Bác Hồ với phụ nữ - Một góc cảm nhận

Chia sẻ

Khi đặt bút viết bài này, tôi cân nhắc về cái tên nên đặt thế nào: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phụ nữ hay Bác Hồ với Phụ nữ? Sau đó, tôi chọn nên gọi Bác Hồ với Phụ nữ Việt Nam thì gần gũi và thân thiện hơn, đúng với phong cách và tâm hồn của Bác.

Bác Hồ với các cán bộ cơ quan TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2-1949Bác Hồ với các cán bộ cơ quan TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2-1949 (Ảnh: tư liệu)

Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, của sự giao thoa, tiếp biến, hội nhập văn hóa Việt Nam và thế giới, của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, của nhịp sống hối hả với nền văn minh công nghiệp đang hình thành, tác động từ đô thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… chúng ta kính cẩn dành một góc cảm nhận để nghĩ về Bác với những tư tưởng, tình cảm đối với “non sông”, với “mọi kiếp người” nói chung và Phụ nữ nói riêng là rất cần thiết, thật ý nghĩa.

1. Trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, nhìn về thế kỷ XX, liên tưởng về lịch sử dân tộc trong quá khứ và hướng tới tương lai, Hồ Chí Minh là ngôi sao sáng trên bầu trời dân tộc, sáng trong bao la mà gần gũi, giàu Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng, chiếm trọn tình cảm, sự kính trọng của nhiều thế hệ người nước Nam và bạn bè quốc tế. Một trong những di sản tư tưởng quý giá của Người là tư tưởng vì sự bình đẳng, phát triển của Phụ nữ nước nhà gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước.

Sinh ra, lớn lên từ một vùng quê nghèo khó, đất nước bị xâm lược, đồng bào bị đói khổ, thất học… Bác Hồ là người thấu hiểu những nguyên do vì đâu mà quốc dân sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”, bị xâm lăng, bóc lột và cùng cực.

Văn hóa Việt Nam với những hệ giá trị từ gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xóm và quốc gia là cơ sở hình thành nên nhân cách, tư tưởng, tình cảm của Bác đối với phụ nữ. Từ một gia đình, dòng họ có truyền thống yêu nước và khoa bảng ở làng Sen huyện Nam Đàn xứ Nghệ, Bác đã sớm thấm nhuần tư tưởng nhân văn yêu nước, thương dân trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ người bà nội Nguyễn Thị Hy thông minh, tài sắc đến người cha Nguyễn Sinh Sắc học rộng tài cao, nghiêm khắc và luôn tôn trọng chí hướng của con theo quan điểm “phụ huynh bất năng cấm ước từ đệ” (cha mẹ không thể cấm đoán những ước mong của con cái)… đã tạo bệ đỡ cho tư tưởng, sự nghiệp của Người. Thân mẫu của Bác là bà Hoàng Thị Loan sinh ra trong gia đình gia giáo, có cái nhìn tân tiến về xã hội, vượt ra ngoài sự ràng buộc của xã hội phong kiến… biết nhiều bài hát dân ca phường vải, hát ru và các sinh hoạt văn nghệ dân gian. Lời hát ru của bà có ý nghĩa giáo dục tác động quan trọng đến tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của Bác:

Làm người đói sạch, rách thơm,
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền

Hay:

Mong con khôn lớn nên người khôn ngoan
Làm trai gánh vác giang sơn.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, sự mất cân bằng của những giá trị kinh tế và xã hội, sự đánh mất nhân cách của không ít công dân hiện nay… nghe lại lời ru trên có phải chăng là một sự “cảnh tỉnh” giúp những người có lương tri nhìn lại bản thân mình, để không đánh mất mình.

Khi hoạt động ở Thái Lan, khi nghe một Việt kiều ru con, ký ức về người mẹ, người phụ nữ Việt Nam trong Bác được đánh thức:

Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con.

Có tình cảm gia đình, người thân; có tình cảm sâu nặng đối với quê hương, đất nước… vẻ ngoài nghe bình dị nhưng bên trong thật da diết, sâu nặng và hơn hết là hình ảnh người Mẹ, người Bà, người Chị, người phụ nữ quê hương đất Việt của Người qua hai câu thơ ấy.

2. Bác Hồ từ chủ nghĩa yêu nước, từ truyền thống văn hóa dân tộc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin từ sớm đã có quan điểm đúng đắn đối với vấn đề phụ nữ, khác xa với các quan điểm Nho giáo, của xã hội phong kiến xem thường phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội. Trong mọi thời đại, phụ nữ là thành tố tất yếu, tự nhiên cấu tạo nên chỉnh thể, văn hóa gia đình và xã hội. Hơn thế nữa họ có vai trò quan trọng, trực tiếp tái sản xuất sức lao động xã hội.

Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình tháng 10/1959, cách đây 60 năm, Người nói: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ không giải phóng một nửa loài người” và “Luật lấy vợ, lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phần nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”… Có đặt tư tưởng, tầm nhìn của Bác trong bối cảnh xã hội phong kiến phương Đông lúc bấy giờ chúng ta mới thấy được giá trị, tính hiện đại, nhân văn sâu sắc đó và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị khi văn hóa gia đình, văn hóa xã hội đang bị các vấn đề kinh tế, toàn cầu hóa văn hóa xâm thực vào tư tưởng, lối sống với không ít những tiêu cực, hạn chế làm nhạt phai bản sắc văn hóa dân tộc.

Trên bình diện quốc tế, đối với phụ nữ thế giới, Bác Hồ cũng bày tỏ quan điểm, tư tưởng tiến bộ và đến hôm nay vẫn luôn còn vẹn nguyên giá trị. Bác viết: “Ông Các Mác nói rằng: Ai biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc chắn không làm nổi. Xem thường tư tưởng và công việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào?

Ông Lê-Nin nói: Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công.

Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà tham gia… Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà, con gái hết sức giúp vào”.

Trong những dòng cuối ghi trong Di chúc, Bác không quên đề cập đến vấn đề Phụ nữ. Bác viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ vô cùng đảm đang, đã đóng góp rất nhiều trong chiến đấu và sản xuất. Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ, phụ trách nhiều công việc kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây thực sự là một cuộc cách mạng”.

Có thể nhận thấy, tư tưởng của Bác Hồ đối với vấn đề phụ nữ là cái nhìn khoa học, khách quan, nhân văn, toàn diện không chỉ đối với các vấn đề cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam mà còn là vấn đề Con người, nó có ý nghĩa sâu sắc đối với Phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề phụ nữ toàn cầu và quốc gia với nhiều vấn đề mới đặt ra hiện nay.

3. Ngày Xuân nhớ Bác, một khoảnh khắc nhắc lại tư tưởng tình cảm của Người đối với phụ nữ nói chung và Phụ nữ Thủ đô sẽ là không đủ. Nhưng sau những hoạt động, lời nói của Bác hôm qua thì hôm nay nó vẫn như những viên ngọc sáng, tiếp tục định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cho chính quyền và các cấp Hội PN trên địa bàn Thủ đô quán triệt, vận dụng và làm theo.

Ngoài kia năm Kỷ Hợi đang qua, Xuân Canh Tý đang tới, Hà Nội một lần nữa đón những cánh đào Nhật Tân và nhiều vườn hoa xuân nở rộ từ ngoại thành đến nội thành. Một dáng mẹ ta, chị ta, em ta… trên đường phố, trên giảng đường, ở nhà máy, trên cánh đồng làm cho nét Xuân, nét văn hóa Việt Nam thêm đậm đà bản sắc.

Trong dòng chảy của kinh tế thị trường, của hội nhập và giao thoa văn hóa… người Phụ nữ Việt Nam và Phụ nữ Thủ đô vốn đã luôn tất bật thì lại càng ít thời gian ngưng nghỉ… vì cuộc sống hạnh phúc gia đình, vì chồng, vì con… và vì tương lai đất nước, vì gương mặt tươi sáng của Thủ đô và quốc gia trên trường quốc tế. Tuy nhiên để sự hội nhập kinh tế, văn hóa, để phụ nữ Việt Nam và Thủ đô tiếp tục dệt thêu cho bức tranh văn hóa, kinh tế của nước nhà và Thủ đô thêm tươi đẹp, bền vững thì chúng ta không thể không học tập, vận dụng và làm theo một cách sáng tạo tư tưởng, tình cảm trách nhiệm giàu tính cách mạng, văn hóa, nhân văn sâu sắc của Bác Hồ đối với Phụ nữ Việt Nam, đối với Phụ nữ Thủ đô.

PGS.TS. LÊ NGỌC THẮNG
Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.