Bài tham dự cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn” lần thứ I - năm 2022:

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

Chia sẻ

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt - ảnh 1

1 Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà. 

Thông qua cuộc trò chuyện với con gái nhỏ hàng ngày đi trên đường về nhà, về mùi hương của tình yêu, có khi là mùi dãi bên gối mỗi sáng thức dậy. Hay là, chuyện người đàn bà nắm chặt tay cậu con trai hơn 30 tuổi bị tai nạn chờ cấp cứu ở bệnh viện trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Bà nắm tay và ru con ầu ơ trước sự ngạc nhiên của bao người. Chàng trai, từ chỗ vật vã vì đau đớn, từ tiếng ru ấy an yên nằm ngủ. Rồi, anh mạnh mẽ tỉnh dậy trước sự ngạc nhiên của khoa học. Tiếng ru của mẹ, là một thứ thuốc diệu kỳ đã hiện hình. 

Đọc cuốn sách nhỏ của Nguyễn Quỳnh Hương, thấy ngập tràn rung động như thế. Yêu từ những thứ tưởng chừng như rất mơ hồ đến thứ hiện hữu trực diện, gần gũi hàng ngày nhưng lại khó gọi tên. Nay đọc sách mới ồ à định nghĩa. Giữa một đời sống ồn ã, chúng ta thấy mình đều quá mệt mỏi, ì trệ thì Quỳnh Hương, bằng những câu chuyện nhỏ của mình, giống như một đứa trẻ với đôi mắt trong veo nhảy nhót và dắt chúng ta đi dọc con đường từ trường mẫu giáo về nhà. Đứa trẻ chỉ cho chúng ta biết Hòn sỏi là viên ngọc, Gia vị yêu thương, Dấu vết của mẹ. Đứa trẻ ấy chính là Thóc, con gái yêu dấu của Nguyễn Quỳnh Hương. Qua góc nhìn của con gái để từ sự trong trẻo, tác giả cho chúng ta định nghĩa, thế nào là một trái tim đàn bà.

2 Tôi, kẻ đi đường bụi mờ, cháy khát, được Nguyễn Quỳnh Hương chìa ra cho mình viên kẹo nhỏ, ngọt ngào bằng những câu chuyện chị kể trong Trái tim đàn bà. Công dụng nhanh và tức thì, tôi thấy được thả mình trong dòng suối mát, thanh tẩy và hy vọng vào cuộc đời. Với ba chương nhỏ: Quyền được viển vông, Chìa tay ra với mình và Trời xanh trong tim, có vẻ Quỳnh Hương hy vọng những trang sách của mình giúp bạn đọc thấy được vẻ đẹp của cuộc sống, lạc quan bước tiếp, dù có lúc chạm đáy của nỗi tuyệt vọng. Vì cuối cùng, chúng ta trong đời sống này, vẫn luôn có một đóa hoa đẹp. Có thể, đóa hoa đó là trái tim người mẹ. Nơi ta hoàn toàn yên tâm an trú vượt qua giông bão. 

Tôi vừa tranh luận với em gái cách đây ít lâu về thế nào là thương con. Tôi vẫn cho rằng, thế hệ mình và mẹ cha đã khác nhau nhiều về tư duy và ngôn ngữ thể hiện đời sống. Vì thế, có nhiều khi mâu thuẫn xảy ra từ những điều rất nhỏ, khoảng cách thế hệ luôn hiện hữu đâu đó. Dẫu cho trái tim mình, con cái, mẹ cha ngự trị một vị trí đặc biệt, không thay đổi. Em gái bảo cũng suy nghĩ giống anh, nhưng rồi trái tim lại phá vỡ những nguyên tắc. Tình yêu kiểu người mẹ có khi khiến con cái không thoải mái trong vùng trời của nó, có khi nghẹt thở vì sự chăm bẵm quá lớn, dù con đã đủ hai màu tóc. Ngẫm lại tôi thấy đúng. Tôi nhớ mẹ nấu cháo, hòa sữa leo lên tầng ba yêu cầu mình ăn khi đổ bệnh. Dù với đôi chân đau vì xương khớp khiến mẹ từ chối cả những chuyến đi du lịch và tuyệt nhiên không bao giờ leo cầu thang. Chuyện tôi ốm, với bà là chuyện lớn. 

Vì thế, khi đọc Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, những kỷ niệm đẹp đẽ về bà, về mẹ và em gái cứ thế hiện về, dịu ngọt và sóng sánh như mật ong, thơm dịu dàng như nắng mai bên hiên nhà đầy hoa lá. Đọc sách, thấy khơi gợi những tình cảm đẹp đẽ, thiện lương. Có những lần, tôi đặt cho mình câu hỏi, trái tim đàn bà nặng bao nhiêu? Có những phép màu diệu kỳ gì mà cả đời gồng gánh tình yêu cho chồng, con và vun vén gia đình. Không mệt mỏi, cần mẫn, chăm chỉ, tự nguyện. Là một gã đàn ông ở tuổi tứ tuần, tôi vẫn ương bướng trú ngự trong trái tim ấy, không chịu rời xa. Nhưng từ cuốn sách nhỏ này, tôi nghĩ, đã đến lúc, trái tim đàn bà, những người phụ nữ Việt Nam yêu dấu của chúng ta cần được đền đáp, bằng thứ tình yêu tương tự. Tôi mong sẽ không còn đâu đó những tin tức phụ nữ bị bạo hành, dù là thể xác hay tinh thần. Trái tim họ, đã cả đời vất vả vì yêu thương. 

Đào Gia Long (Gia Lâm, Hà Nội)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.