Điều may mắn cho dâu cả

Chia sẻ

Dâu cả nhà người ta thì đảm đương, đứng ra vun vén đại gia đình để các em dâu trông vào. Đằng này, dâu cả nhà bà Bình chỉ giỏi suy bì, tị nạnh, là trung tâm rắc rối trong nhà.

Dâu cả nhà bà có ăn có học đàng hoàng, tuổi tác cũng lớn hơn hẳn so với các dâu thứ. Hồi đầu, bà cũng mơ sau này sẽ cậy nhờ dâu cả. Song, càng ở lâu, bà lại càng thất vọng. Nếu nhà bà nhiều công to, việc lớn, một năm dăm bảy lần giỗ chạp đã đành. Đằng này, chồng bà cũng chỉ yêu cầu con cháu tụ họp đông đủ vào 4 ngày giỗ chính của ông bà hai bên nội ngoại, còn lại giỗ ông bác, bà cô, ông cố thì vợ chồng bà chỉ làm đơn giản, cốt thành tâm, nếu giỗ vào ngày thường thì con cháu vẫn cứ an tâm đi làm, buổi trưa không phải về dự.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi lấy ông nhà, bà Bình cũng phải làm dâu. Mà mẹ chồng bà nghiêm khắc, quy củ lắm. Nhớ những ngày đó, trời mới tờ mờ sáng bà Bình đã bị mẹ chồng gọi dậy làm việc nhà vì “con gái ngủ muộn là rất xấu”. Mỗi ngày, mẹ chồng chỉ phát cho bà mấy đồng bạc để bà đi chợ, lo cơm cho cả đại gia đình hơn 10 người. Tiền còn thừa cuối ngày bà phải đưa lại mẹ chồng, cấm được giữ lại đồng nào. Cơm nước xong xuôi bà lại quay sang dọn dẹp nhà cửa, hầu chuyện bố mẹ chồng. Khi nào bố mẹ chồng cho về phòng riêng mới được lui.

Vì thế, bà Bình rất hiểu nỗi vất vả, lo lắng của con dâu khi về nhà chồng. Bà chẳng muốn để con dâu phải khổ như mình thủa xưa. Bà cũng biết, thời nay đã khác rồi. Các cô con dâu ngoài việc nhà, còn phải lo việc xã hội. Các con cũng có trăm mối lo. Dạo còn khỏe, bà Bình vẫn đứng ra lo liệu tất cả trong ngày giỗ chạp. Các con dâu chỉ cần đóng góp tiền cho bà lo việc chung theo khả năng, ai có điều kiện đóng nhiều, có ít đóng ít, mà đang khó khăn thì không đóng góp cũng được. Nhưng, vài năm gần đây, sức khỏe của bà yếu dần, mắt mờ, bước đi chậm chạp. Đến nấu bữa cơm thường cho hai vợ chồng bà còn thấy mệt nữa là làm cơm cúng giỗ. Vì thế, bà liền gọi dâu cả tới để bàn giao cho con trọng trách cúng giỗ tổ tiên.
Từ đó trở đi, 4 năm với 16 lần giỗ là 16 lần chị em trong nhà hục hặc với nhau. Chẳng là dâu cả nhà bà không chịu làm hơn các em bao giờ. Dâu cả lấy lý do tuy mình là chị, nhưng, chưa từng được bố mẹ chia phần hơn so với các em. Vì thế, xét về trách nhiệm, dâu cả cũng không thể gánh hơn so với các dâu thứ. Mâm cơm giỗ có 6 món, dâu cả rất rành rẽ mỗi cô dâu làm 2 món. Dâu cả lại nhanh chân, chọn làm toàn món vừa đơn giản, vừa nhanh gọn. Các món phải gói, cuộn, xào rán cầu kỳ thì dâu cả… nhường cả cho các em dâu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuối cùng, thấy việc để các nàng dâu tự nấu cỗ không ổn, bà Bình liền mở lối, chấp nhận cho các con đặt hàng bên ngoài cho tiện. Bà cứ nghĩ người khác nấu mang tới, các nàng dâu chỉ việc sắp xếp bày lên ban thờ thì có gì nặng nhọc đâu mà so đo. Ấy vậy mà cũng lại nảy sinh tình huống mới. Đó là dâu cả lại tính toán chi li từng khoản trong ngày giỗ để chia đều cho các em. Dâu cả chẳng chịu đóng hơn một chút nào. Năm ngoái, cô dâu út làm nhà, bà Bình có một chút tiền dưỡng già liền bớt ra một phần hỗ trợ dâu út. Dâu cả biết được, tị nạnh ngày trước, bà cũng cho vợ chồng dâu cả chút vốn làm ăn, nhưng, không nhiều như bà vừa cho dâu út. Bà Bình buồn lắm, bởi trong lòng bà, con nào cũng là con. Tùy từng thời điểm, từng điều kiện mà cho được con bao nhiêu bà sẵn lòng cho từng đó. Mà trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng có thể ngang bằng sổ thẳng được. Kể cả bà có cho con cả ít hơn thì cũng là lọt sàng xuống nia, anh em trong nhà cả chứ đi đâu mà sợ thiệt.

Bà đã nói với dâu cả như thế nhưng xem ra cô chẳng thông. Từ đó, cô thay đổi thái độ, cứ khi nhà có việc cần sự chung tay góp sức của mấy gia đình là dâu cả đòi dâu út phải đóng phần nhiều hơn mình. Rồi cả lần bà Bình bị ốm phải nằm viện, dâu cả vào thăm nhưng quyết không đi đóng viện phí cho bà. Ý của cô là dâu thứ được bà cho nhiều thì phải thể hiện trách nhiệm với mẹ chồng cho xứng đáng. Số tiền dâu thứ chi ra đóng viện phí, cũng chỉ bằng một phần nhỏ số tiền mẹ chồng cô cho.

Dâu cả nhà bà còn có tính hay chành chọe, buôn dưa lên, can thiệp vào gia đình nhà khác. Chỉ cần thấy em trai chồng có thu nhập cao, là dâu cả không bằng lòng, tị nạnh em dâu số sướng. Sau đó cô về nhà giận dỗi, hậm hực, dậm chân, dậm cẳng với chồng không cho cô cuộc sống như người ta. Tị nạnh chán, tủi thân chán, dâu cả bóng gió, đặt nghi vấn hay là vợ chồng em lại được nhà chồng dấm dúi thứ gì mà qua mặt mình. Có lần, cô còn nói bà Bình muốn làm gì cũng phải tính đường lui. Nhỡ ra có ngày vợ chồng cậu em cãi nhau, ly hôn thì bà Bình mất trắng của nả.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cứ như thế, mỗi lần nghĩ đến dâu cả mà bà Bình đau đầu. Bà nghĩ, dâu cả muốn được các em tôn trọng, nhà chồng ghi nhận thì phải biết đường ứng xử, chấp nhận hy sinh một chút, chịu thiệt thòi một chút. Chứ làm chị đâu phải chỉ nhờ vào việc mình hơn tuổi các em.

Một lần, dâu cả nhà bà trên đường đi làm về, không may bị tai nạn giao thông, rạn xương hông. Dâu cả chẳng đi đâu được ngoài việc phải nằm trên giường mấy tháng trời. Việc nhà, việc cửa, rồi chăm lo ăn uống, đưa đón các con dâu cả ra điều nhờ cả ở mẹ chồng. Nhưng, bà Bình thì yếu, lo giúp dâu cả được 1, 2 ngày cũng lăn ra bị tiền đình.

Cuối cùng, mọi việc liền đến tay hai cô dâu thứ ở gần đó. Các cô thay nhau hàng ngày một cô nấu cơm đưa sang nhà cho chị dâu, một cô đi đón các cháu, cho chúng tắm rửa, ăn uống. Bà biết dâu cả ban đầu cũng ngại, nhưng chẳng có cách nào khác đành phải chấp nhận. Dâu cả cứ ngóng việc mình sẽ bị các em dâu nhòm ngó, xì xào, rồi ra lườm vào nguýt. Thế nhưng, được cái hai cô dâu thứ rất biết điều, nghĩ rằng nhà chị cả có việc thì cũng như việc nhà mình.

Một thời gian sau, qua sang chơi thăm dâu cả, trong câu chuyện, dâu cả không còn nói xấu các em dâu với bà nữa. Cô còn kể khi nào mình khỏe lại sẽ mời cả đại gia đình tới nhà ăn liên hoan, mừng cô tai qua nạn khỏi thay vì cứ càu cạu, tính toán chi li từng đồng từng hào vì sợ thiệt thòi.

Bà Bình không nói gì, vì sợ cô dâu cả ngượng. Nhưng trong lòng bà trộm nghĩ, thôi thì trong cái rủi cũng có cái may. Nếu không như thế này, đến bao giờ dâu cả nhà bà mới hiểu ra, chữ tình còn quan trọng hơn chữ tiền nhiều.

Bảo Châu

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.