Hoá giải

Chia sẻ

PNTĐ-Mấy năm rồi, lại có dịp trở lại chợ xưa, cái chợ cóc quen thuộc ngày nào. Đang lơ ngơ, giật mình bởi tiếng reo vui: “Chị! Lâu lắm rồi! Em mong chị mãi!”...

 
Mấy năm rồi, lại có dịp trở lại chợ xưa, cái chợ cóc quen thuộc ngày nào. Đang lơ ngơ, giật mình bởi tiếng reo vui: “Chị! Lâu lắm rồi! Em mong chị mãi!”. Tôi ngẩn người trước ánh mắt thân thiện, nụ cười tươi rói, trên gương mặt đầy đặn, trắng trẻo với nét gì đó quen quen. “Em biết là chị không nhớ em, còn em thì cả đời này em không bao giờ quên ơn chị. Chị đã cho em bài học…”. Kéo tôi vào quầy, người phụ nữ lấy ghế bảo tôi ngồi, rồi xuýt xoa: “Giờ chợ vãn, em rảnh, nên chị phải ở lại chơi, cho em tâm sự”. Nhìn quanh chỉ chuối, la liệt, sắp hàng, từ vỉa hè vào sâu trong kho, tôi chợt nhớ chuyện xưa.
 
Ngày ấy, cũng chuối la liệt vỉa hè, xếp chật kho, cô bán hàng tíu tít giữa vòng trong vòng ngoài, dưới ban mai trong mát của một ngày tuần tháng 7, tuần nhà nhà lo sắm lễ vật cúng kiếng tổ tiên. Không óng ả, mỡ màng, niềm nở, ngọt ngào, như những cô đắt khách khác, trong cái chợ cóc chớp nhoáng, họp tan chỉ vài tiếng này, cô bán chuối cũng đắt khách mà ủ ê, thút thít như vừa mất người thân, mất của, hay bị đánh đập, ruồng bỏ…
 
Bị sao chưa biết, chỉ biết khách xúm xít, vòng trong, vòng ngoài, như quen cảnh khóc lóc, u sầu. Cũng có thể do ngày tuần, ai cũng vội, chả muốn hỏi han ảnh hưởng tiến độ thoăn thoắt chủ hàng. Thầm nghĩ là phụ nữ làm ra tiền, dù ở quê ra với xe máy thồ rau củ quả, kinh doanh nơi chợ cóc này, cũng biết sống cho bản thân, biết may sắm cho óng ả, bồi bổ cho da thịt mỡ màng, hay kiêng cữ cho dáng vẻ cân đối, còn biết tút tát nhan sắc để phô diễn, cười tươi với khách hàng thượng đế. Trong khi cô bán chuối thì gầy như khô mắm, mặt hốc hác, nám đen, đôi bàn tay khô nứt, thâm đen nhựa chuối. 
 
Tôi quan tâm: “Đau khổ nỗi gì mà thảm thiết thế em?”. Như bị xoa vào tận cùng nỗi hờn tủi, cô bán hàng chợt oà lên, nức nở, đôi bàn tay nứt nẻ liên tục đưa lên, gạt đôi dòng nước mắt tuôn trào như suối, bỏ mặc khách xúm xít đứng như trời trồng, để kể lể nghẹn ngào: “Em khổ lắm! Các chị có chồng còn được nhờ, được an ủi, chứ chồng em bất tài, vô dụng, chả giúp được gì.
 
Mẹ con em vất vả dậy từ hai giờ sáng lo sắp hàng, đi chợ, chồng em dậy sớm chỉ để uống say, chửi vợ con…”. Tức tưởi thế kia chắc chắn không chỉ là chửi. Tôi sốt sắng: “Ngoài chửi, anh ta có vũ phu, có quản cả tiền chợ của mẹ con không?”. Cô bán hàng dịu xuống, nói đứt quãng:
 
“Chỉ chửi không mà nhiều lúc em muốn chết quách… chứ còn đánh… lại nã tiền nữa thì em sống sao nổi”. Bất chợt tôi thở phào:“Hoá chỉ thế”. Như chợt nhớ khách chờ, đợi, cô bán hàng trở lại tíu tít công cuộc bán hàng trong sụt sùi: “…Mẹ con em dậy từ 2 giờ sáng, lo sắp hàng đi bán, hai giờ chiều mới về được tới nhà, lại vội đi gom hàng chở về, xếp vào kho, nửa đêm mới được ngủ…”.
 
Nhìn khoảng vỉa hè rộng, xếp la liệt những nải chuối xanh chín to nhỏ, tôi hiểu cái sự thu gom vận chuyển nặng nề, vất vả nhường nào. Nhưng, thời buổi nào cũng có không ít chị em dù ở thành phố hay nông thôn lam lũ vất vả, vẫn âm thầm vẫn chịu đựng. Chợt nhớ câu ganh tỵ “Các chị có chồng được nhờ, được an ủi” làm tôi bật cười: “Em tưởng ai có chồng cũng được nhờ, được an ủi ư? Có nhưng vẫn còn, còn ối người chồng đi theo gái về đánh chửi, ruồng rẫy đuổi vợ ra khỏi nhà, chưa kể những người có con hư hỏng, bản thân không tiền, ra khỏi nhà tay trắng, chẳng biết làm gì để sống tiếp, chứ em đây bán đắt hàng thế này, chắc giàu ú ụ, xây được nhà to, con thì ngoan, biết đỡ mẹ, còn khóc lóc nỗi gì”.
 
Chẳng ngờ câu tếu táo vô duyên của tôi lại khiến cô bán hàng bật cười e thẹn, lý nhí: “Của đáng tội nhà em chẳng giàu ú ụ gì, nhưng em cũng xây được nhà to, tậu được ô tô cho con chở hàng, chở mẹ đi chợ…”. Câu thú nhận thật thà, nụ cười e thẹn trong nước mắt, làm vòng trong vòng ngoài chẳng ai bảo ai cùng cười ồ, khiến cô bán hàng đỏ dừ mặt. Được thể tôi tiến lên, vỗ về cô bán hàng như với em gái:
 
“Thôi nhé, từ nay không buồn khóc. Mình không làm gì sai mà chồng chửi, hay mượn rượu chửi thì bỏ ngoài tai. Ra đến chợ, trước khách hàng phải đẹp, phải tươi duyên, mọi chuyện không dễ chịu bỏ đi, sao dại dột để nó đeo bám mà âu sầu cho mệt. Khóc lóc nghĩ ngợi chả giải quyết được gì, rồi lỡ ốm ra đấy, lấy ai lo cho các con. Với lại em khóc lóc suốt không sợ các con buồn ư?”. Cô bán hàng ngậm ngùi: 
 
- Đúng thật, mười bữa thì chín bữa ăn bị chồng chửi, em tủi, em khóc đến chả nuốt nổi. Các con thấy em bỏ cơm cũng bỏ bữa, bỏ sang nhà bạn. Cái nhà em quanh năm heo hắt, buồn như đưa đám.
 
Nhớ ra, tôi cười gượng, trước vẻ tươi tắn, trẻ ra đến mươi tuổi so với ngày ấy của cô hàng chuối, liền kiếm chuyện làm quà: “Chắc vì hết khóc lóc, u sầu nên béo trắng ra”. Cô hàng chuối phấn chấn: “Nghe chị em chả nghĩ ngợi, cứ ăn no ngủ kỹ, thế là lên hẳn 8 cân! Chẳng dấu gì chị, từ ngày nghe chị, bỏ ngoài tai, ông chửi mặc ông, chả ngờ ông phát khùng, lồng lộn, bảo mẹ con mày giờ giỏi thật, không coi ông ra gì. Em nghe như hát hay còn trêu lại:
 
“Mẹ con vẫn xem anh là trụ cột đấy. Hàng hoá đầy nhà mà đêm hôm không có tiếng anh chửi, khéo cướp nó tưởng em không chồng, nó đánh xe vào khuân cả hàng lẫn vợ anh đi mất thì chết anh. Ông lườm em đứt mắt rồi bỏ vào nhà. Các con em thấy em vui, cũng cười tươi. Em nhớ lời chị nói chú ý ăn diện một chút, ai cũng khen trẻ ra đến vài tuổi. Mọi người dọa chồng em cứ chửi vợ là vợ đi mất nên ông cũng biết sợ.
 
Thậm chí còn lo nghĩ cách giữ vợ. Từ ngày nhà em có con dâu, ông cũng biết ngại, vẫn ra oai đe nẹt, nhưng không chửi vô lý, bạt mạng như xưa. Trộm vía, nhà em giờ lúc nào cũng vui như Tết vì mẹ, con, trai, dâu, cháu nội, quây quần, hoà thuận. Các cháu đều ngoan nên em cũng nhàn, sáng con chở mẹ, chở hàng ra đây ngồi bán hàng, có con dâu cả phụ giúp, nó vừa sang chợ bên cách đây 4km, cùng chồng với con dâu hai dọn hàng bên đó lên xe xong mới về dọn bên này. Chiều em chỉ gọi điện đặt hàng, cho các con đi lấy. Giờ nặng nhọc mang vác có các con giành hết, em tha hồ nghỉ ngơi, bồng nựng cháu nội”.
 
Hoá giải - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Suốt đường về tôi cứ nghĩ ở đâu đó quanh đây, thế nào chả có những ông chồng mặc cảm mình vô dụng, thua kém vợ, nhưng thay vì cố gắng học hỏi đỡ đần, lại chọn cách tự đề cao bằng đe nẹt, chửi bới. Họ có biết đó là bạo hành tinh thần, là trái đạo đức, trái pháp luật, với  người vợ giỏi giang, đáng ra họ phải yêu thương, trân trọng. Và những người vợ giỏi giang đó, có mấy người biết cách hoá giải như cô hàng chuối, để cuộc sống gia đình vui vẻ, đầm ấm trở lại. Mỗi loại hình bạo hành đều có cách giải thoát riêng, chỉ có điều người trong cuộc biết khéo léo vận dụng cách hiệu quả, ít hậu quả nhất. 
 
 
Nguyễn Thị Hòa

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.