Cần xử lý nạn côn đồ bến xe

Chia sẻ

PNTĐ-Trước sự việc 3 nữ hành khách bị nam tài xế taxi hành hung tại bến xe Yên Nghĩa, các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội đã khẩn trương siết chặt công tác quản lý...

 
Trước sự việc 3 nữ hành khách bị nam tài xế taxi tại bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội hành hung chỉ vì không đồng ý đi xe của người này vào ngày 4/8 vừa qua, các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội đã khẩn trương siết chặt công tác quản lý, phối hợp với điều hành các hãng taxi bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách.
  
Cụ thể, khi 3 nữ hành khách vừa xuống xe khách sau một chuyến đi dài, giữa trời mưa tầm tã thì một người đàn ông mặc đồng phục taxi Hoàn Kiếm đã nhanh chóng ra “làm giá”, mời đi xe với giá 80.000 đồng. Dù cô gái và hai người bạn không đi, không tiếp chuyện nhưng người đàn ông này vẫn không ngừng mời mọc, kỳ kèo giá. Hết sức khó chịu vì bị đeo bám, 1 trong 3 cô gái từ chối dứt khoát và ngay lập tức bị người lái xe đánh vào cổ bằng chiếc ô dài đang cầm trên tay. Quá sợ hãi, cô gái hét lên, gọi công an nhưng nam tài xế thách thức và cho rằng mình không sợ ai.
 
Quả đúng như vậy, khi cô gái tới quầy trực ban của bến xe để trình báo và sau đó là gọi điện cho Cảnh sát khu vực thì chỉ nhận được sự từ chối lạnh lùng với những câu trả lời vô trách nhiệm như: “không quản lý đội taxi” của cán bộ trực ban, hay “không giúp được” của Cảnh sát khu vực. Quá bức xúc khi “quả bóng trách nhiệm” bị đá từ nơi này đến nơi khác, 1 trong 3 cô gái đã viết lên facebook của mình. Sau khi đăng tải, sự việc nhanh chóng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn mạng xã hội.
 
Cần xử lý nạn côn đồ bến xe - ảnh 1
Bến xe Yên Nghĩa - nơi 3 nữ hành khách bị tài xế taxi Hoàn Kiếm hành hung

 
Trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, lãnh đạo bến xe Yên Nghĩa cho biết, trong chiều 5/8, hãng taxi Hoàn Kiếm đã đến làm việc với đơn vị và mang theo biên bản làm việc với tài xế taxi. Trước mắt, căn cứ trên hành vi vi phạm, phía hãng taxi Hoàn Kiếm đã quyết định tước phù hiệu của xe taxi này và đình chỉ 30 ngày đối với tài xế. Hãng cũng cam kết sẽ xử lý nghiêm sau khi có kết luận cuối cùng về vụ việc.
 
Trung tá Nguyễn Quý Hưng, Trưởng Công an phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) xác nhận số điện thoại của Cảnh sát khu vực tên C bị tố không giúp đỡ mà nạn nhân đăng tải lên trên mạng xã hội Facebook là chính xác. Trung tá Nguyễn Quý Hưng cho biết, đối với cán bộ có liên quan, đơn vị sẽ xác minh cụ thể với quan điểm, nếu làm sai sẽ xử lý nghiêm minh. 
 
Các bến xe trên địa bàn Hà Nội đều được bố trí ở các cửa ngõ Thủ đô. Hàng ngày, mỗi bến xe đón đưa hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước. Tại cổng bến xe, đội ngũ xe taxi, xe ôm và xe công nghệ luôn sẵn sàng túc trực trung chuyển khách. Bên cạnh các hãng xe có tên tuổi còn có rất nhiều taxi dù. Nhiều khách lần đầu đặt chân đến Thủ đô vì bị lôi kéo, mời chào quá nhiệt tình đành nhắm mắt lên xe để rồi khi thanh toán lại tá hỏa với mức giá “trên trời”. Thực tế này ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô trong mắt du khách.
 
Sự việc đáng tiếc vừa qua tại bến xe Yên Nghĩa không phải là trường hợp hi hữu. Trước đó, ngày 3/6/2018, anh Lê Anh D, ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vừa đến đón khách tại Bến xe Giáp Bát đã bị một nhóm người đeo thẻ (trên thẻ có logo của hãng Taxi Group) “bao vây” không cho đi. Thậm chí một trong số người đứng chặn xe đã có hành động dùng chân đạp mạnh vào chiếc xe, khiến hành khách hoảng sợ.
 
Trước thực trạng nhức nhối trên, việc chấn chỉnh dịch vụ xe ôm, taxi đưa/ đón khách tại bến xe là điều cần thiết. Sau sự việc xảy ra tại bến xe Yên Nghĩa, hàng loạt các bến xe trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã tăng cường các giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản cho hành khách tại bến xe. Lãnh đạo bến xe Yên Nghĩa cho hay, hiện tại có 4 hãng taxi thường trực đỗ để đón khách ở bến xe Yên Nghĩa.
 
Để tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát tránh những trường hợp tương tự, ngày 9/8, bến xe sẽ họp 4 hãng taxi để quán triệt về thái độ ứng xử, phục vụ khách cũng như phối hợp đảm bảo an ninh trật tự bến xe. Bên cạnh đó, lãnh đạo bến xe Yên Nghĩa cũng đã cử nhân viên tổ kiểm soát hằng ngày phải thường trực tại vị trí tập kết của taxi, xe ôm để giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách.
 
Ông Lý Trường Sơn - Giám đốc bến xe Mỹ Đình cũng cho biết, hiện tại bến xe Mỹ Đình có một hãng taxi Group thường xuyên túc trực tại bến để phục vụ khách. Để công tác quản lý và phối hợp giữa bến xe và các hãng taxi, lãnh đạo bến xe Mỹ Đình đã yêu cầu phía hãng phải cắt cử 1 nhân viên điều hành có mặt tại bến xe để trực tiếp xử lý phản ánh của khách hàng cũng như phối hợp với bảo vệ tại bến xe đảm bảo an ninh trật tự. 
 
Theo lãnh đạo bến xe Giáp Bát, thời gian tới, bến xe sẽ phối hợp với Công an quận Hoàng Mai tăng cường lực lượng cảnh sát trật tự, phối hợp với Trạm Cảnh sát bến xe có biện pháp xử lý các “cò” xe và các lái xe taxi, xe ôm lôi kéo, mời chào khách.
 
Tuệ Liên 

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.