Cảnh báo nguy cơ dụ trẻ “chụp ảnh khỏa thân” khi học online

Chia sẻ

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội đều triển khai dạy và học online, nhưng một trường công lập mới đây đã lên tiếng cảnh báo phụ huynh về nguy cơ trẻ bị kẻ xấu xâm hại trên môi trường mạng.

Tin nhắn cảnh báo của nhà trường gửi tới PHHSTin nhắn cảnh báo của nhà trường gửi tới PHHS

Tin nhắn được một phụ huynh học sinh (PHHS) chia sẻ cho phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô xem khi nhà trường cảnh báo về việc đã có học sinh ở trường này nhận được tin nhắn dụ dỗ của đối tượng xấu. Anh cho biết đọc tin xong vô cùng lo lắng vì hàng ngày, con anh vẫn học online qua phần mềm Zoom theo thời khóa biểu của lớp. Khi thấy con ngồi học với cô và các bạn, anh rất yên tâm. Cho tới khi nhà trưởng gửi cảnh báo, anh mới giật mình trước nguy cơ con cũng có thể bị lợi dụng qua thế giới ảo.

Đoạn tin cảnh báo của nhà trường bắt đầu từ một đoạn tin nhắn được cho là của đối tượng xấu gửi cho một học sinh. Đối tượng này vờ kết bạn, rồi dụ dỗ các em tham gia một cuộc thi, yêu cầu học sinh (HS) tự chụp ảnh khỏa thân của mình gửi cho đối tượng qua mạng với lời nhắn: “Để tham gia trước tiên em phải chụp cho chị 4 tấm hình (1 tấm chính diện toàn thân mặt trước, 1 tấm chính diện toàn thân mặt sau, 2 tấm 2 mặt  nghiêng 2 bên). 4 tấm hình này không tham gia thi và yêu cầu khi chụp không được mặc gì cả, do chị đích thân kiểm tra sẹo. Kiểm tra sẹo xong chị sẽ quyết định em mặc trang phục gì để thi thể hình. Em nên đọc kỹ, xem có thi được không? Nếu thi được thì chị sẽ hướng dẫn cách làm 2 clip dự thi”. Sau khi em học sinh này hỏi lại đó là cuộc thi gì thì đối tượng nói thêm: “Đây là cuộc thi người đẹp lứa tuổi 12-15 tổ chức hàng năm do tập đoàn Samsung và Palza media tổ chức…”

Đoạn tin trao đổi dụ trẻ Đoạn tin trao đổi dụ trẻ "chụp ảnh khỏa thân" được cho là của một đối tượng xấu

Sau khi gửi đoạn tin trên, nhà trường cảnh báo: “Hiện nay, lợi dụng việc HS đang tiếp cận nhiều chương trình học trên internet, có nhiều đối tượng xấu kết bạn và đưa ra yêu cầu học sinh nữ chụp ảnh nhạy cảm, tham gia các cuộc thi với lời mời rất hấp dẫn.

Mục đích của chúng có thể là để tống tiền hoặc đưa lên các trang web không lành mạnh. Việc này phụ huynh không biết vì các con đều giấu bố mẹ. BGH đề nghị GVCN đưa lên nhóm PH nhờ bố mẹ nhắc nhở hoặc trong tiết học với GVCN trao đổi riêng với các em HS nữ để phòng tránh.

GVCN cũng thống nhất với PH về việc hướng dẫn và kiểm soát HS sử dụng internet hiệu quả”. Đối với cha mẹ học sinh, nhà trường đề nghị “bố mẹ trao đổi với các con về những hiện tượng xấu nói trên để các con phòng tránh. Không chỉ các bạn nữ mà cả các bạn nam. Cảnh giác cả việc lừa đảo trên mạng”.

Cũng theo vị PHHS trên, sau khi cảnh báo được gửi đi, lớp của con anh cũng đã thay đổi hình thức tương tác giữa thầy và trò khi học online. Theo đó, thay vì yêu cầu học sinh chiếu camera vào mặt, giáo viên yêu cầu học sinh chiếu camera vào vở để kiểm tra các con học như thế nào. Cô giáo cũng yêu cầu HS tắt micro, tắt camera trong lúc cô giảng bài. Chỉ khi nào cần học sinh phát biểu cô giáo mới yêu cầu học sinh bật micro và camera lên. Để đảm bảo các con vẫn đang theo học, thi thoảng cô lại điểm danh hoặc yêu cầu HS bật camera chiếu vào vở ghi chép bài.

Một PHHS khác cho biết, một nguy cơ cao nữa là khi các con được tự do theo học các chương trình học online khác trên máy tính trong suốt thời gian ở nhà trong ngày. Nhiều bố mẹ lâu nay cho rằng con phải truy cập trang web đen mới có thể bị xâm hại. Vì thế, khi thấy con học chương trình online trên máy tính đã rất yên tâm. Song, nắm bắt được điều này, kẻ xấu lại tìm cách tiếp cận trẻ thông qua việc xâm nhập các chương trình học online được cho là lành mạnh này.

Được biết, hiện nay, cũng đã có nhiều quốc gia lên tiếng cảnh báo các nguy cơ khi dạy học online. Mới đây, Sở Giáo dục thành phố New York cũng yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn không sử dụng phần mềm Zoom vì lo ngại về vấn đề an ninh và quyền riêng tư. Theo đó, hacker sẽ tìm đến các phòng học ảo trên Zoom qua đường dẫn chia sẻ công khai trên các trang web, mạng xã hội hoặc đoán mã ID để đột nhập vào được lớp học ảo. Sau đó, đối tượng này đưa ra tuyên bố đe dọa, phân biệt chủng tộc hoặc hình ảnh khiêu dâm gây ảnh hưởng đến tâm lý và nhận thức của học sinh.

Tại Việt Nam, hình thức học online mới được các cơ sở giáo dục triển khai trong hoàn cảnh HS phải nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh. Vì thế, nhà trường, gia đình và các nhà quản lý đều đang phải làm quen với hình thức học này. Việc sử dụng biện pháp nào để bảo vệ trẻ hiệu quả khỏi sự tấn công của đối tượng xấu, giảm thiểu nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng cũng cần có thời gian nghiên cứu.

Trước mắt, cha mẹ HS cần nói chuyện với con để các con tự phòng tránh, không kết bạn, khai báo thông tin với người lạ, đặc biệt không chụp hình hay làm theo lời sai bảo của đối tượng lạ; kịp thời báo với người lớn trong gia đình về những nghi ngờ mình đang bị lạm dụng.

Phóng viên Phụ nữ Thủ đô cũng đã chuyển thông tin cảnh báo trẻ có nguy cơ bị xâm hại khi học online tới Sở GD-ĐT Hà Nội để cơ quan này kịp thời nắm bắt và xác minh.

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.