Chuyện về những chiến sĩ hoãn cưới, nén nỗi đau tang gia... ở lại đơn vị chốt chặn phòng dịch

Chia sẻ

Hơn 3 tháng qua, dọc những nẻo đường biên cương, trên 5.000 chiến sĩ đã không quản gian khó, ngày đêm canh gác, không để dịch bệnh lây qua đường biên giới. Nhiều chiến sĩ đã hoãn đám cưới, không về dự tang cha… ở lại đơn vị cùng đồng đội chống dịch.

Trên dọc tuyến biên giới đất liền, trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, các đơn vị bộ đội biên phòng (BĐBP) đã tổ chức hàng ngàn tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, không để dịch bệnh lây truyền qua biên giới; chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả tích cực.

Hàng trăm cán bộ, học viên, chiến sĩ các nhà trường và các đơn vị tuyến biển đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh điều động của Bộ Tư lệnh, tăng cường phối hợp với các đơn vị trọng điểm trên tuyến biên giới tham gia phòng, chống dịch bệnh… 

Hết dịch... sẽ về quê tổ chức đám cưới

Vì có ý định làm đám cưới nên dịp Tết Canh Tý 2020, Thượng úy Lê Văn Huấn - Đội trưởng Trinh sát, đồn biên phòng (ĐBP) Mô Rai, BĐBP Kon Tum xin phép đơn vị về quê đón Tết, cũng là để tranh thủ chụp ảnh cưới, chuẩn bị cho hôn lễ dự kiến tổ chức trong tháng 4/2020.

Thượng úy Lê Văn Huấn cùng vợ sắp cưới.Thượng úy Lê Văn Huấn cùng vợ sắp cưới. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, sau khi trở lại đơn vị, trước yêu cầu của công tác phòng chống dịch Covid-19, Thượng úy Huấn cùng đồng đội phải bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ, có mặt tại các điểm chốt, kiểm tra, kiểm soát mọi đường mòn, lối mở, ngăn chặn người dân vượt biên trái phép qua biên giới.

Ngày 25/3/2020 tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ và động viên cán bộ chiến sĩ BĐBP: “Ngay mùa dịch Covid-19 này, lực lượng BĐBP cũng vất vả lắm, phải ngủ lán trại ngay đường mòn, lối mở. Đồn là nhà, mà có được ở trong đồn đâu”.

ĐBP Mô Rai đứng chân trên địa bàn huyện Ia H`Drai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, phụ trách khu vực đường biên tiếp giáp Campuchia; lại có địa hình đồi núi hiểm trở, cư dân thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác kiểm tra, kiểm soát vùng biên cũng như tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 của cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn.

Từ thời điểm đầu tháng 3 trở lại đây, khi dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, lượng người qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia có sự biến động, công tác tuần tra khó khăn gấp bội. Anh em chiến sĩ ĐBP Mô Rai, trong đó có Thượng úy Huấn phải ăn ngủ tại lán trại dựng ngay ven đường nơi người dân đi lại, hoặc dọc tuyến đường mòn, lối mở; quân số trực chiến 100%, 24/24 giờ. Đồng thời, hàng ngày các chiến sĩ phải phối hợp với y yế, công an, dân quân, công an xã gõ cửa từng nhà để tuyên truyền tới người dân về cách phòng ngừa dịch, đóng cửa các quán làm dịch vụ không cần thiết.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, những ngày này, cán bộ chiến sĩ ĐBP tăng cường quân số 100%, ngày đêm chốt chặn tại các đường mòn, lối mở.Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, những ngày này, cán bộ chiến sĩ ĐBP Mô Rai tăng cường quân số 100%, ngày đêm chốt chặn tại các đường mòn, lối mở. (Ảnh: NVCC)

Xác định cuộc chiến còn nhiều gian nan, Thượng úy Huấn cùng bạn gái và gia đình hai bên đã bàn bạc, thống nhất hoãn tổ chức đám cưới. Thượng úy Huấn cho biết: "Dù có chút tâm tư, nhưng gia đình hai bên và vợ sắp cưới của mình hoàn toàn đồng tình với quyết định này. Đây là thời điểm cả nước chung sức, đồng lòng chiến đấu để chiến thắng dịch bệnh. Là một Đảng viên, một người lính Bộ đội Cụ Hồ, mình sẵn sàng gác lại chuyện riêng, toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ chống "giặc dịch" mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

"Vợ sắp cưới của mình hiện đang là Phó Bí thư Đoàn xã Ia Yok, huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai, cũng đang làm tình nguyện viên tham gia phòng chống Covid-19 trong các khu cách ly của tỉnh. Cô ấy vẫn thường gọi điện lên đơn vị, động viên mình và anh em chiến sĩ giữ sức khỏe, nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Mình và bạn gái quen nhau hơn 10 năm, chính thức yêu cũng đã hơn 5 năm. Chừng ấy năm còn đợi nhau được, chờ thêm mấy tháng nữa để chính thức là người một nhà... với bọn mình có đáng là bao" - Thượng úy Huấn vui vẻ nói.

Được biết, không riêng Thượng úy Huấn mà ở khắp các ĐBP trên cả nước như: Long An, Đồng Tháp, Bình Thuận, An Giang, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên... đã có trên dưới 30 cán bộ, chiến sĩ hoãn đám cưới (lẽ ra đã được tổ chức vào tháng 3, tháng 4, 5/2020), hi sinh việc riêng để hoàn thành nhiệm vụ chung của đất nước.

Cha mất không thể về... nén đau thương, tưởng nhớ qua di ảnh

Trong cuộc chiến chung chống "giặc dịch", nếu như bác sĩ là những chiến sĩ tuyến đầu trong chữa bệnh, cứu người; thì những người lính bộ đội Cụ Hồ khắp mọi nẻo biên cương lại là tấm lá chắn, phên dậu vững chãi của Tổ quốc, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài lãnh thổ. Thực hiện nhiệm vụ ấy, rất nhiều chiến sĩ không ngại hi sinh, gác lại mọi việc riêng... nỗ lực vì sự nghiệp an ninh biên giới, bảo vệ sức khỏe toàn dân. Có những chiến sĩ cha mất nhưng không thể về, chỉ có thể tưởng nhớ qua di ảnh, giữa núi rừng biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 - Trung tâm huấn luyện BĐBP chia buồn, động viên khi được tin thân nhân của chiến sĩ Trung qua đời.Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 - Trung tâm huấn luyện BĐBP thắp nén nhang chia buồn, tưởng nhớ thân nhân của chiến sĩ Chung.

Đó là câu chuyện của Binh nhì Trần Đức Chung - Đại đội 4 (Trung tâm huấn luyện Bộ đội Biên phòng). Nhận tin người cha ở Thái Bình qua đời ngày 31/3/2020 do bệnh nặng, nhưng vì đang trong thời kỳ cao điểm của công cuộc phòng chống dịch Covid-19, chiến sĩ Chung không kịp về chịu tang bố. Thấu hiểu nỗi đau của người con mất cha, đơn vị đã lập bàn thờ để chiến sĩ thắp hương, tưởng nhớ cha (từ 15h ngày 1/4 đến 9h ngày 2/4), cũng là để đồng đội trong Đại đội 4 được gửi lời chia buồn, động viên tới chiến sĩ Chung.

Không thể về chịu tang cha, Trung úy Thông dành trọn tình cảm, tưởng nhớ người đã khuất từ nơi đang thực hiện nhiệm vụ.Không kịp về chịu tang cha, Trung úy Nguyễn Đình Thông dành trọn tình cảm, tưởng nhớ người đã khuất từ nơi đang thực hiện nhiệm vụ.

Hay như Trung úy Nguyễn Đình Thông - Đội trưởng Vũ trang, BĐP Thạnh Trị (BĐBP tỉnh Longo An). Được biết, quê chiến sĩ Thông ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trong khi đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt chặn phòng dịch Covid-19, chiến sĩ Thông nhận được tin bố mất. Công việc dang dở, không kịp về chịu tang, được sự cho phép của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Long An, Trung úy Thông đã dựng tạm bàn thờ nhỏ, không có ảnh bố, chỉ có nén nhang, hoa quả... tại chốt để thắp hương, tiễn biệt người đã khuất. 

Và trong cuộc chiến đấu chống "giặc dịch" giữa thời bình, còn rất nhiều câu chuyện cảm động cũng như không thể kể hết sự hi sinh của các chiến sĩ. Rất nhiều chiến sĩ có vợ ở quê nhà đến ngày sinh con, hoặc không may vợ bị sảy thai, hay bố, mẹ ốm đau phải nằm viện điều trị, con cái lập gia đình... nhưng các anh cũng không kịp về nhà. Với các anh, nhiệm vụ Tổ quốc, nhân dân giao phó được đặt lên hàng đầu; tất cả vì sự bình an của nhân dân. Bởi vậy, dù khó khăn, gian nan đến đâu, người lính bộ đội Cụ Hồ cũng sẵn sàng nỗ lực, quyết tâm vượt qua, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Lan tỏa hình ảnh "bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới

Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng toàn lực lượng, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến –  Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP đã viết: “Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng với các lực lượng, chính quyền địa phương và nhân dân ở khu vực biên giới, tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch xâm nhập vào nội địa và đơn vị”.

Trên mọi nẻo đường, các chiến sĩ BĐBP luôn không quản khó khăn, nỗ lực, quyết tâm vì sự bình an của nhân dân.Trên mọi nẻo đường, các chiến sĩ BĐBP luôn không quản khó khăn, nỗ lực, quyết tâm vì sự bình an của nhân dân. (Ảnh: Thảo Hương)

Những việc làm trên đã góp phần tô thắm, lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân của người lính quân hàm xanh được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao. 

Động viên các chiến sĩ, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những việc làm có ý nghĩa cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng toàn lực lượng đã tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn kéo dài. Bộ Tư lệnh đề nghị cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị toàn lực lượng quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, tập trung cao độ, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách đã đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp.

Với tinh thần Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chiến sĩ BĐBP không kể ngày đêm canh gác, chốt chặn, tuần tra, kiểm soát mọi đường mòn, lối mở dọc biên giới để ngăn ngừa dịch bệnh.

"Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tin tưởng cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng toàn lực lượng sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP xứng đáng là một chiến sĩ quân hàm xanh xung kích trên tuyến đầu biên cương của Tổ quốc" - Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh.

Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.