Hàng nghìn gốc đào biến thành củi mục?

Chia sẻ

Hàng nghìn gốc đào chuẩn bị bán Tết của mình bị chết do đơn vị thi công dự án EcoHome 3 làm tắc hệ thống tiêu thoát nước gây ngập úng.

Hàng nghìn gốc đào biến thành củi mục? - ảnh 1
Hàng nghìn gốc đào của người dân phường Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm bị chết khô
 
Liên quan đến việc thi công dự án Ecohome 3, báo Phụ nữ Thủ đô số 48 ra ngày 30/11/2019 đăng tải bài viết: “Dự án EcoHome 3 phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm: “Dân khổ vì bụi, tiếng ồn”. Ngay sau khi bài báo đăng tải, báo Phụ nữ Thủ đô tiếp tục nhận được phản ánh của gần 30 hộ dân canh tác tại khu vực Đồng Mới và Ruộng Lính (thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) về việc hàng nghìn gốc đào chuẩn bị bán Tết của mình bị chết do đơn vị thi công dự án EcoHome 3 làm tắc hệ thống tiêu thoát nước gây ngập úng. 
 
Bà Đặng Thị Nhật, đại diện cho khoảng 30 hộ dân cho biết, trong quá trình xây dựng dự án EcoHome 3, đơn vị thi công đã lấp hết đường tiêu thoát nước của hai khu vực nói trên dẫn tới tình trạng trời cứ mưa là bị ngập úng. Đỉnh điểm là những trận mưa lớn diễn ra vào tháng 8/2019 khiến cho cả khu vực bị ngập úng nặng làm chết hàng nghìn gốc đào thế, đào cành chuẩn bị bán Tết năm nay và rau màu, hoa, cây cảnh của người dân. “Mấy nghìn gốc đào biến thành củi mục hết rồi. Có nhiều gốc đào cao chừng 1,5 m và có 4-5 nhánh đã chết khô. Chúng tôi đấu tranh mãi thì chính quyền mới hỗ trợ cho 35.000 đồng/cây. Trong khi nếu bán vào dịp Tết, mỗi cành đào đó có giá từ 500.000 – 1 triệu đồng/cành” - bà Đặng Thị Nhật bức xúc nói.
 
Bà Hoàng Thị Loan (TDP Nhật Tảo 1, phường Đông Ngạc) cho biết thêm: “Chính quyền đổ lỗi cho thiên tai nên nói rằng chỉ hỗ trợ thiệt hại cho bà con. Nhưng, chúng tôi trồng đào mấy chục năm qua có bao giờ bị úng ngập đâu. Chỉ từ khi dự án EcoHome 3 này thi công, cát sỏi làm ách tắc đường thoát nước dẫn tới ngập úng. Chúng tôi không đồng ý với lý giải của chính quyền phường Đông Ngạc. Sau khi đào chết vì úng ngập thì chủ đầu tư mới vội vàng cho nạo vét, khơi dòng chảy”.
 
Theo thông tin từ UBND quận Bắc Từ Liêm, ngày 4/9/2019, phòng Kinh tế quận đã có báo cáo về việc hỗ trợ thiệt hại đối với cây đào cảnh, quất cảnh và hoàn trả các tuyến mương khớp nối hạ tầng, đảm bảo tiêu thoát nước bình thường phục vụ sản xuất trên địa bàn phường Đông Ngạc.
Cụ thể, phòng Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại. Sau khi kiểm tra thực tế khu đồng tại dự án EcoHome 3, đoàn công tác đã thống nhất việc tiêu thoát nước của khu đồng Ruộng Lính, Bờ Chuôm, Đồng Mới là tiêu thoát nước theo hướng tràn tự nhiên từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, do dự án EcoHome 3 có thu hồi một phần mương tiêu nội đồng với diện tích 3.637m² và làm đường nội bộ bên trong hàng rào tôn đã lấp hướng chảy tự nhiên của các khu đồng nói trên. Do đó một số cây trồng, hoa màu của các hộ dân đã chết và vàng lá.
 
Phòng Kinh tế cũng đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm làm việc với chủ đầu tư dự án EcoHome 3 để xác định việc hoàn trả các tuyến mương khớp nối hạ tầng, đảm bảo tiêu thoát nước bình thường phục vụ sản xuất, đồng thời xem xét việc bồi thường, hỗ trợ với số cây trồng, hoa màu đã chết.
 
Như vậy, theo kết luận của UBND quận Bắc Từ Liêm thì việc gây úng ngập vườn đào cảnh, quất cảnh là do đơn vị thi công dự án EcoHome 3. Tuy nhiên, ngày 9/9/2019, UBND phường Đông Ngạc lại có báo cáo với quận Bắc Từ Liêm việc đào cảnh, quất cảnh bị thiệt hại là do hậu quả sau cơn bão số 3 và trận mưa ngày 9/8/2019 trên địa bàn.
 
Ngày 23/10/2019, bà Nguyễn Thị Nắng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đã chủ trì cuộc họp xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại cây đào cảnh, quất cảnh và hoàn trả các tuyến mương khớp nối hạ tầng với các đơn vị liên quan (trong đó có chủ đầu tư dự án EcoHome 3). Sau khi lắng nghe ý kiến, bà Nguyễn Thị Nắng Mai chỉ đạo chủ đầu tư hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai cho người dân canh tác trồng đào cảnh, quất cảnh khu cánh đồng Ruộng Lính, Bờ Chuôm, Đồng Mới. Mức hỗ trợ đối với cây đào giống bị chết là 5.000 đồng/cây, đào chuẩn bị bán Tết là 35.000 đồng/cây.
 
“Nếu UBND quận Bắc Từ Liêm đã khẳng định việc úng ngập cánh đồng trồng đào là do chủ đầu tư dự án EcoHome 3 nghĩa là không phải do thiên tai mà là nhân tai. Như vậy, người dân phải được nhận mức giá bồi thường chứ không phải mức giá hỗ trợ như hiện nay.  Không thể có chuyện một cành đào Tết giá 1 triệu họ bồi thường cho chúng tôi với mức 35.000 đồng/cây như vậy” - bà Nhật nói.
 
Đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm xem xét và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện việc đền bù thỏa đáng cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài.
 
Tuệ Liên

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.