Nhà sĩ Phạm Tuyên và ca khúc về Bác sống mãi với thời gian

Chia sẻ

Nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn được gọi là người chép sử bằng âm nhạc. Vào những dịp kỷ niệm lớn của đất nước, các ca khúc của ông lại vang lên như một chứng nhân của lịch sử.

Nhân kỉ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phạm Tuyên có dịp ôn lại những dấu ấn đặc biệt từ những ca khúc đã đi vào lịch sử của ông… 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên tác giả ca khúc bất hủ “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”Nhạc sĩ Phạm Tuyên tác giả ca khúc bất hủ “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ở tuổi 90, nhưng, ơn trời ông vẫn rất minh mẫn, khoẻ mạnh, và đặc biệt ông không quên bất cứ một chi tiết nào về những ngày tháng lịch sử của đất nước cùng ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”...

“Như có Bác trong ngày vui đại thắng” và… bản kế hoạch Đài giao

Là một trong những nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên được Ban lãnh đạo Đài giao nhiệm vụ cần phải có một ca khúc để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt của dân tộc: Sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một trong những nhạc sĩ cùng được giao nhiệm vụ này với nhạc sĩ Phạm Tuyên là cố nhạc sĩ Hoàng Hà. Với ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” cố nhạc sĩ Hoàng Hà đã để lại những tình cảm đặc biệt với người nghe thì ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tạo ra những bất ngờ thú vị. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết:

“Nói tới ngày 30/4/1975 lịch sử là nói tới rất nhiều kỷ niệm nhưng đối với một người sáng tác như tôi thì đó còn là những kỷ niệm đặc biệt mà ngay khi diễn ra chính tôi cũng cảm thấy rất lạ: Viết hôm trước, hôm sau người ta đã hát khắp nơi; một tuần lễ sau thì cả nước hát; nửa tháng sau thì cả thế giới đều hát. Đây là điều lạ ở Việt Nam thời điểm đó”.

Khi nhận công việc Đài giao nhạc sĩ Phạm Tuyên đã suy nghĩ rất nhiều về đề tài này. Lúc nào ông cũng đau đáu chắt chiu từng cảm xúc cho đứa con tinh thần của mình. Cho tới tối 28/3/1975, sau khi nghe tin có một phi công Việt Nam lái máy bay ném bom vào Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975 nhạc sĩ Phạm Tuyên mới… giật mình, ông thật thà chia sẻ suy nghĩ lúc đó với chúng tôi: “Nghe được tin này, tôi chợt nghĩ, phi công quân mình mà ném bom vào Dinh Độc Lập thì tức là quân ta đã vào tới miền Nam, như thế giải phóng đến nơi rồi còn gì”. Cảm xúc trào dâng trong lồng ngực, ông lập tức nghĩ đến những giai điệu và ca từ…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên..Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ở tuổi 90 nhưng ông vẫn nhớ như in những ngày tháng hào hùng của dân tộc.

Khi ấy, ông đứng trên cầu thang cơ quan nhìn xuống dòng đường phía dưới và hình dung ra quang cảnh nơi đây, cảm nhận rõ rệt không khí tưng bừng rực rỡ của đất nước vào ngày miền Nam giải phóng và thống nhất đất nước. Nhạc sĩ nhớ tới Bác Hồ, nhớ về vị Lãnh tụ luôn ước mong ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, thống nhất đất nước. Những lời ca và giai điệu cứ thế vang lên, rộn rã, tươi vui, chân thật và đầy xúc động; giai điệu không quá cao, không quá trầm, để ai cũng có thể hát, có thể thuộc được. Bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” đã ra đời chỉ trong khoảng chưa đầy 3 tiếng đồng hồ kể từ lúc ấp ủ cho tới lúc thành hình hài. Anh em trong ban thấy nhạc sĩ đứng ở ngoài cầu thang lâu quá, trêu đùa: “Thôi, về nghỉ đi”. Nhạc sĩ khiến cả ban sững sờ khi ông reo lên: “Tôi… “trả nợ” được rồi!”.

Sáng hôm sau, nhạc sĩ Phạm Tuyên chép lại bài hát ngay ngắn và đưa lên Đài để chờ Hội đồng Nghệ thuật xét duyệt. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: “Mọi người nghe tôi trình bày xong và xem bài hát thì nói: Ôi giờ ôi, bài này rất thú vị nhưng bây giờ mà phát thì lạc quan quá bởi đã… giải phóng đâu - hôm đó mới là 29/4/1975. Có một anh trong hội đồng rất nhiệt tình bảo: Để dành tới mùng 7/5 ngày giải phóng Điện Biên Phủ sẽ phát là tốt nhất. Tôi thì thoải mái thôi, tôi bảo: “Lúc nào cũng được anh ạ, miễn là ghi nhận tình cảm của người viết”.

Vào trưa hôm sau, ngày 30/4/1975, khi nhạc sĩ Phạm Tuyên đang ở nhà thì bất ngờ nghe cuộc gọi từ chính Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó, ông Trần Lâm: “Ông Tuyên ơi, ông có biết không, trưa nay, 11h30 quân mình đã cắm cờ trên dinh Độc Lập rồi, tôi nói trước là các nhạc sĩ phải có bài hát. Chính tôi cũng đã nói với anh rồi, thế bây giờ có bài gì không?”. Nghe “sếp” nói vậy, nhạc sĩ Phạm Tuyên đáp: “Giờ cũng có nhiều bài rồi”. Nhưng giám đốc Lâm đáp: “Bây giờ mà hát Tiến về Sài Gòn thì tiến rồi, hát Giải phóng miền Nam thì miền Nam giải phóng rồi. Bây giờ phải có bài nào phù hợp hơn…”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên liền nói: “Tôi chỉ có bài ngắn thôi”. Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam vội thúc giục: “Thế ông lên đây mau lên, xem thế nào nào”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên vội vã lên trụ sở Đài tại 58 Quán Sứ. Mới lên tới cầu thang đã thấy “sếp” Trần Lâm “hiện ra” và bảo: “Hát cho tôi nghe nào”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đứng tại cầu thang hát. Nghe xong, ông Trần Lâm quyết định: “Chỉ cần thế này thôi, không cần nhiều, chiều nay triệu tập đoàn ca nhạc của Đài, tập trung cả ở đây để tập và thu. Tối nay mình phát tin đại thắng ra toàn thế giới mà phải có bài hát nó xứng tầm, nói lên tình cảm của tất cả mọi người dân…”.

Những bất ngờ xúc động và thành công ngoài mong đợi

Ngay chiều hôm đó, lúc 14h, toàn bộ đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đã tập hợp lại và thu rất nhanh, do nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy. Đoàn thu tới 15h30 xong, 16h nghiệm thu. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: “Thu xong ca sĩ Tuyết Thanh nói với tôi là chưa bao giờ chúng tôi vừa hát vừa xúc động chảy nước mắt như vậy; một anh trong ban đối nội của Đài tới bắt tay tôi sau khi nghiệm thu và nói: Tôi từng nói với cậu rằng âm nhạc bây giờ rất cần một bài hoành tráng nhưng nghe xong bài này tôi thấy tuyệt quá, không cần sửa gì cả, cấp tốc gửi cho bên phát thanh để tối nay phát sau tin giải phóng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên với thiếu nhiNhạc sĩ Phạm Tuyên với thiếu nhi

Hôm đó về nhà, tôi vô cùng xúc động vì nghe bài hát của mình liên tục vang lên sau tin chiến thắng được phát đi toàn thế giới. Một cảm xúc rất lạ ngân lên trong tôi, như thể tôi đã nghe bài hát của mình tự bao giờ, rất đỗi thân quen”.

Ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” giống như một lời tiên tri về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày hôm sau, vào 1/5/1975, trên đường đi từ nhà tới cơ quan, đạp xe qua bờ hồ Hoàn Kiếm, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã thấy có đoàn quân nhạc đi qua, họ ngồi trên xe mui trần và thổi kèn nhịp điệu bài hát; mọi người vỗ tay reo hò thì lại có một đoàn xe khác của nhạc viện Hà Nội kéo violon bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” chạy qua. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ngỡ ngàng nhìn vào dòng người, lắng nghe tiếng nhạc và dâng trào niềm hạnh phúc.

Trước sự lan tỏa nhanh chóng của bài hát, vị “sếp” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà báo Trần Lâm đã đề xuất: “Bài này phải được thưởng Huân chương”. Nhưng vì chưa có tiền lệ thưởng Huân chương cho một bài hát nên câu chuyện này đã gác lại. Cho tới 10 năm sau, năm 1985, ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” vẫn vang lên mọi lúc mọi nơi và được bạn bè nhiều nước trên thế giới thể hiện tại các cuộc giao lưu. Lúc đó, Hội đồng thi đua Toàn quốc đã đề xuất khen thưởng và Chính phủ Việt Nam quyết định: Tặng Huân chương Lao động Hạng 3 cho bài hát: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.