Chạy trốn mẹ chồng

Chia sẻ

Lúc nào bà Xuân cũng tự hào nhà có 3 thằng con trai, cao ráo, có ăn học đàng hoàng. Hễ thấy nhà ai toàn con gái là bà lại bóng gió, sau này cô quạnh tuổi già khổ lắm. Cũng vì trọng nam khinh nữ, bà bắt mấy đứa con trai phải đẻ bằng được cháu trai.

Nhà ở Hoài Đức, Hà Nội nhưng thằng cả nhà bà Xuân cưới con bé tận phố cổ. Chúng nó yêu nhau mãi mà bà không cho cưới, vì bà nghĩ con gái phố nó sang chảnh và không hợp vùng ngoại ô. Nhưng 5 năm không chia rẽ được đôi trẻ, bà đành gật đầu đồng ý. Chúng nó có ngay một thằng cu kháu khỉnh cho bà trông nom chăm sóc. Con dâu bà làm ăn giỏi, kiếm tiền khá, việc trông con nó cũng tươm tất, cháo nó nấu sẵn cho bà bón, việc tắm cho cháu bà cũng không phải động tay. Bà chỉ ở nhà trông cháu cho con từ 8h sáng đến 5h chiều. Còn lại con dâu bà một tay quán xuyến. Chỉ mỗi tội nó hay cãi bà. Bà bảo cho cháu ăn cháo pha sẵn hay mua cốc cháo dinh dưỡng là xong, nhẹ tay, nhưng nó nhất quyết tự tay nấu. Hôm nào nó cũng vẽ vời ra cháo thịt bò, cháo cá hồi, cháo tôm sú...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhiều hôm con dâu cả bận, nó nhờ bà Xuân quấy hộ nồi cháo, nguyên liệu nó xay sẵn để trong tủ lạnh, nhưng bà lóng ngóng không nấu được. Bà không nhớ cho cái nào trước cái nào sau, cũng chẳng nhớ cho ít dầu ô liu vào. Thằng cháu ăn không quen miệng như mẹ nó nấu nên khóc không chịu ăn. Bà đánh liều ra ngoài mua cốc cháo dinh dưỡng về nhưng thằng cháu quen ngon miệng nên lắc đầu, ngoảnh mặt. Hôm ấy con dâu và bà cãi nhau một trận ầm ĩ. Nó hậm hực có nồi cháo cũng không xong, bà vụng về và lơ ngơ. Bà tự ái bảo con mày, mày đi mà chăm...

Rất nhiều lần bà Xuân với con dâu khẩu chiến, chủ yếu là cãi nhau vì thằng cháu. Từ ngày con dâu có cháu, bà Xuân và dâu không lúc nào không hậm hực, tự ái lẫn nhau. Hôm thì bà cho nó ngồi lê la ở đường ăn rong, con dâu bất ngờ về trông thấy tức tối ôm luôn thằng bé về. Nó cực lực phản đối chuyện ăn rong nên tỏ ra rất bực bội. Bà Xuân đang vui vẻ với hàng xóm bỗng bị con dâu buông vài câu giữa đường cũng nóng mặt nói lớn: “Ở nhà nó không chịu ăn thì mới cho ra đường, ở nhà thì chết đói à?”… Chuyện chẳng có gì to tát mà lời qua tiếng lại thành nỗi ấm ức của hai thế hệ. Con trai bà quyết định ra ở riêng, mua một chung cư ở Láng Hạ để tách vợ với mẹ chồng. Nó bảo ở xa nhau, đỡ cãi nhau. Thằng con bà lại đứng về phía vợ, bảo vệ vợ đến cùng với suy nghĩ, bà già rồi, biết gì mà trông cháu?! Thế là thằng thứ nhất không ở cùng bà, dọn đi chỗ khác.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thằng thứ hai cũng chẳng ở cùng bà Xuân. Nó lấy vợ mãi tận Lạng Sơn. Hai vợ chồng đổ buôn hàng hóa ở cửa khẩu nên cũng ở luôn quê vợ cho dễ bề làm ăn. Mỗi tháng hai đứa đưa nhau về thăm ông bà nội được ngày Chủ nhật rồi đi thẳng. Bà Xuân bảo với hàng xóm là bà thích thế, đỡ phải trông cháu, bà chỉ ở nhà nhàn nhã đi chùa chiền, du lịch với mấy người bạn qua ngày.

Từ ngày hai con dâu kia đi ở chỗ khác, bà Xuân nổi tiếng là ghê gớm nên con dâu không chịu được, nhưng bà Xuân thấy không buồn. Bà trao hi vọng cho thằng út. “Thôi thì ở với thằng út cũng chẳng sao. Con út bà yêu đứa cùng làng lâu lắm rồi, bà nghĩ bụng, gái thiên hạ chẳng thể nào bằng gái làng. Gái làng đảm đang, tháo vát, dễ bảo, sống cùng nhẹ đầu hơn...”.

Trớ trêu thay, sau khi cưới, vợ thằng út cũng không hợp với mẹ chồng, hơi tí là hai mẹ con khắc khẩu. Hồi chúng mới cưới, bà nghĩ phải lấy uy trước, bà lớn tiếng nhờ con dâu mua này mua nọ, làm này làm kia. Được một tháng, con dâu bảo không thể phục vụ bà. Nó còn bảo bạn bè, đúng là ghê gớm như lời đồn?! Bà tức anh ách mà vẫn phải nhịn, để cố chung sống hòa bình với con trai.

Ngày con dâu út đi đẻ, bà đon đả ra viện chăm, bị con dâu sai làm đủ thứ, hết lấy cho nó cái bỉm lại đến lấy bình sữa. Bà bực bội nói chuyện sao sắm nhiều thế, sao tốn tiền thế, chúng nó lại ca bài bà biết gì mà can thiệp. Cháu ăn gì, uống gì, học ở đâu, chúng nó quản lý hết, bà không có cơ hội “nhúng tay vào”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Con vừa tròn 7 tháng, con dâu út quyết định cho đứa cháu đi mầm non. Rồi chúng nó cũng lấy lý do ra nội thành ở trọ, tiện sinh hoạt và làm việc. Bà Xuân lúc thì nói chưa có nhà cứ bình tĩnh, khi thì khuyên thằng út nghĩ lại. Nhưng vợ nó kiên quyết, rằng sống 6 tháng ở cữ bức bối và không thoải mái sắp bị stress. Thế là căn nhà 5 tầng ngay ngã tư Trôi (huyện Hoài Đức, Hà Nội) trở nên vắng vẻ, đìu hiu với hai thân già cô quạnh.

Hàng xóm có người hỏi cạnh khóe thói trọng nam khinh nữ của bà Xuân: “Có ba con trai mà đứa con dâu nào cũng “chạy trốn mẹ chồng”. Đấy, ba đứa con trai mà vẫn cô đơn tuổi già chẳng khác nhà ông Sơn có ba cô con gái”. Thậm chí, nhà ông Sơn bên cạnh còn có chàng rể tự nguyện về ở cùng, để đỡ đần ông bà, để căn nhà bớt vắng vẻ. Cuối tuần, nhà ấy còn nhộn nhịp tiếng con trẻ, tụ tập ăn uống linh đình lắm. Bà Xuân im thin thít, không nói không rằng. Bà ngậm ngùi vì đã trót “vỗ ngực” đẻ được 3 con trai.

Dịp Tết vừa rồi, bà mua rõ lắm đồ ăn, thuê người dọn tinh tươm nhà cửa để chờ các con về mà chúng nó bận hết cả. Vợ thằng cả mới sinh đứa cháu được 2-3 tháng nên chúng xin phép không về. Thằng thứ hai đi du lịch mãi tận Trung Quốc. Thằng út thì xin phép ăn Tết bên ngoại sau 3 năm đón Tết nhà nội.

Rút cục, căn nhà trống hoác, không tiếng con trẻ, không có ai ăn cỗ. Ba mâm cơm cúng sắp ra rồi lại cất vào tủ lạnh. Chúng nó chúc Tết ông bà qua điện thoại, video call. Ông chồng bà làu bàu, ghê gớm quá, đáo để quá nên chẳng đứa con dâu nào chịu được. “Đấy, chúng nó chạy hết cả lượt, giờ ở với ai?”. Năm nay hai ông bà đón một cái Tết lặng lẽ nhất từ trước đến giờ. Hàng xóm biết ý cũng tạt qua chúc Tết, hàn huyên câu chuyện cho ông bà đỡ buồn.

Nói gì thì nói, bà Xuân vẫn muốn ở cùng con cháu, mà chẳng đứa nào chịu hiểu tính bà. Bà thỉnh thoảng mắng xơi xơi, nói ầm ĩ vậy thôi, chứ bà không có ý đuổi con dâu đi đâu hết…

Minh Anh

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.