Cha mẹ cần biết nhìn nhận "nỗi khổ" của con trẻ

Chia sẻ

Cháu trai ấy mới đang học lớp 9 của một trường THCS có tiếng trong thành phố. Trước đây, cháu học tốt, chăm chỉ, ngoan ngoãn, gia đình không phải bận tâm gì.

Cháu trai ấy mới đang học lớp 9 của một trường THCS có tiếng trong thành phố. Trước đây, cháu học tốt, chăm chỉ, ngoan ngoãn, gia đình không phải bận tâm gì. Nhưng từ đầu năm học lớp 9 đến giờ cháu đã có những thay đổi khiến bố mẹ lo lắng, sợ cháu không thể vào lớp 10 công lập năm tới.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đầu tiên là cháu chán học, kết quả học tập kém tới mức cô giáo phải gọi điện trao đổi với bố mẹ. Khi trao đổi với con trai, bố mẹ cháu nhận được lời giải thích: “Học những kiến thức vô bổ, con không thích. Đấy, mẹ là học sinh chuyên Toán ngày xưa, nhưng ra trường, đi làm, có bao giờ mẹ dùng đến những kiến thức ấy đâu. Bố cũng thế, học chuyên tiếng Pháp, rồi sau này cũng phải đi học thêm tiếng Anh, giờ cũng chẳng dùng tiếng Anh hay tiếng Pháp, vậy mà bao nhiêu năm miệt mài học đến mức cận thị. Nay lại phải đi học bập bẹ tiếng Hàn mới phục vụ công việc được. Con sẽ chỉ học những gì con thấy cần thiết sau này”. Khi hỏi con rằng mới đang học lớp 9 mà đã không học những môn cơ bản thì làm sao có thể thành công trong cuộc sống sau này. Cháu khoe cháu đã học được cách thiết kế các phần mềm trình chiếu, dùng cho các bài thuyết trình, giảng dạy, các bạn “lác mắt” và giáo viên Tin học cũng khen. Cháu còn nói cháu dự định học cách làm Vlog, sẽ kiếm tiền được từ kênh Youtube, sẽ nổi tiếng. Cháu cũng có dự định theo nghề đá bóng, cứ như anh Quang Hải, anh Văn Hậu, chẳng cần giỏi Toán, Văn, Anh, chỉ cần “đá vào gôn một quả” kiếm vài trăm triệu, bằng lương bố mẹ mấy năm. Cháu cũng đã tải về một vài kịch bản hài, đóng cửa tập, dự định đi thi “Thách thức danh hài”, bởi nhiều người đi thi “vớ va vớ vẩn” tí mà được cả trăm triệu. Cháu còn viện dẫn bao nhiêu trường hợp không học giỏi mà cũng thành đạt, kiếm nhiều tiền, tại sao bố mẹ cứ bắt con phải học những điều vô bổ?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bố cháu tức giận, mẹ cháu giảng giải, cháu vẫn không nghe, vẫn cùng lúc theo đuổi “mấy thứ vớ vẩn”. Bố cháu đã đánh cháu, rồi cấm không cho cháu dùng máy tính vào những việc không liên quan đến học tập. Mẹ cháu thì tìm cách “nói xấu” những thần tượng của cháu. Nào là “việc kiếm tiền bằng cách làm Vlog không dễ, đồng thời cũng chỉ là ăn xổi, chạy theo thị hiếu tầm thường của cư dân mạng”, nào là “đá bóng cũng còn do thể lực và ăn may, chứ ai đá bóng cả đời, đồng thời gia đình mình là trí thức, không lẽ con cái học hành không đến nơi đến chốn, lại đi đá bóng?”. Nói nặng cháu không nghe, phân tích điều hơn lẽ thiệt, cháu cũng không lay chuyển, còn nói rằng nếu bố mẹ ép buộc con quá, con sẽ bỏ học…

Cả hai vợ chồng tìm đến văn phòng tư vấn vào dịp sát Tết, nói rằng muốn thay đổi con từ học kỳ hai, kẻo vài tháng nữa là hết cấp, phải thi vào 10, cả nhà lo lắm, có khi mất Tết.

Nhận thấy đây là quá trình “tự chuyển hóa nhận thức” của một học sinh ở tuổi mới lớn, dưới tác động của ngoại cảnh, của xã hội, trong đó có vai trò của truyền thông và mạng xã hội. Không phải chỉ có “em bé” này mới có những suy nghĩ chán học, muốn làm một cái gì đó để nổi tiếng và có tiền không qua con đường học hành. Để thay đổi một hướng suy nghĩ về cuộc sống, không thể ngày một ngày hai, càng không thể dùng các biện pháp cưỡng bức, áp đặt hay dụ dỗ như dụ trẻ con. Để giúp con thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống, cần có kỹ năng, có nghệ thuật…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trước tiên, muốn gây ảnh hưởng tới ai, chúng ta phải đứng về phía họ, chứ không tuyên chiến. Cha mẹ cần công nhận rằng có nhiều con đường để thành công, phải thừa nhận những người kiếm tiền được từ việc làm Vlog, tham gia sân khấu hài hay đá bóng… là những người giỏi. Tốt nhất không chê bai thần tượng của con.

Thứ hai, hãy lắng nghe con trình bày “các dự án” của nó, phân tích, phản biện, chỉ ra những điều con “có thể” và “khó có thể” thực hiện được. Cùng con lựa chọn một hay hai “dự án” để thực hiện trước, gọi là “thí điểm”. Đồng thời thỏa hiệp với con, sao cho con không bỏ học, duy trì học tập ở mức chấp nhận được, không kỳ vọng một học sinh đã chán học “bỗng nhiên” lại trở thành học sinh giỏi. Để học giỏi phải có niềm say mê, tự giác, tự ý thức tầm quan trọng của việc học. Chẳng hạn, cha mẹ đồng ý cho con vừa duy trì việc học trên lớp, không bỏ bê tới mức bị thầy cô và nhà trường nhắc nhở, phàn nàn. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho con theo đuổi đam mê “thiết kế phần mềm trình chiếu” hoặc thử làm một vài clip đăng lên youtube, chưa cần tạo kênh Vlog riêng. Cha mẹ có thể hướng dẫn, hoặc cùng con thực hiện những công việc cháu say mê, rồi nhắc cháu phải đưa sản phẩm ra xã hội, tức post lên mạng để lấy ý kiến đóng góp của mọi người.

Cháu còn ít tuổi, chủ quan, nghĩ sao làm vậy, tưởng mọi thứ dễ dàng, nhưng nếu cháu đăng lên mà không có hoặc ít người yêu thích, nhiều người chê bai, góp ý… cháu sẽ thay đổi cách đánh giá về khả năng của mình. Còn nếu những việc cháu làm được ghi nhận, có chút thành công nhất định, thì cha mẹ định hướng cho con học hành để sau này có kiến thức, kỹ năng, hiểu biết… ra sản phẩm tốt hơn.

Cha mẹ cậu bé nói “nghe cũng có lý”, nhưng họ lo con họ là con nhà “trí thức”, lại nhiều năm học khá, nếu năm tới không được vào lớp 10 công lập, họ sẽ rất xấu hổ với anh chị em và đồng nghiệp. Đến đây, vấn đề lại là của người lớn, chứ không phải của con trẻ. Bớt cầu toàn, dám chấp nhận và đồng hành cùng con, hãy vui mừng khi mình mong A mà chỉ được B, còn hơn mất tất cả. Hãy nhìn nhận nỗi khổ của con trẻ khi vừa phải chịu sức ép “phải học giỏi” với những tác động đa chiều từ ngoại cảnh, từ xã hội. Nếu con không bỏ học, vẫn tốt nghiệp THCS, vẫn đỗ vào một trường THPT ngoài công lập nào đó cũng được chứ sao? Trường ngoài công lập giờ đây cũng có nhiều loại, có loại “cao cấp” tới mức phải thi điểm cao mới đỗ. Việc con nhà trí thức, học giỏi nhiều năm liền mà vẫn chọn trường ngoài công lập để học nhiều lắm, đừng mang những suy nghĩ đã cũ về hệ thống các trường học hiện nay mà gây sức ép cho con quá mức, có khi con mệt quá mà buông đấy!

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.