Đau đầu vì osin “bốc hơi” sau Tết

Chia sẻ

Sau Tết, tới lượt dịch cúm do virus Corona ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tuyển dụng người giúp việc gia đình tại các đô thị lớn như Hà Nội.

Không những người giúp việc bỗng dưng xin nghỉ khiến gia chủ trở tay không kịp mà chính những gia đình dù rất muốn thuê nhưng “ám ảnh” rước thêm dịch vào nhà. Nhiều chị em vừa phải đi làm, vừa phải gánh thêm phần lớn việc nhà, than trời vì không đủ… ba đầu sáu tay!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hết osin “chạy làng”…

Nếu những năm trước, vào thời điểm này, chị Phương Lan đang được thong thả đi làm, đi chơi, đi lễ chùa đầu năm, con cái, nhà cửa đã có người giúp việc lâu năm cáng đáng, thì 2 tuần vừa qua là những ngày vợ chồng chị “lo đứng lo ngồi”. Hai con chị phải nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh nhưng vợ chồng anh chị thì không được nghỉ làm. Đau đầu hơn là cô giúp việc cũ của gia đình sau khi về quê ăn Tết chưa ra làm lại ngay vì sợ dịch bệnh.

“Ở quê, con cái cô ấy cũng không đi học, cần người trông nên không thể bỏ đó mà lên đây được” - chị Lan kể lại trong mệt mỏi. Bởi cô giúp việc đã gắn bó với gia đình tận 6 năm nay, giờ bỗng chốc “chạy làng” khiến chị xoay không kịp. Biết là phải lâu nữa chị ấy mới quay lại nên chị Lan nhanh chóng tìm người giúp việc mới. Nhưng “đỏ mắt” tìm, từ nhờ người quen đến lên mạng đăng tin tuyển dụng, chị vẫn không ưng ý được ai. Nỗi lo dịch bệnh lây lan khiến vợ chồng anh chị cũng ngần ngại, không muốn giục bà giúp việc cũ thêm nữa. Vì vậy, hai vợ chồng chọn cách “tự lực cánh sinh”, chia nhau mỗi người trông một đứa con. “Hơn chục ngày qua mình cứ như ba đầu sáu tay, làm đủ thứ việc từ sáng tới tối. Thôi cố đợi một thời gian nữa xem sao…”.

Khác với nhà chị Lan, giúp việc của nhà chị Thanh Hòa lại hồ hởi thông báo sẽ trở lại làm sớm. “Mấy năm trước, ngoài mùng là tôi đã ra ngóng vào trông, gọi điện giục liên tục vì sợ chị đổi ý, không vào làm nữa thì mệt. Vậy mà, năm nay, chị bảo ở chỗ chị có mấy người sốt cao, nghi nhiễm virus Corona, chị phải vào sớm không bị lây thì mệt!”. Chị Hòa nghe vậy cũng hoảng, phải bàn lại với chồng.

Anh cũng lo lắng không kém. “Vợ chồng tôi đã phải cho con nghỉ học ở nhà vì không yên tâm khi dịch virus Corona đang lây lan nhanh chóng. Không những vậy, bố mẹ chồng tôi cũng đã già yếu, sức đề kháng kém hơn người trẻ, cần có người giúp việc khỏe mạnh chăm sóc ông bà khi anh chị đi làm. Giờ chị giúp việc ở quê vào mà không rõ tình trạng sức khỏe ra sao, đặc biệt theo lời kể của chị thì ở quê chị đã có nhiều người nghi nhiễm, chưa kể trong Tết không biết chị có vô tình tiếp xúc với người ta không… Bây giờ nếu tôi để chị đến làm thì khác gì rước nguy cơ nhiễm bệnh cho cả nhà. Vậy là chúng tôi bảo chị cứ ở quê đến hết tháng Giêng rồi vào cũng được”, chị Hòa thở dài. Nhưng nếu không có giúp việc thời điểm này thì cả nhà chị lại phải “chiến đấu” với nỗi lo mới: Chia thời gian ra sao để đi làm mà nhà cửa và sức khỏe mọi người “vẫn đâu vào đấy”!

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Cùng chung cảnh này, ở nhiều khu chung cư, các gia đình đã gom con trẻ thành nhóm và thuê giúp việc trông chung, hoặc thuê giáo viên về chăm sóc, dạy học luôn. Nhà nào đang thuê gia sư cho con thì nhờ gia sư trông con luôn. Trước bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng lao động giúp việc gia đình, nhiều gia đình trẻ đã phải lựa chọn tuyển lao động già, thậm chí kêu gọi sự “cứu viện” của bố mẹ, ông bà từ quê ra trông cháu, hỗ trợ dọn dẹp trong gia đình. Đây đều là những giải pháp bất đắc dĩ để chống chọi với dịch bệnh, tuy nhiên, những xáo trộn mà nó dẫn đến cho nhịp sinh hoạt của các gia đình và sức khỏe con trẻ là không lường trước được.

Lại đến osin… sốt giá!

Để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, các trường học đã đồng loạt cho học sinh nghỉ. Nhu cầu thuê giúp việc theo giờ để trông trẻ vì thế mà cũng tăng cao hẳn.

Sau khi đưa ra nhiều phương án: gửi ông bà ngoại, nhờ cô giáo của con trông giúp hay gửi hàng xóm… nhưng đều không được, chị Thu Phương buộc phải thực hiện phương án thứ ba là tìm người giúp việc theo giờ. Gọi điện đến một công ty cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình, chị phát hoảng với mức giá “không tưởng”: 300 nghìn đồng/ ngày. Không chỉ vậy, gia đình phải tự chuẩn bị đồ ăn cho con. Như vậy, tổng chi phí mà bố mẹ phải bỏ ra cho một ngày người giúp việc chăm con là khoảng 400.000 đồng. Tính ra, với mức lương trung bình của vợ chồng trẻ hiện nay, nếu tính theo ngày thì vừa đủ trả cho giúp việc!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Không những vậy, thời điểm này, các công ty thường không đảm bảo về thân nhân người giúp việc vì họ chỉ làm vào mùa cao điểm này và đến chủ yếu là để trông trẻ. Những công việc khác như lau dọn, nấu nướng sẽ chỉ thực hiện nếu giúp việc thấy thực tế có thể làm được, chứ không bắt buộc phải làm. Ban đầu, chị Phương cũng khá bất bình trước những “đòi hỏi” này từ phía công ty, nhưng rồi chị cũng phải lựa chọn, bởi không có giúp việc thì nhà chị còn… tanh bành hơn nữa!

Theo khảo sát của phóng viên, giá các công ty dịch vụ giúp việc đưa ra trung bình vào khoảng: Gói giúp việc bình thường là 300.000 đồng/ngày, giá gói cao cấp lên tới 400.000 - 500.000 đồng/ngày chưa bao gồm tiền ăn 3 bữa. Mức giá này đã tăng hơn gấp đôi so với ngày thường. Với gói giúp việc cao cấp, các công ty cung cấp dịch vụ mới đảm bảo về thông tin của người giúp việc. Giúp việc được đào tạo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong nhiều việc, hình thức khá, chăm trẻ khéo… Bố mẹ nào cũng thương con nên nhiều người – với mức lương tầm trung, “xót ruột” chọn gói cao cấp để đổi lại sự yên tâm cho con em mình.

Việc kiếm người giúp việc sau Tết vốn đã rất nan giải vì nhiều gia đình giúp việc không trở lại sau Tết ngay mà đa số các bà các chị về quê ăn Tết dài. Có người cứ tới Tết là nghỉ rồi qua “tháng Ba hội hè” mới lên thành phố tìm việc. Nay lại thêm dịch bệnh, người giúp việc theo đó cũng “chạy làng”, không dám đi làm lại, sợ nhỡ đâu bị lây nhiễm. Ngược lại, gia đình nào có tìm được “osin” mới thì liệu có yên tâm không khi làm sao biết họ đã đi đâu, làm gì để loại trừ khả năng họ mang mầm bệnh trong người? Vậy nên trong thời điểm này, mỗi thành viên trong gia đình phải có ý thức quan tâm lẫn nhau hơn, mỗi người một việc, vừa là một cách san sẻ việc nhà, vừa là để xích lại gần nhau hơn. Chỉ mong sao dịch bệnh này nhanh chóng được dập tắt, mọi thứ đi vào ổn định, cuộc sống gia đình không còn bị xáo trộn quá nhiều nữa.

P. Chi

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.