Người chuyển giới chưa được... bình đẳng giới

Chia sẻ

PNTĐ-Theo IT’S T TIME - tổ chức cộng đồng của người chuyển giới (NCG), Việt Nam hiện có khoảng gần 300.000 NCG. Đáng nói, hầu hết NCG đang sống chung với bức bối giới...

 
Hầu hết NCG đang sống chung với bức bối giới, tình trạng sức khỏe không tốt... do chịu nhiều định kiến và thiếu sự sẻ chia, thấu hiểu của gia đình, xã hội...
 
Chuyển giới là một khái niệm rộng, dùng để chỉ tất cả những người cảm nhận bên trong và thể hiện bên ngoài về quần áo, kiểu tóc, giọng nói… không tương thích với giới tính sinh học của họ. NCG luôn chịu nhiều định kiến, phân biệt đối xử từ gia đình, xã hội. Tuy nhiên, định kiến này nặng nề, trực diện và nghiêm trọng hơn bởi họ luôn khát khao thể hiện bản dạng giới của mình ra bên ngoài. 
 
Người chuyển giới chưa được... bình đẳng giới - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Thực tế, khi NCG muốn công khai bản dạng giới với mong muốn được gia đình, bạn bè và người thân chia sẻ, thấu hiểu… họ thường nhận lại những áp lực, đau khổ. Một bạn chuyển giới nam (24 tuổi, Hà Nội) kể: “Thấy mình ăn mặc, tác phong như con trai… bố mẹ và người thân, họ hàng luôn tỏ ra ái ngại. Có lần, mọi người cầm tay mình rồi khuyên hãy sống đúng như một cô gái. Lý do là tay, chân mình không giống con trai; con trai phải có yết hầu; và trên cơ thể mình vẫn có bộ phận của nữ… Còn ở trường học, các bạn cũng hay bàn tán, xì xào về giới tính của mình. Những lúc đó mình thấy bị xúc phạm, bức bối vô cùng. Thậm chí, trong đầu còn thoáng qua suy nghĩ tiêu cực, không muốn sống nữa để giải thoát bản thân”.
 
Ở nhóm chuyển giới nữ, tình trạng bất bình đẳng và bị từ chối các cơ hội việc làm, học tập, bị đối xử thiếu tôn trọng, xúc phạm, kỳ thị tại nơi làm việc xảy ra thường xuyên và khá phổ biến. “Mình từng làm phục vụ tại một quán café. Khách tới quán nhiều người rất sỗ sàng, thậm chí có hành động sàm sỡ mình. Ngay cả các bạn nhân viên làm cùng cũng nhìn mình với ánh mắt hiếu kỳ, kỳ thị, rồi bàn ra tán vào, xúi giục chủ cửa hàng đuổi mình…” - một bạn chuyển giới nữ, 22 tuổi (trú tại Hà Nội) chia sẻ. Chưa kể, việc thiếu các cơ sở vật chất có yếu tố nhạy cảm giới như: phòng thay đồ, nhà vệ sinh trung tính dành cho cộng đồng LGBT nói chung và NCG, đa dạng giới nói riêng, làm họ phải đối mặt với những tình huống khó xử cùng tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử trong các không gian công cộng.
 
Từng thực hiện dự án nghiên cứu về bức bối giới ở NCG, bạn Chu Thanh Hà - đại diện tổ chức IT’S T TIME cho biết, việc đối mặt với bất bình đẳng một mình và thiếu các hỗ trợ xã hội cần thiết như mạng lưới những người cùng cảnh và cộng đồng để chia sẻ và tương trợ lẫn nhau khiến NCG cảm thấy bị cô lập, một mình đối mặt với nỗi buồn khổ cá nhân. Điều đó đẩy NCG vào cảnh thấy bức bối, tự kỳ thị bản thân. Nhiều NCG được hỏi đã chia sẻ rằng, họ vốn dĩ đã thấy căng thẳng về bản thân mình, không biết giới tính thực sự của mình như nào và làm sao để thoát khỏi tâm trạng ấy; cộng thêm tác động từ bên ngoài, áp lực từ bạn bè, gia đình… làm họ căng thẳng nhiều hơn.
 
Trong khi đó, nhu cầu được chia sẻ, tư vấn, cung cấp kiến thức liên quan vấn đề sức khỏe, giới tính của NCG là rất lớn. Nghiên cứu “Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới Việt Nam” do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thực hiện năm 2018 cho thấy: Trong 16,4% những người đã từng sử dụng dịch vụ tư vấn tâm lý và khám sức khỏe tâm trí có tới 36,9% đã tìm đến dịch vụ này tại các phòng khám, bệnh viện tư nhân trong nước, 32,2% đến các bệnh viện công, 10,8% sử dụng dịch vụ tại các bệnh viện quốc tế tại Việt Nam và 20% ra nước ngoài để tìm kiếm dịch vụ này. 
 
Bởi vậy, theo ThS Nguyễn Cao Minh - chuyên gia tâm lý học ứng dụng, Viện Tâm lý học Việt Nam, nếu xã hội cởi mở hơn, sẽ giúp NCG thoát được cảm giác bức bối, ngay cả khi không cần phẫu thuật. Căng thẳng, bức bối ở NCG là dạng cảm xúc trường diện, kéo dài liên tục, người không trong cộng đồng khó cảm nhận được. Tuy nhiên, trạng thái này có thể thay đổi nếu thái độ của người xung quanh và của chính NCG thay đổi.
 
“Thái độ, hành vi ứng xử của mỗi người đều hình thành từ sự quan sát, học hỏi từ những người xung quanh. Việc mọi người cho rằng nam giới phải thế này, nữ giới phải thế kia, nữ giới mà ăn mặc như nam là kỳ quặc… cũng ảnh hưởng tới cách suy nghĩ và khiến NCG tự tạo ra căng thẳng, thậm chí tự kỳ thị bản thân. Nhưng nếu những người xung quanh cùng suy nghĩ tích cực về NCG, không đánh giá họ qua vẻ bề ngoài mà coi trọng những giá trị họ mang lại cho xã hội; hoặc NCG có thể gặp, chia sẻ với nhau cách ứng xử, thay đổi thái độ với chính mình, tự tin, yêu quý bản thân mình có thể giúp chúng ta thay đổi thái độ, nhìn nhận tích cực về bản thân mình để sống tốt, sống có ích”.
 
Yên Hưng 

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.