Vẻ đẹp của lòng dũng cảm
(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Trong phần thi Người đẹp Nhân ái, Zainab đã chia sẻ trải nghiệm đau đớn từ khi còn là một cô bé 7 tuổi. Theo lời cô, trong một ngày bình thường đang chơi đùa cùng bạn bè, cô bất ngờ bị đưa vào một căn phòng kín, nơi ba người phụ nữ không có chuyên môn y tế đã thực hiện thủ tục cắt bỏ toàn bộ âm vật và môi âm hộ bằng dao lam. Cô không được gây mê, không có bất kỳ biện pháp y tế nào hỗ trợ và vết thương chỉ được khâu lại sơ sài để duy trì chức năng bài tiết cơ bản. Sau đó, cô còn bị trói chặt chân và nhốt nhiều ngày trong phòng tối để “hồi phục”.
Trong thời gian đó, cô chỉ biết cầu nguyện và mong mình không thiệt mạng như nhiều bé gái khác. Ký ức đó kinh hoàng đó đã kết thúc tuổi thơ và để lại vết sẹo không chỉ trên cơ thể mà cả tinh thần của Zainab. Tuy nhiên, thay vì giữ im lặng, Zainab đã chọn cách chia sẻ câu chuyện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Cô cho biết, ở Somalia, ước tính có tới 98% phụ nữ đã trải qua FGM. Tỷ lệ còn lại chủ yếu là các bé gái chưa đến tuổi bị thực hiện hủ tục.

Chủ tịch tổ chức Hoa hậu Thế giới – bà Julia Morley đã bước lên sân khấu ôm cô và bày tỏ sự cảm phục. Theo Zainab, cô không thể thay đổi quá khứ nhưng sẽ dùng tiếng nói của mình để tạo nên sự thay đổi trong tương lai. Việc tham dự cuộc thi quốc tế là cơ hội để cô truyền đi thông điệp mạnh mẽ, khơi dậy nhận thức toàn cầu về vấn đề vẫn còn bị xem nhẹ này.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố tháng 3/2024, hơn 230 triệu phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới là nạn nhân của FGM – tăng 15% so với năm 2016. Trong đó, châu Phi chiếm hơn 144 triệu người, tiếp theo là châu Á và Trung Đông. FGM bao gồm việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ âm vật và môi nhỏ âm hộ, thường không có điều kiện y tế an toàn. Hậu quả có thể bao gồm nhiễm trùng, vô sinh, biến chứng thai sản hoặc tử vong.
Thông qua tổ chức Female Initiative Foundation, Zainab Jama đã triển khai nhiều hoạt động tại các vùng nông thôn Somalia, tổ chức hội thảo, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và vận động cộng đồng thay đổi nhận thức. Cô nhấn mạnh, cần phải chấm dứt việc xem đau đớn là điều "bình thường" với phụ nữ, và việc im lặng không thể giúp bảo vệ các bé gái khỏi tương lai bị tước đoạt quyền con người cơ bản.
Mặc dù không giành được vương miện cao nhất, nhưng câu chuyện và hành trình của Zainab đã lan tỏa mạnh mẽ, chạm đến hàng triệu trái tim khán giả toàn cầu. Cô chứng minh rằng, người đẹp không chỉ là biểu tượng của sắc vóc, mà còn có thể là ngọn đuốc soi đường cho những thay đổi tích cực trong xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh các mô hình trí tuệ nhân tạo và truyền thông toàn cầu phát triển mạnh, câu chuyện của Zainab Jama được chia sẻ rộng rãi, góp phần đưa vấn đề FGM ra khỏi “bóng tối” và trở thành đề tài đối thoại toàn cầu.
Với cam kết kiên định, Zainab tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền được sống lành mạnh, tự do và không đau đớn của các thế hệ phụ nữ sau cô. “Tôi muốn các bé gái biết rằng các em xứng đáng được yêu thương, được học hành, và có quyền mơ ước. Không ai có thể lấy điều đó khỏi các em chỉ vì một truyền thống vô nhân đạo”, cô nói tại một diễn đàn sau cuộc thi.
Vượt lên trên một cuộc thi sắc đẹp, Zainab Jama đã trở thành biểu tượng của sức mạnh vượt lên nghịch cảnh, là tiếng nói kiên định chống lại bất công và là minh chứng sống động cho khả năng thay đổi thế giới từ một câu chuyện cá nhân.