Khánh nghỉ việc rồi đưa bà Hồng đi khám và bốc thuốc. Không những thế, Khánh còn mua sâm, nấm quý về cho mẹ vợ tẩm bổ. Nhờ thế, sức khỏe của bà Hồng chuyển biến rất nhanh. Đối với bố vợ, cậu con rể cũng chăm sóc chu đáo. Đi công tác ở đâu có món quà gì, anh lại đều mua về tặng bố vợ, khi thì cái áo sơ mi, lúc lại chai rượu tây, khi lại củ sâm ngâm rượu... Lúc nào về quê, bố vợ cũng gọi Khánh đi gặp gỡ, giao lưu với mọi người. Con rể lại khéo nấu ăn, nên thường xuyên vào bếp đãi bố mẹ những món ngon và hợp khẩu vị. 
 
Khi các em của Thu ra trường, Khánh là người xin việc cho các em. Dù không làm cùng công ty của anh rể nhưng cậu em thứ ba được Khánh đầu tư cho đi học tiếng anh và học lái xe để phục vụ cho công việc. Cậu em út được Khánh đầu tư cho đi du học ở Nhật để sau này phát triển sự nghiệp... 
 
Hơn 10 năm làm rể, Khánh được bố mẹ vợ quý như con đẻ. Mỗi lần các con về quê, bà lại mua đủ thứ quà cáp đồ quê ra cho các con. Đi đâu, làm gì, bà cũng khoe về “chàng rể quý”. Bà cười: “Nếu ngày đó con gái tôi không quyết tâm lấy Khánh, thì có lẽ giờ lại ân hận vì mất đi một chàng rể quý sống có tình, có nghĩa”. 
 
 
Quỳnh Như

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.