Chiếc cặp ba lá

Chia sẻ

Ngấn đã ngồi tới nửa tiếng chợ mà chẳng có ai hỏi mua cua của cô. Mái tóc vén xéo lên hai bên thái dương, đằng sau cặp trễ bằng chiếc cặp ba lá mà cô cố công ngắm nghía trước khi bước chân đi chợ.

Ngấn đã ngồi tới nửa tiếng chợ mà chẳng có ai hỏi mua cua của cô. Mái tóc vén xéo lên hai bên thái dương, đằng sau cặp trễ bằng chiếc cặp ba lá mà cô cố công ngắm nghía trước khi bước chân đi chợ, chứ không buộc túm lên đỉnh đầu như lúc đi làm, bỗng trở nên vô vị khi khách bước qua không thèm liếc mắt vào hàng. Lũ cua trong thau chen chúc, đè đầu cưỡi cổ lên nhau bò lạo xạo hòng mong trèo lên trên thành chậu để chuồn thoát thân nhưng con nọ đè con kia lại rơi xuống, tiếp tục đè nhau, chen chúc. Lại có khách đi qua cô nghiêng nón, tươi cười, đon đả chào mời, lắc lắc thau cua cho khách biết rằng cua đồng tươi ngon lắm thì vị khách cũng lắc lắc đầu lảng ra.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Chợt tay xé vé chợ xông tới trước mặt cô quát tháo thu tiền. Chẳng bù cho chiều hôm qua, lúc gặp cô đang đánh giọ ở sông, hắn đỗ xe lại tán tỉnh ngọt xớt, khen đùi ngâm bùn hôi suốt ngày mà trắng như ngó cần, thằng chồng cô bạc mệnh mất sớm chẳng đựơc tích sự gì, khiến đôi chân kia dầm sông uổng phí, chi bằng đi chơi với hắn một lúc bằng cả tháng vất vả. Cô hất tung mấy gấu quần xuống, đất cát rơi tung tóe, bảo đây chân này có bẩn nhưng là bẩn sông bẩn ngòi còn hơn là bẩn vì thằng như ông nhá. Hắn tẽn tò lên xe phóng thẳng.
Cô không dám xẵng giọng như chiều hôm qua mà nói nhỏ nhẹ với hắn xin đợi cô bán được hàng mới có tiền đóng vé chợ, tay này lấy chân đá đá thau cua, hậm họe:

- Này, đây bảo cho mà biết, không có tiền đóng vé thì đừng bước chân vào chợ ngồi! Cái chợ quê ấy, nhưng cô có biết tôi phải đóng thuế cho xã một tháng là bao nhiêu không?

Thấy cái mặt Ngấn tội nghiệp, lại chẳng có ai đi qua chỗ hai người, hắn bèn ghé tai nói nhỏ hay là tối nay cho tớ qua, tớ trừ vé cho đằng ấy cả quý luôn.

Ngấn lập tức chống nạnh tay vào hông, giọng đanh đá:

- Một cái vé chợ có vài ngàn bọ mà sớm ra chưa bán được con cua nào đã định cắp như cua cắp bẹn thế hả?

Hắn đỏ mặt tía tai, chửi thề:

- Cái ngữ gái góa mà dám to mồm à? Cả chợ này hỏi xem ai chẳng biết tin tháng trước có bọn người lạ mang cả ô tô tải cua Tàu có tiêm thuốc độc thả xuống sông nhằm làm hại người ăn, hại đồng lúa. Bây giờ có ai dám mua cái ngữ này để ăn hả mà đòi bán với mua?

- Đây không biết chúng có thả cua độc không nhưng ngay chợ này có một con cua độc tám càng hẳn hoi đấy. Ngân vênh mặt lên đối lại.

- Này thì cua độc này!

Hắn cùn, lấy chân đá mạnh vào thau cua, cái thau liệng ra vài mét và đổ ụp, lũ cua thi nhau bò ra. Một bà bán ốc cạnh đó vội vàng lật thau cua lên và bốc vào hộ. Hắn tiếp tục túm lấy tóc Ngấn, giật tung cái cặp ba lá đi. Ngấn điên tiết ném cái nón vào mặt hắn, hắn né người, túm lấy áo Ngấn xé rách, còn giơ tay định cho cô vài cái tát thì có người đàn ông lao vào lôi hắn ra, can ngăn sao lại đi chấp đàn bà làm gì. Mấy chị em hàng tôm cá cũng xúm vào, người góp lời, người nhặt cua, trước khi bỏ đi hắn còn đe dọa cô vài câu nữa mới yên.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Ngấn nhìn lại mình mới thấy áo sống rách tả tơi, tóc tai rũ rượi, bèn vội vơ cái nón, nhặt cái cặp lên, thì người khách lúc nãy bảo:

- Tôi có cái áo mới mua, cô cứ mặc tạm vào. Mà cua này cô bắt ở đâu?

Ngấn hơi chột dạ, nhưng vẫn phải nói thật.

- Em đánh bắt ở sông Bèo.

- Vậy thì tôi mua. Đây đích thị là cua sông mình rồi chứ tàu thuyền nào thả đâu. Cô mang theo tôi!

Người đàn ông dắt xe đạp đi trước, Ngấn bê thau cua đi sau. Qua một ngõ dài, đến cái cổng gỗ có giàn bầu đang leo, Người đàn ông bảo nhà tôi đây. Ông chỉ cô ngồi xuống cái ghế đá, rồi mời cô uống ly nước.

- Tôi là Định. Thế mớ cua này, cô lấy bao nhiêu tiền?

- Ngày trước là mười nghìn một lạng cua nhưng bây giờ năm hết Tết đến rồi, bác mua giúp thì em lấy tám nghìn một lạng, chỗ này cả thẩy hai cân hai.

- Tôi mua hết. Nhưng với điều kiện …

- …Điều kiện gì hả bác?

- Tôi biết cuối năm cô cũng bận việc nhà nhưng cô phải nán lại giúp tôi?

- Giúp gì ạ?- Ngấn lại chột dạ.

- Cô chắc biết làm nước cua, giúp tôi nhé?

Nước cua thì mẹ cô dạy cô làm từ khi còn con gái. Bây giờ nhà cô lúc nào cũng có vại nước cua để ăn. Tuần trước cô còn làm hai vại mới, vì từ khi có tin kẻ lạ thả cua Tàu tiêm thuốc xuống sông, ít người mua cua hẳn, thế là phải cô dồn vào làm cua muối. Lũ con hay luộc rau lang, rau muống, rau rền cơm để chấm với nước cua. Chúng ăn chớp mắt bụt hết nồi cơm, còn khen nước cua ngọt, cô nhìn con mà ứa nước mắt.

Cô vừa nhặt cua vừa để ý thấy người đàn ông cứ liếc nhìn trộm mình. Khi cô làm xong vại cua mang phơi nắng dưới gốc cau thì quá trưa. Lúc này cô mới chợt nhớ chiếc áo mà người đàn ông cho mượn đã dính đầy bẩn. Ngấn hốt hoảng định cởi ra nhưng nhìn thấy chiếc áo rách bên trong lại e dè. Người đàn ông thấy thế vội bảo:

- Chẳng mấy khi cô đến đây giúp tôi. Quý hóa quá. Cứ coi tôi như người nhà đi. Đã quá trưa rồi ở đây ăn bữa cơm với gia đình đã! Tôi nấu xong hết rồi đây. Ăn xong thì về chưa muộn cô ạ!

Người đàn ông dừng tay lau dọn bàn ăn, đi vào trong buồng lấy cho cô một bộ quần áo khác, không mới nhưng khá đẹp, bảo cô không được từ chối ăn cơm đâu, đi vào phòng tắm đi, chân tay cô lấm lem hết rồi. Đôi mắt ông ấy nhìn cô ấm áp, cái nắm tay đẩy vào phòng tắm tự nhiên đến nỗi cô đi vào nhà tắm như ở nhà mình. Trong tiếng nước xối, cô vẫn nghe rõ tiếng bát đĩa, nồi xoong va vào nhau loảng xoảng. Ngấn chợt nhớ tới chồng mình, chân tay quen cầy bừa, lần ấy vợ ốm phải vào bếp nấu cơm, bắc nồi bằng hai cái đũa con lóng ngóng thế nào làm đổ ụp nồi thịt kho xuống nền bếp, cô nhỏm dậy bảo gắp những miếng thịt cho vào bát đổ nước sôi rửa đi. Bữa ấy ăn cơm thịt kho mặn chát, cô vẫn khen bố cái Tý rang thịt ngon gớm, chồng cô nói nấu ăn khó hơn đi cày, thế mới biết u cái Tý khéo tay, nhanh khỏi ốm cho tớ nhờ. Ngấn khỏi cũng là lúc bố nó đổ bệnh, bỏ mẹ con cô đi, đến nay đã hai mùa thu rồi.

Trước khi bước ra, Ngấn soi gương buộc lại kiểu tóc xưa mà mình ưa thích. Cô vén tóc hai bên thái dương lên cao khẽ vắn lại, cặp lên hai bên mé đầu, đằng sau cặp trễ bằng cặp ba lá mà chồng cô đã tặng từ khi hai người mới quen. Nhìn vào gương, thấy khuôn mặt mình thanh thoát, dịu dàng hẳn, Ngấn tự tin bước ra. Người đàn ông ngẩng lên, sững người lại trong thoáng chốc, nhìn cô trân trân. Cô ấp úng:

- Chị nhà và các cháu đâu ạ?

- À, cô cứ ngồi vào bàn ăn đi. Cơm canh nguội rồi. Các cháu thì chiều nay mới về ăn giỗ cụ. Nội tôi còn, cụ thích ăn rau lang chấm nước cua lắm, nên năm nào cúng cụ, gia đình tôi cũng phải có món đó. Tôi để ý thấy cô làm khéo tay lắm.

Người đàn ông gắp thức ăn cho cô, miếng thịt gà rang thơm mùi lá chanh. Đã lâu lắm chẳng ai gắp thức ăn cho cô. Tự dưng cô nghẹn ngào muốn rơi nước mắt. Người đàn ông lúng túng không biết mình có lỗi gì, cả hai ngồi bần thần một lúc khá lâu. Cô đổ tại cô nhớ lũ trẻ ở nhà. Người đàn ông gật đầu ra chiều hiểu cô, cuối bữa gói nửa con gà vào túi bảo chốc nữa cầm về cho bọn trẻ. Cô cũng không dám hỏi gì về chị nhà nữa. Nhìn cái cảnh người đàn ông nấu nướng, dọn bàn ăn thì cô biết, người này đã quen việc nội trợ, không hề có bàn tay chăm sóc của phụ nữ. Đang rửa đồ, Ngấn cầm con dao nhưng bị trượt khiến nó rơi xuống trúng vào bàn chân, kéo một vết xước dài, rỉ máu. Người đàn ông vội ngồi thụp xuống xem vết thương, Ngấn ngại quá bảo chỉ xước da thôi. Người đàn ông gắt, chảy máu thế này mà bảo không sao. Đoạn ông bắt cô ngồi im trên ghế, vén ống quần cô đang mặc lên, lấy nắm thuốc lào đặt vào vết thương rồi với cái khăn tay băng bó cho cô. Mỗi lần bàn tay ấm áp của người đàn ông chạm vào chân cô, cô cảm thấy nhói buốt trong tim, toàn thân cô bỗng hầm hập như lên cơn sốt. Cô phải vịn chặt tay vào thành ghế chứ không thì người cô đổ mất, mắt cô nhắm lịm, đôi môi mím chặt.

- Cô đau lắm không?

Người đàn ông đứng lên, mặt cách mặt chỉ chừng gang tay. Ngấn nghe rõ tiếng tim mình đập loạn nhịp.

- Dạ, không…

- Cô đi được chứ?

Ngấn vừa đứng lên, người đàn ông đã cầm lấy cổ tay của cô dắt đi. Ma lực từ giọng nói ấm áp và cái cách nắm cổ tay của người đàn ông khiến bước chân cô lướt nhẹ như bay. Đầu cô choáng váng khi nhìn thấy một cửa phòng đóng kín. Có tiếng nói cất lên trong đầu Ngấn: phải dứt khỏi bàn tay người đàn ông để chạy ra, không thể vào căn phòng ấy được, ông ấy có lẽ cũng chỉ như tay vé chợ mà thôi! Những ngón tay ông ta như những chiếc càng cua đang cắp chặt cô đấy! Nhưng bước chân cô lại không chịu nghe cái đầu, cứ cuốn theo bước chân người đàn ông tới trước cửa phòng. Trống ngực cô vẫn đập thình thịch. Khi cửa phòng mở, người đàn ông bước vào trước, sau mới quay ra gọi cô. Ngấn khép nép đi vào.

Căn phòng tràn đầy ánh nắng bởi các cánh cửa sổ mở toang, trên chiếc giường kê giữa phòng, một người phụ nữ đang nằm giữa đống chăn ga, mắt nhìn ra cửa sổ, nơi có gốc cau và vại nước cua Ngấn mới đặt phơi nắng.

- Đây là nhà tôi.

Nghe gọi, người đàn bà quay lại nhìn chồng, nhìn khách, đôi mắt ánh lên niềm vui khác lạ, đôi môi mấp máy nhưng không thành lời.

- Nhà tôi ngày trước cũng khéo tay như cô vậy. Chính nhờ cách làm mắm cua của cô ấy mà nội tôi duyệt cháu dâu đấy. Tôi đi bộ đội xa nhà, mỗi lần về chơi bao giờ vợ tôi cũng có quà là vài chai mắm cáy gửi lên đơn vị. Vợ tôi đã tự nhỏm đầu dậy xem cô làm cáy đấy. Cảm ơn cô nhiều lắm.

Người chồng trầm giọng xuống:

- Mà tôi lại muốn nhờ cô giúp tôi một việc nữa thôi, cô nhé!

Ngấn lắp bắp:

- Vâng,… nếu em giúp được…

Người chồng đỡ vợ ngồi dậy, cho vợ dựa vào người mình, nói:

- Tôi muốn cô dạy cặp mái tóc cho cô ấy như hồi còn con gái cô ấy hay để, nó giống y như mái tóc cô đang cặp vậy.

Nói xong, người chồng lật gối, cầm lên tay một chiếc cặp ba lá. Ngấn thấy mái tóc của người vợ đã lốm đốm sợi bạc xổ ra đổ lên vai người chồng, như một dòng suối mơ.

Truyện ngắn Nguyễn Thu Hằng

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.