Bảo vệ tranh Đông Hồ

Chia sẻ

UBND tỉnh Bắc Ninh đang hoàn thiện hồ sơ khoa học “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đề nghị Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gửi UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Bảo vệ tranh Đông Hồ - ảnh 1

Một tin vui vừa đến trong bối cảnh đời sống văn hóa, giải trí vô cùng ảm đạm do dịch Covid-19. Đó là việc UBND tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thiện hồ sơ khoa học “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đề nghị Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gửi UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Như vậy là sau một thời gian dài tiến hành khảo sát thực địa, thu thập tài liệu nghiên cứu, tổ chức các hội nghị, hội thảo tới nay, tranh Đông Hồ đã được “đặt lên bệ phóng”.

Tuy nhiên, cũng có thể nói ngay rằng, dù rất kỳ vọng, nhưng chúng ta không nên có thái độ trông chờ vào danh hiệu Di sản thế giới như một phép màu để “cứu” di sản. Việc ghi danh của UNESCO nhằm mục đích cao nhất là ghi nhận ý thức giữ gìn di sản của cộng đồng và khích lệ ý thức ấy.

Như vậy trong khi các nhà khoa học, các cấp quản lý phải vất vả xây dựng hồ sơ, tiến hành các thủ tục để trình hồ sơ lên UNESCO; và 3 nghệ nhân hiếm hoi còn lại của dòng tranh Đông Hồ đang phải vật lộn giữ nghề giữa thời buổi cơ chế thị trường, thì chúng ta - những người dân bình thường chẳng lẽ đứng ngoài cuộc?

Trong chúng ta, hầu như ai cũng thuộc câu thơ này “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (trích bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm). Nhưng thử hỏi, đã có bao nhiêu người mua tranh Đông Hồ để treo ở nhà? Nhiều người cho rằng tranh Đông Hồ thường treo dịp Tết, mà cái Tết thì… chỉ vài ngày, ấy là chưa kể, mua về thì biết treo ở đâu cho phù hợp với căn nhà hiện đại?

Tuy nhiên, thắc mắc đó chỉ đúng một phần. Bởi lẽ, tranh Đông Hồ không chỉ treo Tết, mà còn có thể… treo quanh năm. Bởi tranh Đông Hồ có thể chia thành 7 loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt. Người dân xưa mua tranh về treo vào dịp Tết, Trung thu, hay vào các dịp thờ cúng tổ tiên. Theo sách ghi lại ngày xưa mỗi phiên chợ tranh của Đông Hồ có hàng triệu tranh được mang ra bán cho lái buôn, đủ biết sự yêu thích dòng tranh này đã rực rỡ như thế nào.

Tranh Đông Hồ cũng không hề bó hẹp trong nội dung tranh Tết có tính chất thờ cúng, chúc tụng. Trong quá trình phát triển của mình, vào những năm đầu thế kỷ XX, khi xã hội thực dân nửa phong kiến xôn xao Âu hóa, tranh Đông Hồ đã chứng tỏ sức sống dân tộc mãnh liệt của mình khi tham gia vào “thế sự” bằng cách in khắc những bức tranh phản ánh, phê phán thói tục đương thời. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tranh Đông Hồ đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, cổ động… Những bức tranh này đều đã trở thành những di sản quý giá của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Ngày nay, tranh Đông Hồ còn rất nhiều những bức tranh quý có sức sống trường tồn, có thể treo trong các phòng khách, phòng ngủ, hay các tòa nhà hiện đại mà vẫn tạo sự hài hòa, ấm áp. Trên nền giấy dó mộc mạc, quét lên một lớp vỏ điệp (vỏ sò) nghiền nát lấp lánh, rồi dùng chổi thông quét lên để tạo những đường ganh sần-đó chính là chất liệu giấy điệp của tranh Đông Hồ, tinh tế, sang trọng đâu kém gì các loại hình tranh khác?

Vì thế, việc thổi bùng một trào lưu chơi tranh Đông Hồ trong cuộc sống hiện đại là hoàn toàn có thể. Gần đây, nhiều bạn trẻ đang lưu truyền nhau “Top 20 bức tranh Đông Hồ” phù hợp nhất với việc treo tường trong gia đình rất có hiệu ứng. Một số nghệ sĩ trẻ nhiệt tình khai thác chất liệu tranh Đông Hồ vào trong mỹ thuật hiện đại cũng rất được chú ý, nhiều trường học đưa các em học sinh về tham quan, thực hành vẽ tranh Đông Hồ… Tất cả những hoạt động đó góp phần đưa tranh Đông Hồ hiện diện trong đời sống đương đại.

Những nỗ lực xây dựng hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đệ trình UNESCO thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như mong muốn của các nghệ nhân tiếp tục làm tranh và trao truyền nghề truyền thống... Nhưng cũng như các loại hình di sản khác, những nỗ lực đó không thể thay thế cho ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa trong mỗi người Việt Nam. Khi chúng ta thực sự yêu và cùng nhau bảo tồn, phát huy thì di sản văn hoá mới có thể phát triển và hoà nhập vào đời sống hôm nay, tạo nên những giá trị trường tồn mang tính dân tộc.

Mỹ Nguyễn

Tin cùng chuyên mục

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Thu Thuỷ chia sẻ, với vai trò Đại sứ thiện chí chương trình "Phú Thọ - Khát vọng xanh" tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, cô vô cùng vinh hạnh khi được góp phần nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng tới cộng đồng về bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.