Bí thư Thành ủy: Thúc đẩy đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm thứ 2

Chia sẻ

Sáng 8/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Thường trực Thành ủy với Ban cán sự Đảng UBND Thành phố về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ và cho ý kiến về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố trong 5 năm tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận cuộc họpBí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận cuộc họp

Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố.

Không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 2020

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ: Hà Nội luôn quan tâm phòng chống dịch bệnh và nỗ lực duy trì các hoạt động kinh tế theo Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và còn có xu hướng kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội của thành phố, làm suy giảm các động lực tăng trưởng, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa...

Trước bối cảnh đó, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định: “Thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn là giải pháp cấp bách của kinh tế Thành phố trong năm nay và góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ này”. Bí thư Thành ủy cũng nhận định: “Đầu tư công không liên quan nhiều tới các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu mà hoàn toàn là từ ý thức chủ quan của chúng ta”.

Trình bày báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố, Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Sau khi tính toán, dự phòng việc hụt thu ngân sách vì ảnh hưởng của Covid-19 nhưng UBND Thành phố không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm nay, bao gồm 22.000 tỷ đồng vốn kế hoạch của năm, 11.000 tỷ đồng từ các kỳ giải ngân trước chuyển sang và khoảng 6.000 tỷ đồng vốn kết dư ngân sách của năm 2019 đã được giao cho đầu tư công năm 2020 (tổng là 37.000 tỷ đồng).

Trong 3 tháng đầu năm 2020, các chủ đầu tư, nhà thầu đã hoàn thành 18,8% khối lượng công trình đầu tư công, tỷ lệ giải ngân đạt 9,8%, cao hơn mức 7,2% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, tỷ lệ này vẫn còn thấp; khó khăn, vướng mắc nhất là chậm chễ trong khâu giải phóng mặt bằng và sự chủ động, ý thức trách nhiệm của cán bộ thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn còn chưa cao...

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng phân tích, cùng một thể chế, pháp lý nhưng có quận, huyện giải phóng mặt bằng, giải ngân nhanh hơn nơi khác. Thậm chí ngay trong một Ban quản lý dự án cũng có dự án giải ngân nhanh hơn các dự án khác. “Đây là ý thức trách nhiệm của cán bộ sẽ quyết định tất cả, là nhanh hay chậm. Đơn cử ở Bắc Từ Liêm, cán bộ quận xuống đối thoại với dân nhanh, công khai minh bạch các thể chế, chính sách liên quan thì dân yên tâm giao đất nhanh, dự án sớm được triển khai và ngược lại thì mọi việc chậm chạp”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng nói.

Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo UBND Thành phố cũng nêu ra những hạn chế liên quan tới năng lực của cán bộ thực hiện dự án đầu tư công, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và trách nhiệm, năng lực của nhà thầu thi công,... làm cho giải ngân chậm trong nhiều năm qua.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định: Cần nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhấn mạnh Thành phố sẽ không điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công mặc dù thu ngân sách của Thành phố sẽ bị ảnh hưởng. Lý giải việc cân đối được nguồn thu, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, ngoài việc điều tiết vốn từ dự án không hấp thụ hết, chậm tiến độ (khoảng 2.000 tỷ đồng) để chuyển sang dự án hiệu quả hơn; ngân sách Thành phố cũng sẽ được dự phòng bổ sung từ nguồn kết dư và tăng thu 2019, nguồn cải cách tiền lương và nguồn dự trữ.

Thành phố cũng sẽ kiến nghị Trung ương xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương của Thành phố là 35%; được áp dụng cơ chế đặc thù trong rút ngắn thủ tục giải phóng mặt bằng như Thành phố Hồ Chí Minh; cho phép Hà Nội được chỉ định thầu đối với các công trình trong tình huống cấp bách hiện nay và cho phép Hà Nội giải ngân theo tiến độ đối với các dự án ODA nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư công...

Lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, số vốn đầu tư công năm 2020 của Thành phố rất lớn và nếu giải ngân được sẽ có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế của Thành phố, trước mắt là tác động tới tăng trưởng của Quý II/2020, tăng cường cơ sở hạ tầng, thu hút thêm đầu tư xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Chính vì thế, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng thứ 2 của Thành phố, đứng sau nhiệm vụ phòng, chống Covid-19.

Bí thư Thành ủy đề nghị Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố thành lập Tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thường xuyên giao ban, phối hợp, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, thống kê từng vướng mắc gắn với trách nhiệm cá nhân và thời hạn hoàn thành đối với các thủ tục giải phóng mặt bằng, lập đơn giá, thiết kế, thi công, thẩm định công trình.

Cùng với nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn thi công công trình trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài để đẩy nhanh tiến độ công trình. Thường trực Thành ủy cũng thống nhất với Ban cán sự Đảng UBND Thành phố có văn bản kiến nghị các cơ quan Trung ương để tháo gỡ các khó khăn trong đầu tư công của Hà Nội và chủ động xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố.

Trọng Toàn/Cổng Giao tiếp điện tử TP. Hà Nội

Theo https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2836470/bi-thu-thanh-uy-thuc-ay-au-tu-cong-la-nhiem-vu-trong-tam-thu-2.html;jsessionid=GUPXNiOT89rQLVDChU0Oishm.app2

Tin cùng chuyên mục

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Những ngày này, trên công trường xây dựng trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) ngày cũng như đêm luôn rộn rã, nhộn nhịp hoạt động thi công. Tất cả dồn hết tâm, sức, chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ để kịp khánh thành, sớm đưa công trình vào sử dụng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Hà Nội thí điểm gửi xe không tiền mặt

Hà Nội thí điểm gửi xe không tiền mặt

(PNTĐ) - Hà Nội bắt đầu thí điểm gửi xe không tiền mặt tại 7 vị trí nằm trên các tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm. Sau thời gian thí điểm, địa phương sẽ đánh giá kết quả để lên phương án triển khai rộng rãi.
Đối thoại  về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

Đối thoại về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

(PNTĐ) - Ngày 16/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàn Kiếm tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề: “Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội”.
Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

(PNTĐ) - Những ngày này, đông đảo người dân và du khách về với Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ). Lễ hội là hoạt động có tính quy mô cấp quốc gia nhằm tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước, hướng mỗi người Việt Nam biết trân quý nguồn cội.