“Khán giả thông thái sẽ nói không với hài nhảm - tục”

Chia sẻ
Sắp Tết, thị trường hài nở rộ với hàng loạt các phim, tiểu phẩm hài Tết. Năm nay, hài Tết trên băng đĩa giảm đi, thay vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của hài qua các kênh mạng xã hội. Điều đó khiến NSND Tự Long cảm thấy không khỏi lo lắng về chất lượng và sự tác động của các sản phẩm hài kém chất lượng đến công chúng. Báo PNTĐ đã có cuộc trao đổi với NS Tự Long - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo quân đội.
 
“Khán giả thông thái sẽ nói không với hài nhảm - tục” - ảnh 1
Nghệ sĩ Tự Long trong chương trình Táo quân Ảnh: VFC

 
Mấy năm gần đây, nhiều chương trình hài Tết khiến khán giả cảm thấy bức xúc vì quá nhạt, nhảm, thô tục hơn là hài hước. Anh đánh giá ra sao về thị trường hài Tết năm nay?
 
Hiện nay công nghệ làm phim phát triển, nhiều nhóm, nhiều diễn viên, đạo diễn làm hài khiến thị trường nhiều phân khúc. Khoảng 3 năm về trước, một sản phẩm hài đến với công chúng phải được kiểm định theo các tiêu chí về nội dung, chất lượng, được cấp phép rồi mới được ấn hành… Nhưng giờ thì ai cũng có thể tự lập kênh, tạo trang riêng, rồi tự làm sản phẩm đăng lên mạng, chẳng cần kiểm duyệt, ai xem thì xem, vô thưởng vô phạt. Vì vậy, rất khó đánh giá chính xác thị trường hài thế nào, chất lượng ra sao.
 
Tuy nhiên, cũng chính vì không có hội đồng kiểm duyệt về nội dung, hình thức, nghệ thuật nên không có gì để đảm bảo những tác phẩm phát trên mạng sẽ lành mạnh. Và không thể tránh khỏi việc xuất hiện tràn lan các tác phẩm dung tục.
 
Đánh giá hài cũng khó vì không có thang bậc cụ thể, thế nào là hài chính thống, hay - không hay. Nghệ sĩ nghiêm túc, có trách nhiệm sẽ tự mình hướng tới những tiêu chí văn hóa - nhân văn.
 
Anh có lo lắng và nghĩ rằng cần có sự kiểm duyệt mới có thể tránh được thực trạng “bát nháo” như hiện tại?
 
Lo lắng cũng không được bởi muốn không “loạn” thì phải có cơ chế, cả trên Facebook, Youtube… Tuy các mạng xã hội này là của nước ngoài nhưng khi vào Việt Nam thì họ cần có một cơ chế hoạt động nào đó phù hợp với thuần phong, mỹ tục của bản địa. Những nghệ sĩ như chúng tôi luôn mong muốn có cơ quan giám sát, kiểm định chất lượng những sản phẩm nghệ thuật. Chúng tôi mong có những sản phẩm “sạch”, để công chúng dễ nhận diện. Dẫu vậy, tôi cũng tin rằng khán giả là những người thông thái nhất, họ sẽ tự đào thải những chương trình kém chất lượng. 
 
Hài luôn là sân chơi vừa dễ lại vừa khó. Dễ là ở chỗ với công nghệ như hiện nay chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể làm hài và đẩy lên kênh của mình cho mọi người xem. Nhưng càng dễ thì càng nhanh bị đào thải. Ban đầu khán giả có thể xem vì tò mò, nhưng xem rồi, những người có trình độ, có nhận thức thấy nó thô bỉ, dởm, không văn hóa thì tự người ta không xem nữa. Khán giả không mua tiếng cười bằng mọi giá. Dễ làm thì cũng dễ thanh lọc, với cả người làm và người xem. 
 
Thực tế thì khán giả đang có xu hướng xem hài trên Youtube nhiều hơn, điều đó có ảnh hưởng đến công việc hay thu nhập của những nghệ sĩ chuyên nghiệp?
 
Những sản phẩm trên mạng đều có phân khúc riêng, không có gì miễn phí. Không phải trả phí thì chất lượng tác phẩm chỉ có hạn. Thời đại 4.0 có thể đưa nghệ sĩ đến những nơi xa xôi mà trước đây khán giả không được xem. Nhưng cũng có cái dở là tác phẩm có thể méo mó bởi máy quay không đẹp, âm thanh không chuẩn.
 
Còn những “hiện tượng” trên mạng xã hội, có thể họ sẽ xem lần đầu vì tò mò, nhưng sau không hay thì họ sẽ bỏ qua một cách dễ dàng, đó là quy luật.
 
Việc tràn lan những tác phẩm hài kém chất lượng có phải một trong những lý do khiến anh không đóng hài Tết nữa?
 
Không phải. Tôi và Xuân Bắc có tiêu chí là hai năm mới ra một DVD hài chứ không phải năm nào cũng làm. Vì chúng tôi đã làm thì phải suy nghĩ rất kỹ, tránh tình trạng khan hiếm về kịch bản, cái nọ trùng cái kia...
 
Cũng có ý kiến cho rằng mời anh và NSƯT Xuân Bắc đóng hài khó vì cát xê cao, mời Tự Long phải mời Xuân Bắc nữa?
 
Đúng, nhưng mà chỉ đúng một nửa. Đúng ở chỗ mời tôi sẽ phải có cả Xuân Bắc bởi chúng tôi là thương hiệu của một cặp nghệ sĩ hài rồi. Tôi không diễn chung với ai ngoài Xuân Bắc cả và Xuân Bắc cũng vậy. Bao nhiêu năm diễn chung, chúng tôi có nhiều đứa con tinh thần, diễn với nhau quen rồi, ăn ý nên giờ không muốn diễn với ai khác. 
 
Trước đây, anh và nghệ sĩ Xuân Bắc thường tham gia vào các phim hài dân gian mỗi khi Tết đến. Với thời đại 4.0 thì hài dân gian ngày càng ít đi, thay vào đó là hài hiện đại với nhiều bạo lực, cảnh nóng câu khách, anh nghĩ hài dân gian liệu có mất đi? 
 
Thật ra, hài dân gian lúc nào cũng có, cách mượn chuyện xưa nói chuyện nay ai cũng có thể làm được, nhưng không phải ai cũng có thể làm chỉn chu và có gout nghệ thuật riêng. Trước đây, tôi và Xuân Bắc cứ đều đặn hai năm làm một sản phẩm như: Râu quặp, Không hề biết giận, Cả ngố, Quan trường trường quan... mà đến giờ những tác phẩm đó vẫn còn giá trị, vẫn được khán giả xem rất nhiều. Tôi vẫn cho rằng, tiểu phẩm hài hay nghệ thuật nói chung có hai thứ để người ta xem: một là “lâm - khốc - giật - độc” nghĩa là bất ngờ, mới lạ, độc đáo, khốc liệt, hai là thứ người ta xem một lần rồi lại xem lại mãi bởi nó thuộc sở thích của họ. Nếu không có giá trị, xem một lần thấy nhảm khán giả sẽ không muốn xem lại nữa.
 
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
 
Phong Thuỷ  

Tin cùng chuyên mục

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.
Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.