Áo dài - từ “yêu” đến “hiểu”!

Chia sẻ

PNTĐ-Áo dài luôn đứng trước nhu cầu cải tiến. Nhưng bất kỳ sự sáng tạo nào muốn thành công cũng phải tôn trọng “giá trị cốt lõi” của áo dài.

 
Giữa vô vàn những ý kiến phê phán cô ca sỹ Mỹ Kacey Musgrave mặc áo dài Việt Nam nhưng quên… mặc quần, nhà thiết kế Sỹ Hoàng dù không đồng tình với cách mặc áo dài của cô ca sĩ, nhưng anh phân tích: “Có rất nhiều trang phục, nhưng cô ấy chọn áo dài. Điều đó chứng tỏ cô ấy bị thu hút và yêu thích áo dài. “Nếu được, tôi sẵn sàng tặng cô ấy một bộ áo dài đẹp để cô ấy hiểu hơn về trang phục của Việt Nam”.
 
Một ý kiến rất xác đáng. Nó nêu lên một quy luật ngàn đời về mối quan hệ giữa “yêu” và “hiểu”. Yêu rồi sẽ hiểu hay là hiểu rồi mới có thể yêu? Có lẽ mọi thứ luôn đến từ cả hai phía.
 
Ta thấy ngay rằng, cô ca sĩ Mỹ rất thích áo dài, nhưng không hề hiểu những giá trị “phi vật thể” chứa đựng trong bộ trang phục đã được mặc định coi là “quốc phục” của Việt Nam này. Chứng cớ là chẳng những cô “quên” mặc quần, mà trong các shot hình khác, cô còn vô tư tạo dáng cực kỳ “khiêu khích” với chiếc áo dài không quần. Tất nhiên, chúng ta không thể lấy “thuần phong mỹ tục” của chúng ta ra để bình phẩm một cô Tây, trình diễn ở tận bên Tây, vì văn hóa của họ có những nét khác biệt. 
 
Sự vô tư ấy có đáng trách không? Đương nhiên là có. Cho dù văn hóa có sự khác biệt như thế nào thì trước khi sử dụng một sản phẩm văn hóa đến từ nơi khác, ai cũng cần tìm hiểu xuất xứ, thành phần, công dụng, cách dùng… của nó. Nếu cô ca sĩ Mỹ chỉ có thêm một chút ý thức thôi, cô sẽ hiểu ngay áo dài có ý nghĩa gì, thường mặc trong những hoàn cảnh nào, với những thông điệp văn hóa ra sao?
 
Ở một đất nước tôn trọng quyền sáng tạo như nước Mỹ thì hẳn cô ca sĩ sẽ biết, áo dài không phải là một sản phẩm dân gian thuần túy, mà nó là một sáng tạo độc đáo gắn liền với một họa sĩ thời cận đại – họa sĩ LeMur Cát Tường với mẫu áo tân thời những năm 1930 được coi là “tiền thân” của áo dài. Cô cũng sẽ hiểu rằng, chiếc áo dài đã được coi như là bộ quốc phục nữ của Việt Nam, được sử dụng trong những dịp lễ nghi trang trọng, nhằm thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, nền nã, nữ tính và không kém phần quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam.
 
Cô không thể làm “vấy bẩn” vẻ đẹp của áo dài bằng những sự phá cách ngông cuồng của mình như vậy được. Thật tiếc cho cô ca sĩ từng đoạt giải Grammy nhưng “gu” thẩm mỹ và văn hóa chưa xứng tầm với tài năng âm nhạc của mình.
 
Đây không phải lần đầu, áo dài bị “phản bội”, bị “xúc phạm” bởi sự thiếu hiểu biết hoặc sáng tạo quá đà. Đáng buồn là tình trạng này diễn ra ngay trong giới nghệ sĩ Việt. Hẳn mọi người còn nhớ bộ ảnh diện áo dài mỏng tang, phô bày da thịt, diễn ở tư thế khá phản cảm của Hoa hậu Mai Phương Thúy mấy năm trước, trở thành một “vết đen” trong hình ảnh của cô. Nhiều nghệ sĩ khác diện những thiết kế áo dài khoe vẻ sexy hết cỡ như hở toàn bộ mảng lưng, ren xuyên thấu da thịt, dội nước lên để áo dài ướt nhẹp nhằm phô bày cơ thể… 
 
Văn hóa áo dài có rất nhiều lớp lang, cũng như chất liệu, màu sắc, họa tiết với nhiều kiểu dáng phù hợp với lứa tuổi của người mặc và sự kiện mà họ tham dự. Khi vẻ đẹp của sự quyến rũ ấy bị hiểu nhầm là sự gợi dục, gợi tình, thì mới sinh ra những mẫu áo, những tư thế ăn mặc quái dị như thế.
 
Áo dài luôn đứng trước nhu cầu cải tiến. Nhưng bất kỳ sự sáng tạo nào muốn thành công cũng phải tôn trọng “giá trị cốt lõi” của áo dài. Một đáng tiếc không nhỏ là Tuần lễ thời trang Seoul 2019 diễn ra từ 15/10 đến 19/10 tại Hàn Quốc, sự kiện có rất nhiều sao Việt tham dự, Hoa hậu Áo dài Tuyết Nga đã gây sốc khi khoác lên mình một số trang phục nhân danh Áo dài. Đó là bộ cánh có hình rồng uốn lượn bằng kim loại, màu sắc mô phỏng ánh thép đen sì với điểm nhấn là chiếc nón đính gương lấp lánh, rồi thiết kế khác thì cả một đống nơ to bản, chất liệu giả da, nhìn khó tin nổi áo dài lại kỳ dị như vậy...
 
Áo dài - từ “yêu” đến “hiểu”! - ảnh 1
Hoa hậu Áo dài Tuyết Nga diện “áo dài” ở Hàn Quốc

 
Ấy vậy mà Tuyết Nga chia sẻ trên báo chí: “Bạn vẫn có thể phá cách, thay đổi áo dài nhưng cần giữ được cái hồn dân tộc. Trước khi muốn tạo sự phá cách, bạn cần hiểu, nắm rõ cái đẹp của áo dài, đặt vào bối cảnh văn hóa, giá trị quốc gia rồi mới thay đổi theo thẩm mỹ của mình”. Giữa lời nói hoa mỹ của Tuyết Nga với hình ảnh mà cô thể hiện dường như không ăn nhập. Một số nhà thiết kế cho rằng, thứ mà Tuyết Nga mặc nếu tính về độ dài thì là áo dài, còn lại không thể tùy tiện mượn danh “áo dài” cho những trang phục phá cách quá đà, làm xấu hình ảnh áo dài Việt. 
 
 
Vạn Tuệ 

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.