Sống khổ vì “ăn cơm trước kẻng”

Chia sẻ

Dù cuộc sống hiện đại đang khiến vấn đề giữ gìn trinh tiết của người con gái trước khi kết hôn không còn nặng nề như xưa. Nhưng, một số gia đình vẫn giữ quan niệm khắt khe trong vấn đề trinh tiết của con dâu.

Không chấp nhận con dâu “ăn cơm trước kẻng”

Là mẹ của hai cậu con trai, bà Ngân là một bác sĩ về hưu vẫn luôn “giáo huấn” cho các con về chuyện chọn vợ sau này. Tiêu chuẩn chọn dâu của bà là những cô gái truyền thống, coi trọng chuyện trinh tiết, gìn gìn bản thân trước khi về nhà chồng. Là một bác sĩ làm trong lĩnh vực sản khoa nên bà càng hiểu hơn việc giới trẻ thoáng trong chuyện tình dục như thế nào, để lại hậu quả ra sao. Vậy nên, bà không bao giờ chấp nhận chuyện con dâu ăn cơm trước kẻng.

Sống khổ vì “ăn cơm trước kẻng” - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Thế nhưng cậu con trai lớn hình như bỏ qua mọi lời cảnh báo và giáo huấn của mẹ. Ngày đưa người yêu về ra mắt gia đình, nó cũng thông báo luôn hai đứa lỡ quan hệ dẫn đến có thai nên giờ xin phép bố mẹ hai bên tính chuyện cưới hỏi. Bà sững sờ rồi chuyển sang tức giận, bởi lâu nay ngồi đâu bà cũng nói đến vấn đề đạo đức của người con gái trong việc giữ gìn trinh tiết. Bà cũng không ít lần chỉ trích các cô gái đến bệnh viện nơi bà làm việc để nạo phá thai. Vậy mà giờ con trai lại vi phạm nguyên tắc sống của bà, rồi cô con dâu tương lai kia nữa, cũng phá vỡ tiêu chuẩn chọn dâu mà bà đặt ra từ trước đến nay. Do đó, điều đầu tiên là bà phản đối chuyện cưới hỏi vì lỹ do không chấp nhận cưới dâu trong tình trạng “tậu cả trâu lẫn nghé”. Thậm chí, bà còn nghi ngờ đứa cháu kia không biết có thật mà máu mủ của nhà mình. Dù là phụ nữ nhưng bà vẫn không thể thông cảm cho cô gái không biết giữ gìn, coi trọng bản thân trước khi kết hôn.

Nhưng sự phản đối của bà có vẻ như không có nhiều tác dụng trong thời đại con cái có quyền tự do quyết định hôn nhân của mình. Con trai lớn tuyên bố luôn rằng nếu bố mẹ không đồng ý tổ chức đám cưới thì hai đứa ra phường đăng ký kết hôn rồi ra ngoài thuê nhà sống. Bà nghe đến đây thì lại càng tức giận, mọi tội lỗi bà quy hết cho cô gái kia, đã dám “ăn cơm trước kẻng” làm mất danh dự nhà bà, lại còn làm cho tình cảm mẹ con tương tàn nữa thì tội càng lớn hơn. Tuy nhiên, bà cũng là người trọng danh dự gia đình hơn, nên không thể để chúng không cưới hỏi gì mà ra ngoài thuê nhà sống được. Vậy nên bà đành chấp nhận tổ chức đám cưới cho con trai.

Hoa, con dâu bà cứ ngỡ mẹ chồng chấp nhận cho cưới hỏi thì cũng sẽ bỏ qua việc “ăn cơm trước kẻng” của cô luôn. Không ngờ, bà vẫn còn rất nặng nề về chuyện này. Nhiều lần, Hoa bị mẹ chồng mắng mỏ, xúc phạm khi đề cập đến chuyện có thai trước khi cưới. Bà Ngân luôn lấy quy chuẩn đạo đức của người phụ nữ trong xã hội cũ để “rèn dũa” con dâu. Vậy nên những năm tháng mang thai, không biết bao nhiêu lần Hoa khóc thầm vì bị mẹ chồng xúc phạm, coi thường. Bố mẹ đẻ của cô cũng bị mẹ chồng chửi khéo nhiều lần.

Ngày đứa cháu nội ra đời, điều bà Ngân làm đầu tiên là mang mẫu của cháu và con trai đi xét nghiệm xem có cùng huyết thống hay không. Bà làm điều đó công khai, bất chấp cảm nhận của con dâu vừa mới sinh xong. May mắn thay, mẫu xét nghiệm cho thấy con gái cô đúng là cháu nội “xịn” của ông bà. Cứ ngỡ sau khi các định rõ máu mủ thì bà sẽ cởi mở hơn với con dâu. Nhưng không, trong cách dạy dỗ con gái, cô luôn bị mẹ chồng uốn nắn, bảo phải gương mẫu, lấy cái sai, lỗi lầm của mình để răn dạy con gái sau này không được đi vào vết xe đổ đó.

- Mỗi lần mẹ chồng và con dâu có mâu thuẫn gì là mẹ chồng lại mang chuyện tôi mang bầu trước khi cưới để mắng mỏ, xỉa xói. Nhiều lần bị mẹ chồng coi thường, tôi muốn dọn ra ngoài sống riêng nhưng nghĩ lại thương chồng, thương con nên đành cam chịu. Mẹ chồng nói cũng có cái đúng nhưng giá như bà đừng quá khắt khe trong chuyện con dâu giữ gìn trinh tiết trước ngày cưới thì cuộc sống của tôi bớt khổ tâm hơn. Vì chuyện này mà vợ chồng tôi nhiều lần bất hòa, bởi chuyện này cũng có phần trách nhiệm của anh. Vậy mà bây giờ mẹ chỉ quy tội mỗi con dâu, còn con trai được quyền “tha bổng” – Hoa nói.

Làm dâu mà không có lễ vu quy

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày cưới, anh Hưng quyết định tổ chức một “lễ cưới đồng” mời hai họ đến chung vui. Lấy cớ là kỷ niệm ngày cưới chứ thật ra anh muốn xóa đi sự tủi thân của vợ 15 năm nay. Lễ cưới tổ chức đơn giản nhưng vô cùng ấm áp, vợ anh trông thật xinh đẹp trong bộ váy cưới. Trước đó, chị đã cẩn thận đi thử rất nhiều tiệm áo cưới để mình có được những bức ảnh cưới đẹp lung linh, bức ảnh mà trong suốt 15 năm qua chưa từng xuất hiện trong nhà chị. Nhưng niềm vui này, anh chị cũng chỉ dám thực hiện khi bố mẹ chồng khuất núi. Bởi trước đó, ông bà không chịu chấp nhận để họ tổ chức đám cưới, nguyên nhân chỉ vì anh chị lỡ ‘ăn cơm trước kẻng”.

Sống khổ vì “ăn cơm trước kẻng” - ảnh 2 (Ảnh: minh họa)

Bố mẹ chồng chị làm nghề giáo viên, hai người là những nhà giáo có uy tín, lại được sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình nền nếp gia phong. Chuyện giữ gìn nếp nhà Nho học được ông bà coi trọng tuyệt đối. Do đó, ông bà không bao giờ chấp nhận chuyện con cái yêu đương tự do quan hệ trước hôn nhân dẫn tới việc mang thai trước khi cưới. Thời điểm anh chị yêu nhau, cả hai chưa có kỹ năng bảo vệ trong tình yêu khi phát sinh quan hệ tình dục dẫn tới việc có thai ngoài ý muốn. Đến khi có thai, chị cũng không biết nên phát hiện muộn, khi hai người về thưa chuyện thì thai đã lớn. Đây là lý do khiến bố mẹ anh không chấp nhận chuyện tổ chức cưới hỏi vì sợ lộ chuyện con dâu “ăn cơm trước kẻng” ra ngoài thì ông bà chẳng còn mặt mũi nào. Thanh danh gia đình bị ảnh hưởng, công việc dạy người, dạy trò của ông bà cũng không còn uy tín nữa. Do đó, ông bà quyết định không tổ chức đám cưới rình rang như ở quê. Thay vào đó, ông bà tuyên bố với làng xóm là con trai công tác ở thành phố nên tổ chức cưới ở trên đó thay vì tổ chức ở quê. Nói là vậy nhưng anh chị nào được tổ chức cưới ở thành phố vì ông bà sợ những hình ảnh con dâu có bầu mặc váy cưới lộ bụng ra rồi truyền về quê. Do đó, anh chị chỉ được về quê đăng ký kết hôn, chuyện cưới hỏi tạm gác lại tổ chức sau.

Bao nhiêu năm nay, hễ mỗi lần anh chị nhắc đến chuyện đám cưới đều bị bố mẹ gạt đi. Họ nói chuyện đám cưới không còn cần thiết, quan trọng họ đã được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Ông bà vẫn còn mang nặng ác cảm với con dâu về chuyện “ăn cơm trước kẻng” nên nhất định không cho con tổ chức đám cưới. 15 năm trôi qua, chị vẫn mang nỗi tủi thân khi không được chính thức thắp hương bái lạy tổ tiên nhà chồng giống như các cô dâu khi xuất giá theo chồng. Cách đây 4 năm, bố mẹ chồng lần lượt khuất núi, đoạn tang xong bố mẹ, anh mới nghĩ đến chuyện tổ chức đám cưới để vợ đỡ thiệt thòi. Dù đây chỉ là đám cưới dưới danh nghĩa là kỷ niệm ngày cưới, không có sự chúc phúc của hai họ, bố mẹ hai bên.

Tình dục trước hôn nhân của giới trẻ trong thời hiện đại ở một góc độ nào đó đang có phần “cởi trói” vấn đề trinh tiết trong hôn nhân cho phụ nữ. Nhiều người không còn nặng nề chuyện phụ nữ về nhà chồng không còn gìn gìn trọn vẹn lần dâng hiến đầu tiên cho bạn đời. Tuy nhiên, nó cũng kèm theo những hệ lụy nếu như giới trẻ quá buông thả với tình dục trước hôn nhân mà không có kỹ năng bảo vệ. Điều này sẽ dẫn tới việc có thai ngoài mong muốn, nảy sinh tình trạng nạo phá thai, hoặc bước vào hôn nhân sớm khi chưa kịp chuẩn bị tốt các điều kiện, kỹ năng sống. Hệ quả là bạo lực gia đình, ly hôn sớm cũng gia tăng.

Những mặt trái đó cũng là lý do để những bậc cha mẹ có coi trọng vấn đề trinh tiết phụ nữ và không chấp nhận chuyện con dâu “ăn cơm trước kẻng”. Tuy nhiên sự khắt khe, đổ lỗi trở lại cho một mình con dâu thay vì phán xét cả con trai mình trong vấn đề này của một bộ phận gia đình đã khiến cho một số phụ nữ sống cảnh bất hạnh trong hôn nhân, cam chịu bạo lực. Họ không biết rằng khi người mẹ bị bạo hành tinh thần, sống bất hạnh thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những đứa con. Do đó, nhìn nhận vấn đề này vẫn cần sự bao dung, hiểu biết định hướng cho cháu trong cuộc sống của các bậc làm cha mẹ, thay vì đổ lỗi, ác cảm, khiến cuộc sống của con cháu không còn hạnh phúc như mong muốn.

                                                                                                                        Bình Duy

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.