Con cái “đại chiến” khi cha mẹ ốm đau

Chia sẻ

Chăm sóc, phụng dưỡng khi cha mẹ ốm đau, già yếu là nghĩa vụ, trách nhiệm của con cái. Đó còn là đạo làm con trong gia đình. Vậy nhưng, không ít cha mẹ già ốm đau nằm xuống lại đau lòng nhìn con cái "đại chiến" bởi nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ.

Con cái “đại chiến” khi cha mẹ ốm đau - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

1. Dạo này, bà thấy sức khỏe có vẻ phần yếu nhưng chẳng dám nói ra cho con cái biết vì thấy đứa nào cũng bận bịu con cái, công việc. Nửa đêm bà đột nhiên bị ngất xỉu. Tỉnh lại, bà thấy mình nằm trong bệnh viện, loáng thoáng nghe bác sĩ nói với con cháu là bà bị bệnh tai biến, từ nay về sau mọi việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải nhờ cậy con cháu.

Cuộc họp "khẩn" được con cháu bà tổ chức ngay ngoài hành lang phòng bệnh. Kết quả, chúng thống nhất bà ở quê cùng vợ chồng con út vì vợ chồng con cả không có thời gian chăm sóc nếu bà nằm một chỗ. Bà về đó ở thì cũng phải thuê giúp việc trông nom, chi bằng chúng đưa thêm tiền để vợ chồng con út chăm sóc mẹ. Số tiền con cả đưa cho con út đúng bằng số tiền mà chúng thuê giúp việc. Tiền thuốc men chữa cho bà thì cộng lại chia đều cho các con. Con út sẽ cầm tiền mọi người đóng góp để chăm sóc bà. Tính toán rõ ràng vậy nên sau khi ra viện bà về nhà con út.

Tháng đầu, mọi việc chăm sóc bà ổn thỏa. Nhưng từ tháng thứ hai, bà nghe vợ chồng con út than vãn chuyện anh cả chậm gửi tiền về, tiền thuốc men, thức ăn tẩm bổ cho bà, mọi người cũng có vẻ không gửi đủ như đã thống nhất. Người nhắn bảo tháng này phải đóng học cho con nhiều nên xin khất đóng sau, người xin bớt lại một chút vì con cái ốm phải đi viện khám. Đến tháng thứ tư, bà nghe vợ chồng con út gọi điện oang oang kêu mọi người về họp gia đình gấp. Cuộc họp ấy bà nằm trong nhà nghe mà tan nát cõi lòng. Vợ chồng con út xỉ vả không thiếu một ai vì họ bỏ bê trách nhiệm với mẹ, trút hết mọi việc cho mình. Vợ chồng con cả bảo từ trước đến nay chẳng ganh tỵ việc chia tài sản của bố mẹ từ căn nhà, mảnh đất mà con út đang ở, nay chăm mẹ mấy tháng mà tính thiệt hơn với anh chị. Con gái cho rằng "xuất giá tòng phu", chồng quản kinh tế, không đưa tiền thì làm sao gửi đúng hạn cho em út. Việc đóng góp này, cô đang chia sẻ chứ lẽ ra không phải chịu trách nhiệm như con trai. Vì chăm sóc, lo cho tuổi già của mẹ là trách nhiệm chính của hai con trai. Cuộc cãi vã ngày một căng thẳng. Cuối cùng con út bảo cứ phân chia theo lịch, mẹ ở với ai tháng nào thì tháng đó người ấy có trách nhiệm, khỏi phải so bì nhau. Bốn tháng nay, bà ở nhà con út rồi giờ sẽ đến lượt con cả chăm sóc.

Bà được đưa về nhà con cả bằng xe cứu thương. Mấy tháng sau, chiếc xe cứu thương đó lại đưa bà về lại nhà con út. Trước đây, khỏe mạnh, bà cứ lựa nhà đứa nào có con nhỏ để ở cùng, giúp chúng trông cháu, nấu ăn, đi chợ. Nay ốm đau nằm xuống, bà muốn ở cố định một chỗ nhưng thế cuộc chẳng chiều lòng. Ngày trước, bà còn được việc, chẳng đứa nào để ý đến chuyện bà có tiền tiết kiệm hay không, nay bà nằm xuống, đứa nào cũng dò hỏi mẹ có khoản nào thì đưa chúng để góp thêm chữa bệnh. Bà có chút đỉnh khi ông mất để lại, nhưng cho vợ chồng con út vay để xây sửa lại nhà mấy năm nay. Nay biết được, vợ chồng con cả liên tục hỏi vợ chồng con út khoản tiền đó. Chúng cãi vã, mắng chửi nhau, rồi đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc bà vì khoản tiền ấy. Hàng ngày nằm một chỗ, nhìn con cái "đại chiến" vì nghĩa vụ chăm mẹ, bà chỉ muốn nhanh nhắm mắt xuôi tay về với ông cho đỡ đau lòng.

2. Từ ngày ông bị bệnh, bà là nhân lực chính chăm sóc chẳng phải cậy nhờ con cái. Một mình thức khuya lao lực lo cho ông trong thời gian dài nên sức khỏe bà cũng giảm sút dần, rồi đổ ra ốm. Bây giờ, ông bà không thể tự chăm sóc cho nhau mà cần đến sự trợ giúp của con cái. Cuộc họp gia đình diễn ra trong không khí nặng nề, lo lắng của con cháu. Đứa nào cũng kêu khó khăn nếu đón bố mẹ về sống cùng vì đều bận công việc cả ngày không thể nghỉ được. Và, biện pháp giải quyết vẫn là thuê giúp việc.
Ông nằm một chỗ, thân thể to lớn nên phải thuê người chăm là nam giới. Giá cả đàn ông làm cũng khác phụ nữ, thỏa thuận, tìm kiếm mãi mới được một người ưng ý với lương tháng trên chục triệu đồng. Khoản tiền đó cũng được con cháu chia đều bởi lương ông chỉ đủ chi phí sinh hoạt tằn tiện hàng ngày. Thời gian đầu, đứa nào cũng vui vẻ chấp nhận phương án đó, nhưng tình trạng đau lâu ốm dài của ông bà khiến chúng không có sự kiên nhẫn với nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ. Khoản tiền thuê giúp việc chăm sóc ông bà bỗng trở thành gánh nặng cho những đứa con. Đứa có chẳng muốn bỏ nhiều vì cho rằng làm thế thì đứa khó khăn sẽ ỷ lại, rồi phó mặc cho mình gánh thì không được. Đứa khó khăn cho rằng đứa khá giả phải có trách nhiệm nhiều hơn. Chúng bắt đầu tính toán, tỵ nạnh nhau. Lần nào về nhà ông bà, chúng cũng lớn tiếng sát phạt nhau. Ông bà tuổi cao sức yếu chẳng thể khuyên giải nổi các con, đành nuốt nước mắt vào trong, cay đắng mong chuỗi ngày sống bệnh tật của mình nhanh kết thúc.

"Trẻ cậy cha già cậy con", dù chủ động đến đâu thì khi già yếu, đau ốm là lúc cha mẹ cần đến sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái. Bởi lúc đó, họ rơi vào cảnh lực bất tòng tâm. Bấy giờ là lúc con cái thực hiện đạo hiếu của mình. Nhưng, cuộc sống áp lực thời kinh tế thị trường cùng với sự ích kỷ đã khiến một bộ phận con cái "đại chiến" nhau vì trách nhiệm lo cho cha mẹ. "Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy", ai rồi cũng phải bước qua đoạn đường già cả, đau ốm. Hôm nay, chữ hiếu với cha mẹ mình không làm tròn thì sao mong dạy con nên người hiếu nghĩa...

Thu Giang 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.