Chồng có "hoa chân"

Chia sẻ

Chị vẫn thường gọi vui chồng mình là có “hoa chân”, cho rằng anh tuổi Ngựa nên hai chân lúc nào cũng muốn “phi” ra khỏi nhà.

Chị chẳng hiểu các ông chồng khác như thế nào, chứ chồng chị, chỉ cần bị ở nhà nguyên một ngày là không chịu nổi. Mà có phải anh suốt ngày nhìn mặt vợ con nên mới nhàm chán như vậy đâu. Bình thường, từ thứ Hai tới thứ Sáu, vợ chồng chị đã mướt mải đi làm, tối về nhà, có khi chỉ dành cho nhau và các con vài tiếng ngắn ngủi. Thậm chí, trong vài tiếng ấy, anh cũng lại bận rộn giải quyết công việc, nếu không thì lại nhắn tin, lướt web, xem tivi. Đến khi đợi anh giải quyết xong việc cá nhân thì hai vợ chồng đã quay lưng vào nhau, ngủ một mạch tới sáng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị biết, anh không phải là người đàn ông vô trách nhiệm. Khi trong nhà có công to việc lớn, anh cũng biết sắp xếp thời gian để giải quyết chu đáo. Nhưng, anh cũng vốn là người quảng giao, thích vui vẻ, đông đúc. Nơi nào vắng vẻ, ít người, ít có cơ hội được nói cười, bù khú là anh không chịu được. Với chị, hai ngày nghỉ trong tuần là cơ hội quý giá để được ở nhà, thảnh thơi, thích làm gì thì làm. Khi thì chị dọn dẹp nhà cửa, khi thì rủ các con đi siêu thị, ra công viên hay đơn giản là lăn vào bếp, làm món ăn gì đó yêu thích. Với anh, mấy việc đó không làm anh vui. Chẳng thế mà, hễ ngủ dậy, là anh phải kiếm cớ ra đường. Có hôm, đến tận trưa, mấy mẹ con chị đợi mãi chẳng thấy anh về ăn cơm. Gọi điện thì anh bảo thôi, anh đang ở cách xa nhà tới gần… 50km. Thì ra, sáng đó, anh chẳng biết làm gì nên phóng xe đi thăm bạn từ hồi cấp hai ở tỉnh bên cạnh. Rất nhiều lần khác, anh còn đi một mạch tới chiều tối. Chị cũng chẳng hiểu anh lấy ở đâu ra lắm bạn bè chiến hữu đến thế, những người lúc nào cũng sẵn sàng tiếp đón, hầu chuyện rồi cả nuôi cơm anh nữa.

Hồi trước, chị còn chán nản vì chồng mọc “hoa chân”. Sau, chị bắt đầu thích nghi, thoát ly được anh. Chị cho anh đi xả láng, khi nào chán thì tự về. Bởi chị biết, có giữ anh lại thì anh cũng chẳng làm gì giúp đỡ chị, mà cái mặt anh còn bí xị nhìn còn ức chế hơn. Mấy mẹ con chị vắng anh, ở nhà tha hồ tự do. Chị có thể sắp xếp nhà cửa, bài trí đồ đạc theo ý mình. Vắng anh, ngày cuối tuần mấy mẹ con ăn uống cũng thoải mái. Bình thường, trong bữa cơm có anh luôn phải đủ mấy món canh, mặn, xào. Anh cũng chỉ thích kiểu cơm truyền thống, không quen ăn đồ Tây. Vậy nên, anh mà “cắt cơm” là mẹ con chị xổ lồng, thôi thì ăn pizza, mỳ Ý, đủ cả.

Đó là lý do ba hôm nay, anh ở nguyên trong nhà là một sự kiện đáng “kinh ngạc”. Hơn thế, anh cũng chẳng dám càm ràm, phàn nàn gì. Cái xe máy dựng ở trước sân nhà, cứ chết dí ở đó, nguyên vị trí chứ chẳng được chủ nhân động đến lần nào. Có chăng, thi thoảng, anh chỉ bước ra cửa, chống tay nhìn ngược nhìn xuôi dọc con đường, ngẩn ngơ một lát rồi lại quay vào, đóng cửa lại.

Chị biết anh rất chồn chân, nhưng phải anh ở nhà để phòng tránh dịch Covid-19. Mấy hôm nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, rồi ở bảng dán thông báo của khu dân cư, đầy ắp các thông tin tuyên truyền dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Vì thế người dân càng ở trong nhà nhiều càng tốt, hạn chế ra đường trừ khi đi làm, đi mua thực phẩm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cơ quan anh từ tuần trước đã cho phép nhân viên ở nhà làm việc online. Mà chị thấy cũng thú vị, bình thường, anh và các chiến hữu bình thường lúc nào cũng quấn quýt, nhớ nhau hơn nhớ vợ con. Vậy mà, khi nghe tin được làm việc online ở nhà, ông nào ông nấy cũng hỉ hả. Chả thấy ông nào hẹn hò tranh thủ lúc làm việc online thì gặp nhau tý chút. Chồng chị thực ra vẫn khoái đến cơ quan hơn, nhưng, anh hiểu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Làm việc online ở nhà, suốt ngày chỉ gặp vợ con, không gian lại chật hẹp hơn cơ quan nhưng lại an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Thế là, nguyên ngày thứ Sáu, cho đến tận 5 giờ chiều, “hoa chân” tỏ ra “ngoan ngoãn” hơn bao giờ hết. Bình thường từ 18 giờ, anh sẽ có trận đánh tennis với một nhóm bạn. Chị để ý thấy anh cũng bốc máy gọi điện hỏi han, nhưng rồi nhóm bạn của anh đều đồng loạt nói: “Thôi, không tụ tập đông người, ở nhà cho lành”. Và thế là, lại thêm một buổi tối, “hoa chân” ở nguyên trong nhà.

Sang ngày thứ 7 cũng vậy. Anh không còn dấm dứt muốn đi. Chị xuống bếp nấu cơm, thế rồi cố tình than vãn cho chồng nghe: “Cái tủ bếp nhà mình rõ là ọp ẹp, mỗi lần dùng chỉ sợ rơi xuống thôi. Rồi còn hệ thống đèn điện nữa, tối om, nấu cơm rõ là khổ”. Anh lúc đó đang vẩn vơ nằm dài ngoài phòng khách, xem chừng đang chán vì chưa tìm được kênh truyền hình nào yêu thích nghe vậy liền chạy vào trong bếp, xua chị:

- Thôi, em đi ra, để đấy anh xem nào.

Thế rồi, sau khi khảo sát “địa hình”, anh phán:

- Cái tủ bếp này cần phải gia cố lại, cả hệ thống điện nữa. Anh sẽ thay mấy cái bóng cháy cho em và lắp thêm cái bóng nhỏ ở đây nữa. Em vừa nấu cơm, vừa đọc sách cũng được nhé.

Chị tủm tỉm cười, rồi “biến” ngay ra ngoài. Thế là, “hoa chân” nhà chị bắt đầu trổ tài. Nhìn dáng anh lọ mọ, hì hụi đóng chỗ này, tháo chỗ kia, chị thấy sao mà đáng yêu thế. Bình thường, không có con virus Covid-19 đe dọa, còn lâu mới bảo anh hy sinh thời gian quý giá đàn đúm với bạn bè để ngồi làm mấy việc như thế này. Thể nào anh cũng bảo thôi, em gọi thợ về làm cho nó nhanh. Người ta có nghề, sẽ tốt hơn anh tự sửa.

Đến trưa, vì công trình sửa bếp chưa xong, chị liền úp mấy bát mì tôm cho cả nhà ăn tạm. Anh ăn vèo một cái, còn khen ríu rít mì chị nấu ngon. Mà thực ra, chị có tài cán gì đâu. Chẳng qua, anh làm mệt, đói nên thấy vậy.

Cứ như vậy, cả nhà chị đã trải qua mấy ngày cuối tuần “yên ả” bên nhau. “Hoa chân” nhà chị được cái biết ý, từ sửa cái bếp xong liền chuyển sang lau dọn cái nhà. Anh chê trần nhà bẩn quá, lắm mạng nhện nên lại hì hụi bắc ghế, quét dọn. Rồi anh chuyển sang lau cửa sổ, cửa ra vào, bài trí lại phòng khách hợp lý hơn. Chị phải thừa nhận, có bàn tay của anh, nhà cửa trông sáng sủa hẳn ra.

Cũng vì anh ở nhà, mà anh chị có nhiều thời gian bên nhau hơn. Chị kể với anh tình hình anh em ở quê, dự tính của ông bà ngoại năm sau cất lại ngôi nhà. Còn anh thì chia sẻ công việc ở cơ quan, dự định anh muốn làm.

Tối đó, sau khi vợ chồng đã lên giường đi ngủ, chị trêu:

- Thế nào, cảm giác ở nhà toàn tập ra sao anh?

Anh nhìn chị ngường ngượng:

- Em đừng có mơ trói chân anh nhé. Hết dịch, anh lại phượt. Nhưng thôi, giờ ở nhà, anh sẽ giúp em được việc gì hay được đó.

- Nhất trí - chị cười.

Thanh Thanh

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.