Bài tham dự cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn” lần thứ I - năm 2022:

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

Chia sẻ

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?  - ảnh 1

Cuốn sách “Cây cam ngọt của tôi” được viết bởi José Mauro, kể về cuộc đời của những con người trong khu xóm nghèo ở Thủ đô Rio de Janeiro. Đến với truyện, ta bắt gặp bức tranh về cuộc sống mưu sinh tất tả trong thế giới người lớn. Họ vô tình bỏ quên đi chú bé Zezé nghịch ngợm, chật vật trong thế giới tuổi thơ của mình. Tâm hồn nhạy cảm bé thơ của em không được những người lớn khắc khổ xung quanh thấu cảm.

Trước một thế giới ảm đạm buồn chán ấy, Zezé phải bày đủ trò quậy phá đến mức bị đòn roi. Song, cậu bé bèn dùng trí tưởng tượng để làm vũ khí chống lại thế giới người lớn đang quay cuồng trong tiền bạc nhưng thiếu vắng hạnh phúc và ước mơ. Cậu đặt tên cho cây cam trong vườn là Minguinho và như hai người bạn, chúng trò chuyện với nhau, cùng nhau bước qua một tuổi thơ khốn khó với bao niềm hy vọng.

Bằng những “nét chấm phá” sâu sắc, diễn biến nội tâm và hành động cực kỳ ngây thơ nhưng lại già dặn của cậu bé Zezé, José Mauro đã xây dựng thành công thế giới đầy màu sắc, sôi động trong trí tưởng tượng giữa hiện thực đòi hỏi sự trưởng thành ở một đứa trẻ lên 5. 

Phản hồi về giá trị nội dung mà cuốn sách mang lại, có người đã viết: “Cây cam ngọt của tôi” khiến ta nhận ra vẻ đẹp thực sự đến từ những điều giản dị như bông hoa trắng của cái cây sau nhà, và rằng cuộc đời thật khốn khổ nếu thiếu đi lòng yêu thương và niềm trắc ẩn”. Thành công trong việc khám quá ra nội dung là thế, nhưng cái đẹp thực sự hoàn chỉnh trong cách viết của José Mauro không thể không kể đến sự phát minh độc đáo về hình thức của tác phẩm.  

Điều ta xuýt xoa ở tác phẩm là màu sắc mới lạ, hấp dẫn, giọng văn mềm mại, trong sáng, ngôn từ phong phú, làm tăng vẻ đẹp cho cốt truyện thêm sáng giá, ý nghĩa hơn. Không chỉ vậy, bằng ngôi kể thứ nhất qua lời kể của cậu bé Zezé, tất cả những suy nghĩ, bộc bạch và cảm xúc bên trong cậu bé đều trở nên chân thật, đáng quý hơn bao giờ hết.

Mang hình thức đối thoại nhưng thực chất lại là độc thoại, chú bé đã giao tiếp, trò chuyện và tâm sự với cây cam như với một người bạn thân. Cây cam biết nói và biết mọi thứ trên đời. Trong thế giới đó, cây cam luôn lắng nghe, thấu hiểu, chẳng la mắng, cắt lời hay cười cợt cậu.

Đọc xong cuốn sách, ấn tượng nhất đối với tôi đó chính là hình ảnh người mẹ qua lời kể của cậu bé. Hình ảnh người mẹ trong cậu bé là sự hy sinh vất vả: “Mẹ đứng bên chậu giặt, mảnh khăn buộc quanh đầu để che nắng. Với chiếc tạp dề ôm quanh thắt lưng. Mẹ đứng đó hết giờ này đến giờ khác, dầm tay trong nước, khiến xà phòng nổi cơ man nào là bọt…” hay vẻ đẹp nhan sắc là: “Mẹ cao, gầy, nhưng rất đẹp. Da mẹ rám nắng, tóc thẳng và đen. Khi mẹ không cột tóc lên, tóc mẹ xõa đến tận thắt lưng”…

Chắc có lẽ tình yêu thương rộng lớn từ cậu bé đã trở thành nguồn cảm xúc dạt dào trong từng con chữ của tác giả, làm dấy lên nỗi xúc động trong lòng người đọc: “Mẹ có vẻ rất mệt mỏi. Tôi thực lòng thấy thương mẹ. Mẹ đã làm lụng cả đời. Mẹ làm việc từ khi lên sáu, khi nhà máy được xây dựng. Người ta để mẹ ngồi lên một chiếc bàn và mẹ phải làm sạch và lau khô các dụng cụ. Hồi đó, mẹ còn quá bé, đến nỗi tè dầm cả ra vì không thể tự xuống khỏi bàn được.

Đó là lý do mẹ chưa bao giờ được đến trường, cũng như chưa bao giờ học đọc, học viết. Khi mẹ kể cho tôi nghe chuyện đó, tôi buồn đến mức đã hứa rằng khi nào thành nhà thơ và trở nên thông thái, tôi sẽ đọc thơ của tôi cho mẹ nghe.” 

Cuốn sách không chỉ khai thác về tâm lí của những đứa trẻ bị bỏ quên, vẽ ra trí tưởng tượng phong phú trong mắt bạn đọc hay chứa những lời nói đầy da diết… mà nó còn đau đáu tình mẫu tử thiêng liêng qua suy nghĩ của Zezé. Có thể thấy, tác phẩm như sợi dây dẫn lối, kéo bạn đọc đi sâu vào khám phá nội dung, ý nghĩa đằng sau bức màn ngôn từ nghệ thuật, đồng thời thấy được biết bao giá trị nhân văn sâu sắc mà tác giả muốn nói. 

Trần Bảo Ngọc  
(Lớp 9a9 - Trường THCS Xuân Đỉnh, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.