Hà Nội bảo đảm đủ hàng hoá cung ứng, người dân an tâm

Chia sẻ

Sau Chỉ thị của Thủ tướng về cách ly xã hội 15 ngày từ 0h ngày 1/4, chiều 31/3, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích và chợ dân sinh tại Hà Nội, lượng người mua sắm đông hơn trước, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, đồ khô...

Các quầy hàng ở chợ Thành Công đáp ứng đủ nhu cầu người dânCác quầy hàng ở chợ Thành Công đáp ứng đủ nhu cầu người dân

Tại điểm bán của hệ thống siêu thị Vinmart trên phố Lương Khánh Thiện, quận Hoàng Mai, từ chiều ngày 31/3, lượng khách mua hàng tăng hơn so với những ngày trước. Hầu hết khách hàng đến siêu thị đều đeo khẩu trang. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất trong chiều nay là rau xanh, thịt tươi sống, sữa, bánh... Chị Nguyễn Hồng Nga ở ngõ 51, phố Lương Khánh Thiện, Hà Nội - cho biết: nhà có trẻ nhỏ và người cao tuổi nên chị mua thêm một số mặt hàng thực phẩm khô cho yên tâm và để hạn chế di chuyển nhiều ra đường.

Tại một số siêu thị khác như Big C, Intimex... chiều nay (31/3) cũng ghi nhận lượng người đến mua hàng đông hơn mọi khi. Các mặt hàng như rau xanh, trứng, thịt, các loại bánh mỳ, bánh ngọt... được tiêu thụ mạnh. Người dân đến mua hàng đều có ý thức phòng bệnh, đeo khẩu trang, thậm chí có người cẩn thận đeo kính trắng hoặc sử dụng tấm chắn trong suốt bên ngoài. Không khí mua sắm tấp nập nhưng không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Bác Hồ Thị Hà ở phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm - cho biết: "Tôi mua thêm mỗi loại một ít để dùng cho 1-2 ngày tới chứ không có tâm lý tích trữ quá nhiều, hàng hoá thực phẩm luôn được ưu tiên cung cấp nên tôi yên tâm, một vài hôm tới, cần gì lại ra siêu thị mua, vừa tươi ngon vừa đỡ khổ".

Trước nhu cầu mua sắm tăng nhanh, nhiều siêu thị vừa tăng cường nhân viên chuyển hàng ra kệ vừa liên tục thông báo trên loa về thời gian mở cửa, lượng hàng cung ứng, khuyến cáo người dân giữ khoảng cách an toàn (cách nhau 2m) khi mua sắm, chờ thanh toán để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.  

Lượng người mua hàng tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội cũng tăng. Đến 16h chiều nay, tại một số  chợ như chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy; chợ Nhân Chính, quận Thanh Xuân; chợ Bắc Qua, quận Hoàn Kiếm... nhiều quầy rau xanh, thực phẩm đều hết hàng, giá cả tăng nhẹ so với những ngày trước đó. Chị Lê Thị Mây ở huyện Thường Tín cho hay: thường thì chị không bán hàng buổi chiều nhưng mấy hôm tới sẽ nghỉ bán hàng để phòng chống dịch, hạn chế đi lại nên chiều nay, chị cắt thêm đợt rau mới vừa bán thêm cho khách quen. Gánh rau chiều, chị Mây nhờ thêm con gái bán cùng để tránh trường hợp khách hàng túm tụm đông, không đảm bảo an toàn sức khoẻ cho mình lẫn những người xung quanh. 

Trước những biến động của thị trường, nhằm hạn chế tình trạng găm hàng tăng giá, Sở Công thương đã đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu các đội quản lý thị trường tại quận, huyện thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình thị trường, cung cầu các nhu yếu phẩm; thành lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ, găm giữ hàng, vi phạm về giá bán, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm… khi dịch bệnh diễn ra.

Cơ quan chức năng kiểm tra và hướng dẫn siêu thị xếp hàngCơ quan chức năng kiểm tra và hướng dẫn siêu thị xếp hàng

Về nguồn cung hàng hoá, trao đổi với phóng viên chiều 31/3, Phó giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan khẳng định: trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương đã chủ động triển khai các giải pháp ổn định thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân với giá cả ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến. Đối với các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, Sở Công thương yêu cầu bố trí hàng hoá đầy đủ trên các kệ, trong kho, tính toán và xây dựng phương án vận chuyển hàng hoá từ các kho của hệ thống vào siêu thị đảm bảo nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất.

Theo đại diện của một số doanh nghiệp, nhà phân phối, TP Hà Nội đã cấp phép cho các phương tiện vận tải hoạt động 24 giờ/ngày và 7/7 ngày để tăng cường vận chuyển hàng hóa trong nội thành và từ các tỉnh về thẳng kho hàng của đơn vị phân phối đã tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống phân phối, đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân. Với hệ thống đường giao thông được nâng cấp, phương tiện lưu thông thuận lợi như hiện nay, chỉ mất từ 2-3 tiếng đồng hồ là hàng hóa, nông sản từ các tỉnh lân cận trong khu vực phía Bắc đã được chuyển về Hà Nội.

Lãnh đạo Sở Công thương cũng nhấn mạnh: TP Hà Nội đã xây dựng các kịch bản với 5 cấp độ bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho người dân. Trong đó, cấp độ 1 là có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn; cấp độ 2 là khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn; cấp độ 3 là  có từ 20 đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên và có nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện; khi đó nhu cầu mua hàng tăng cao (từ 50% đến 100%) so với ngày bình thường. Ở cấp độ 1, 2, 3, Sở chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng;  Sở Công thương Hà Nội cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để đưa về Hà Nội.

Cấp độ 4 là trên địa bàn có hơn 1.000 - 3.000 trường hợp mắc bệnh, 30 quận huyện đều có khu cách ly; khi đó nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày. Cấp độ 5 là  có từ hơn 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc bệnh khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân TP có nguy cơ lây nhiễm cao; khi đó người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm, lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trên địa bàn tăng đột biến. Đối với hai cấp độ này, TP sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối dồn tổng lực hàng hóa về địa bàn Thủ đô; mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán trên các quận, huyện, thị xã; cần thiết lập thêm các kho dã chiến; Sở Công thương chủ động cùng các doanh nghiệp liên hệ với các tỉnh, thành đưa hàng hóa về Hà Nội phục vụ nhân dân trong thời gian ngắn nhất.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.