Trường ngoài công lập: “Khóc ròng” vì Covid-19

Chia sẻ

Nguồn thu không có do học sinh nghỉ học trong khi vẫn phải trả tiền thuê địa điểm, hỗ trợ lương giáo viên, nhân viên… nhiều chủ trường ngoài công lập ở Hà Nội đang đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì không thể cầm cự lâu hơn nữa khi dịch bệnh C

Trường mầm non Nhân Văn phải đóng cửa im ỉm nhiều ngày qua vì dịch bệnhTrường mầm non Nhân Văn phải đóng cửa im ỉm nhiều ngày qua vì dịch bệnh

Mỗi ngày qua đi nỗi lo thêm nặng

“Giờ đây, mỗi ngày qua đi là nỗi lo của tôi thêm dày lên. Tình hình này, chẳng biết bao giờ dịch bệnh mới chấm dứt để hoạt động dạy học bình ổn trở lại” - chị Nguyễn Thị Tuyến, sinh năm 1983, chủ trường mầm non tư thục Nhân Văn, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai rầu rầu cho biết.

Bắt đầu hoạt động từ năm 2018, đến nay, trường mầm non Nhân Văn vẫn đang trong quá trình gây dựng. Lượng trẻ theo học chưa nhiều, theo cô Tuyến, doanh thu hàng năm của trường mới chỉ đủ để bù đắp cho chi phí hoạt động.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trường đón trẻ được 3 ngày (2 ngày cuối tháng 1 và 1 ngày đầu tiên của tháng 2) thì lại đóng cửa đến hiện nay vì dịch bệnh Covid-19. “Ban đầu, tôi cứ nghĩ trẻ nghỉ học chỉ 1 tuần. Vậy mà cứ sau 1 tuần, trẻ lại tiếp tục nghỉ. Theo Quyết định mới nhất của thành phố, học sinh trên địa bàn còn tiếp tục nghỉ tới 15/3, thậm chí lâu hơn nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp”- cô Tuyến chia sẻ.

Không hoạt động, cũng có nghĩa, nhà trường không có nguồn thu nào. Trong khi đó, mỗi tháng, cô Tuyến vẫn phải trả tiền thuê địa điểm. Chưa kể, khi mở trường, trước đó, cô Tuyến còn đầu tư khoảng 200 triệu đồng sang sửa, mua sắm thiết bị dạy học, tủ đồ, đồ chơi cho trẻ. Điều đó khiến cô càng như đang ngồi trên đống lửa.

Để giữ chân giáo viên, thời gian đầu, cô Tuyến chấp nhận vẫn chi trả một khoản trợ cấp nhỏ cho giáo viên. Tuy nhiên, phần vì khoản tiền này khiêm tốn, phần vì lo ngại nếu dịch bệnh còn kéo dài, mức hỗ trợ sẽ tiếp tục giảm do trường không còn đủ kinh phí, mới đây, hai giáo viên đã xin nghỉ việc để tìm việc khác. Cô Tuyến lại thêm nỗi lo khi trường hoạt động trở lại, cô sẽ phải tuyển giáo viên mới trong bối cảnh giáo viên mầm non không phải lúc nào cũng sẵn có như hiện nay.

Trên địa bàn huyện Thanh Oai, nhiều chủ trường mầm non tư thục khác cũng có chung tâm trạng buồn như cô Tuyến. Cô Nguyễn Thị Dịu, chủ trường mầm non Vườn Hạnh Phúc ở xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai chia sẻ: Khi chưa xuất hiện dịch, hàng năm, vào thời điểm sau Tết, trường có khoảng 50-60 trẻ theo học ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, vì dịch bệnh, trường đã phải đóng cửa từ cuối tháng 1 tới giờ. Cô Dịu nhẩm tính, mỗi tháng, cô phải chi trả trên 10 triệu đồng tiền thuê nhà, điện, nước, chưa kể các khoản phát sinh. Dù không có nguồn thu vì trẻ đều nghỉ học, nhưng, trường vẫn cố gắng trả một phần lương cho giáo viên. Ban đầu, cô Dịu dự đoán tình trạng này chỉ kéo dài trong 1-2 tuần. Không ngờ, dịch bệnh lại liên tục có diễn biến mới nên nhiều khả năng trẻ vẫn chưa thể đi học trở lại ngay.

Theo hợp đồng, cô Dịu phải trả tiền nhà 6 tháng một lần. Hàng chục triệu đã bỏ ra, nhưng lại không có tiền thu về. “Có lẽ, tôi chỉ có thể cầm cự được thêm 2 tháng nữa” - cô Dịu cho biết.

Tương tự như vậy, ở nội thành, nhiều trường mầm non tư thục chất lượng cao, tưởng chừng có tiềm lực kinh tế lớn, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng “kiệt quệ” vì dịch bệnh. Chủ một trường mầm non trên phố Thái Hà cho biết, hiện nay mỗi ngày qua đi, là chị mất ít nhất gần 3 triệu đồng. Bởi riêng tiền thuê địa điểm của trường lên tới 150 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản chi phí khác. Vì hợp đồng được ký dài hạn, và dịch bệnh là khách quan nên trường phải chấp nhận tổn thất mà không thể san sẻ với ai, càng không thể kêu gọi cha mẹ học sinh hỗ trợ.

Mới đây, cũng vì khó khăn, tập thể các đơn vị giáo dục ngoài công lập trên toàn quốc, bao gồm 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập (các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) đã gửi đơn “kêu cứu” tới Thủ tướng và các bộ ngành. Bản kiến nghị cho biết, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản. Trung bình chi phí đầu tư một cơ sở ngoại ngữ vừa phải tốn từ 2-5 tỉ đồng và sử dụng ít nhất là 30 lao động. Với khối trường phổ thông tư nhân, chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải (mức học phí 5-10 triệu/tháng), là khoảng 80-200 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn là tiền vay đối với các trường mới xây.

Theo các trường ngoài công lập, họ đang đứng trước một tương lai bất định, không biết khi nào trường, trung tâm, cơ sở giáo dục sẽ được mở, học sinh được đi học. Nguồn thu không có, nhưng tiền lương giáo viên, nhân viên vẫn phải cáng đáng, tiền vay ngân hàng vẫn phải trả, tiền thuê địa điểm vẫn phải thanh toán.

Kiến nghị Nhà nước hỗ trợ

Theo các cơ sở giáo dục, qua khảo sát cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu - chi… Hệ quả là, nếu trường bị phá sản hoặc mất thanh khoản, sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỉ tiền vay ngân hàng không được trả đúng hạn. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc...

Trước khó khăn này, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã đề nghị Nhà nước xem xét và chia sẻ khó khăn chưa từng có mà họ đang phải đối mặt. Trong nhiều phương án hỗ trợ được đề xuất, có nội dung được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội... Đặc biệt là được miễn nộp tối đa các khoản bảo hiểm, thuế, phí, lệ phí trong thời gian nghỉ hoạt động do dịch. Ngoài ra, các trường cũng mong ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Chỉ đạo, khuyến khích, hướng dẫn các ngân hàng chấp thuận các gói vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GD-ĐT, với mức lãi ưu đãi được kỳ vọng là từ 3 - 6%/năm trong năm 2020, 2021.

Ngoài ra, các trường cũng đề nghị công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến, đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy.

Sau khi bản kiến nghị được gửi đi, nhiều tranh luận đã nổ ra. Một số bày tỏ sự thông cảm, chia sẻ với các trường, nhưng số khác cho rằng, dịch bệnh không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của các trường mà còn tác động tới cả nền kinh tế, các ngành, nghề khác nhau. Vì thế, các trường phải chấp nhận tổn thất rủi ro, tự khắc phục thay vì chờ đợi sự hỗ trợ trong bối cảnh Nhà nước đang phải tập trung phòng, chống dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…