“Đảo chìm” - Nơi chúng ta là một gia đình

Chia sẻ

PNTĐ-"Ở nơi đó không có sự xa cách giữa một vị Thượng tướng Giáp Văn Cương với các anh lính trẻ, không có những ghen tị, đố kị lẫn nhau… mà dường như họ coi nhau là một gia đình."

 
“Đất nước tôi ba nghìn cây số biển/ Nhấp nhô ba nghìn đảo nhỏ, đảo to/ Cỏ ở đây ánh màu san hô đỏ/ Biển chỉ xanh ở chỗ xa bờ…
 
Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển/ Chữ S bao đời hình chiếc mỏ neo/ Neo lịch sử qua thăng trầm biến động/ Giữa khơi xa vẫn thong thả nhịp “chèo”.
 
(Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển - Nguyễn Ngọc Phú)
 
Mỗi lần nghe những vần thơ dung dị, gần gũi đó trong lòng tôi lại nôn nao, nhớ về biển đảo thân thương: Nơi có gió ngày đêm réo rắt thổi, có biển nhẹ gợn sóng êm ru và đặc biệt nơi đây còn có những người lính không quản nắng mưa canh gác, đổi niềm vui và hạnh phúc của bản thân để đem lấy hai chữ “bình yên” cho Tổ quốc. Và mỗi khi rạo rực như thế, tôi lại luôn tìm đến cuốn sách “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa.
 
“Đảo chìm” - Nơi chúng ta là một gia đình - ảnh 1

 
“Đảo chìm” là “con riêng” của Trần Đăng Khoa với những trang văn ấn tượng, đời thường nhưng không kém phần hấp dẫn, xúc động bởi lẽ ông cũng đã từng là người lính biển, là người trực tiếp cầm súng bảo vệ Trường Sa nên mỗi trang viết của ông đều chân thực, sinh động, giàu tình cảm và mang những giá trị nhân văn sâu sắc. 
 
“Đảo chìm” gồm hai phần: Phần một là “Đảo chìm” và phần hai chính là “Thời sự và ký ức”. Mỗi phần đều có những câu chuyện nhỏ đan xen nhiều cung bậc cảm xúc, góp nhặt cả đời sống thường ngày gần gũi và hết sức chân thật.
 
Đọc từng trang viết của “Đảo chìm”, tôi nhận thấy sự gian khổ, vất vả, thiếu thốn và khó khăn của người lính trên những hòn đảo xa xôi của Tổ quốc “Ở hòn đảo này quanh năm bì bọp sóng gió. Ngày hai lần nước ọc cả vào lều. Bởi vậy, ở lều dạo này, lại còn có đảo trong đảo nữa. Đó là những khối giường sắt quét sơn trắng chống gỉ. Mỗi người lính “cố thủ” một khối giường. Có đến ba, bốn tầng giường xếp chồng lên nhau. Tầng cuối cùng chọc lên tận nóc bạt…
 
Thế rồi thủy triều lên. Thoạt tiên là tiếng sóng vỗ chóp chép vào các tấm thanh sắt gầm sàn như bầy lợn bú. Rồi ào một cái, nước ngập mặt sàn. Rồi tầng giường thứ nhất chìm nghỉm trong nước. Lính ôm chăn chiếu lên tầng hai, rồi tầng ba…”, “Quần áo là vật xa xỉ phẩm của xã hội” còn thức ăn là món trứng chim ngon như “mùn cưa trộn với bột mỳ”. Thiếu thốn là vậy nhưng ở nơi đảo xa này, tôi nhận thấy họ vẫn có những niềm vui nho nhỏ, vẫn đông vui và lạc quan mỗi ngày.
 
Họ có sự lạc quan đó là vì, trong mỗi người đều có những chất lãng mạn rất riêng: Vẫn làm thơ đó là chính trị viên Thuận và Trần Văn Hai. Cứ ba ngày, phải chục bài thơ dán kín quanh cái thùng phuy neo ở cột lều “Hai có thể xuất khẩu thành chương, đọc vanh vách ra vần ra điệu…
 
Nói như Tư Xồm, “anh chàng quản lý nước ngọt kiêm nhà bình luận thơ phú thì bài nào cũng tuyệt tác, nghe hay đến chảy nước tai”; Vẫn mơ về những cô gái đẹp đó là lý do vì sao khi Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương hỏi các anh cần gì thì không suy nghĩ mà trả lời nhanh, dõng dạc: “Bận sau, nếu bố ra đảo, bố chịu khó giắt lưng cho chúng con vài cô gái…”.
 
Những câu chuyện hài hước, câu nói bông đùa khiến cho các anh cảm thấy vơi đi những mệt nhọc của cuộc sống. Tư lệnh Giáp Văn Cương hiểu rằng để giữ gìn được bình yên cho Tổ quốc, các anh đã phải trải qua đầy rẫy những gian nan. Vậy nên, ông luôn giúp đỡ, chia sẻ và có những lời tâm sự hết sức chân thành.
 
Nhưng có lẽ chi tiết khiến tôi đọc và xúc động nhiều nhất là sự hy sinh một đi không trở lại của Thiêm “Tội quá, cu cậu lại có thư của mẹ. Bức thư nó mong mãi hôm qua mới đến. Nó cứ sợ bà cụ làm sao. Người già như ngọn đèn trước gió, chả biết thế nào”. Thế nhưng không ngờ chưa kịp nhận thư mẹ thì Thiêm đã không còn ở trên cõi đời này nữa. Và một người nữa - người mà tôi có ấn tượng ngay từ đầu “một thằng như quỷ biển”, chỉ vì muốn tìm lại chiếc ba lô cho Thiêm nên anh đã bị bão biển cuốn đi.
 
Sự hy sinh của anh không chỉ vì tình cảm anh em đồng đội mà còn là vì người mẹ già của Thiêm mong ngóng chờ tin Thiêm ở nhà. Đúng là không ở đâu “nước biển mặn như đảo chìm. Mặn như máu…”.
 
“Đảo chìm” là thế, mỗi độc giả sẽ có những cảm xúc khác nhau nhưng có thể nói Trần Đăng Khoa đã rất tìm tòi, tìm ra những điều bí ẩn, nhìn thấy vẻ đẹp và phẩm chất giàu tình thương của mỗi người. Ở nơi đó không có sự xa cách giữa một vị Thượng tướng Giáp Văn Cương với các anh lính trẻ, không có những ghen tị, đố kị lẫn nhau… mà dường như họ coi nhau là một gia đình, dám hy sinh để đổi lấy những điều giản dị. Và trên hết, họ đặt tình yêu Tổ quốc lên vị trí cao hơn những danh lợi phù du.
 
 
 Dương Thị Thùy Dương
Lớp 7A2, trường THCS Đức Thắng (Bắc Từ Liêm - Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.