Lợi ích quý giá “thời Covid-19”

Chia sẻ

Thời gian đầu, khi các con tạm nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, chị ngại lắm. Bình thường, chị vẫn có tâm lý thích gửi con đến trường để mình yên tâm đi làm. Giờ, hai đứa trẻ ở nhà tự trông nhau, liệu có ổn không?

Hai vợ chồng chị đều là người ngoại tỉnh lên thành phố lập nghiệp. Hai lần chị sinh con là hai lần mẹ chị khăn gói quả mướp lên thành phố đỡ đần chị trong thời gian chị ở cữ. Vì thế, trong đợt học sinh nghỉ học vì dịch bệnh này, chị đã nghĩ đến phương án nhờ bà ngoại lên trông giúp các cháu. Hiềm nỗi, em dâu chị ở quê cũng vừa mới sinh con được một tháng, cũng rất cần có bà ở bên. Nếu chị “điều” bà lên ở với mình thì bà sẽ phải đi cùng hai mẹ con cô em dâu. Nhà chị không sợ đón các em lên chơi bởi thực tế, hè năm nào, họ hàng, anh em ở quê cũng ở nhà chị cả tháng trời. Nhưng, trong tình hình dịch bệnh, chị không muốn mọi người phải đi xa rồi nhỡ khi lại làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì thế, cuối cùng, chị quyết định sẽ tự thân vận động.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trước tuần nghỉ học đầu tiên của các con, chị lên một danh sách những việc phải “chuẩn bị”. Bắt đầu là việc chị đi chợ cho cả tuần. Rồi hàng sáng mỗi ngày, chị dậy từ sớm, cắm cơm, chuẩn bị sẵn thức ăn buổi trưa cho các con. Ngồi làm việc ở cơ quan, chốc chốc, chị lại gọi điện về nhắc con việc nọ việc kia. Nào thì chị lo đánh thức con gái lớn kẻo nó lại ngủ nướng đến trưa. Chị dặn con trai bé đừng có xem phim, youtube, lướt web quá nhiều. Thay vào đó, các con nhớ tranh thủ bảo ban nhau ôn lại kiến thức đã học, khi nào mệt thì đọc sách, truyện giấy.

Trưa đến, chị lại lo kiểm tra xem các con có ăn uống đúng bữa không? Có biết đường hâm nóng lại thức ăn chị đã nấu sẵn cho chúng ban sớm không? Sau đó, chị lại giục con đi ngủ, đến chiều thì ăn bữa phụ, uống nước cam để tăng sức đề kháng phòng dịch bệnh.

Nhưng rồi, không phải lúc nào ở cơ quan cũng vãn việc để chị có thể thảnh thơi gọi về nhà như thế. Hệ quả là, vắng điện thoại của chị là ở nhà mọi việc lộn tùng phèo. Con gái đầu sẽ ngủ quên bữa, con trai út sẽ luôn cắm mặt vào chiếc Ipad. Rồi thì chúng còn gây lộn, cãi cọ nhau. Chiều nào về nhà, chị cũng đau đầu dọn dẹp cả bãi chiến trường mà chúng bày bừa từ phòng khách tới phòng ngủ.

Sang tuần thứ hai, chị quyết định sẽ về nhà vào mỗi buổi trưa để lũ trẻ thấy mẹ không dám “sổ lồng” nữa. Nhà chị chẳng xa, nhưng cũng không quá gần cơ quan. Vì thế, chị chỉ kịp về tới nhà, nhìn thấy các con một lúc, lùa tạm bát cơm vào bụng là lại tới giờ phải đi làm. Cơ quan chị có chế độ kiểm soát giờ làm việc của nhân viên rất nghiêm ngặt. Chỉ cần nhân viên nào quẹt thẻ điểm danh trễ vài chục phút là y rằng cuối tháng sẽ bị trừ lương coi như làm buổi đó không công. Mà chị thì chẳng muốn điều đó xảy ra chút nào.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chẳng thế mà, hai tuần con nghỉ học là cả hai tuần chị bơ phờ trông thấy. Chị lúc nào cũng hấp tấp vội vàng, lại còn rơi vào cảnh bị phân tâm, không thể tập trung vào việc vì cứ lo không biết các con ở nhà như thế nào, đang làm gì, có nghe lời chị sắp đặt không.

Một tối, chị than thở với chồng: “Em mệt quá rồi. Tình hình này chẳng biết bao giờ hết dịch để trẻ con đi học lại. Nếu các con nghỉ học thêm, em chưa ốm vì dịch thì đã ốm vì kiệt sức mất”.

Nghe chị nói vậy, chồng chị đáp: “Là tại em tự buộc khó vào mình. Em không nghĩ là các con đã lớn, có thể tự lập, lo thân được rồi. Em đừng cố gắng làm thay con, nghĩ thay con, lo thay cho con nữa. Em nghe anh đi, rồi em sẽ thấy mọi việc vẫn đâu vào đó, thậm chí còn tốt hơn”.

Đêm đó, chị nằm suy nghĩ về lời khuyên của chồng rồi cũng quyết định thử làm theo.

Và thế là ngay hai ngày nghỉ cuối tuần đó, chị bắt đầu gọi các con vào bếp, dạy chúng nấu ăn. Con trai út còn nhỏ tuổi, chị cho nó tập cắm nồi cơm điện. Chị dạy con từ cách đong gạo phù hợp với số người ăn, vo gạo sao cho đúng, cách cho nước, cắm nồi cơm, sau khi ăn xong thì rửa bát thế nào cho sạch. Thằng bé run run, vụng về làm theo nhưng gương mặt tỏ rõ sự thích thú. Nhìn con, chị không nghĩ nó lại vui khi được tự tay nấu cơm cho gia đình như vậy. Còn với con gái lớn, chị dậy con nấu những món ăn khó hơn. Chị chỉ cho con cách dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng để giảm nguy cơ bị lây nhiễm virus Covid-19. Chị còn giao hẹn ở nhà hai đứa trẻ phải tự giác học bài, đọc sách. Từ nay, chị sẽ không thường xuyên gọi điện về nhắc nhở nữa mà chuyển sang cách giám sát khác.

Chị sắm cho các con chiếc bảng to để các con tự tay kẻ thời khóa biểu, giờ giấc sinh hoạt trong ngày cùng lời căn dặn của chị. Và thế là, chỉ cần nhìn vào đó, các con sẽ biết mình cần phải làm những việc gì.

Ảnh minh họaẢnh minh họa 

Tất nhiên, sang tuần thứ ba nghỉ học, hai đứa trẻ cũng mất mấy ngày đầu chệch choạc. Nhưng rồi dần dần thì đâu cũng đã vào đó. Cứ đến trước giờ trưa, con trai chị lại tự giác lấy gạo thổi cơm, con gái nấu thức ăn. Đến chiều, chúng biết tự học bài, sau đó chia nhau đứa quét nhà, đứa lau nhà sạch sẽ. Chúng biết, nếu không làm, tối về chị sẽ kiểm tra và trách phạt. Chị thì đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khi chưa mạnh dạn giao việc cho con, chị còn lo chúng không biết làm, rồi dễ bị bỏng khi nấu ăn, làm đổ vỡ đồ đạc lúc dọn nhà… Nhưng, hóa ra, nếu không giao việc thì chẳng bao giờ chúng có kỹ năng để làm.

Đúng như chồng chị nói, từ ngày các con vào nề nếp, chị bỗng nhẹ tênh. Không còn những buổi sáng chị phải dậy sớm lọ mọ nấu ăn. Chị chẳng phải lo gọi điện về nhà nhắc nhở các con. Giờ đây, chị đã có thể an tâm đi làm cả ngày.

Trước đây, chị nghĩ, các con nghỉ học là điều đáng sợ. Nay, chị hiểu rằng, hoàn toàn có thể biến điều bất lợi thành có lợi. Từ ngày các con ở nhà, chúng đã dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Chúng hiểu những công việc không tên mà chị đã phải làm để chăm lo cho gia đình bao nhiêu năm qua. Hai chị em cũng gắn bó, chơi đùa cùng nhau thay vì chỉ gặp nhau chốc lát vào buổi tối bởi cả ngày đều mải miết đi học. Còn chị, cũng rút ra được những bài học về cách dạy con tự lập. Chị thấy các con không hề mải chơi, vô tâm với gia đình như chị từng lo lắng. Chúng cũng ngoan ngoãn, biết nghe lời, đảm đang, khéo léo, chỉ là chị chưa nhìn ra và biết khơi gợi ở các con thôi.

Thật may là chị đã nghe chồng mà “sửa sai” kịp thời.

Thái Thị Thu

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.