Anh ở nơi đâu?

Chia sẻ

Cứ mỗi độ mùa hạ chớm về, nhiều người lại nao nao nhớ ngày lễ lớn, nhớ những người làm nên chiến tích giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 lịch sử. Trong niềm vui chung của dân tộc vẫn còn đó những nỗi niềm đau đáu các gia đình chưa tìm được mộ con.

Tháng tư rồi anh còn ở nơi đâu
Bao năm tháng vẫn dãi dầu mưa nắng
Nằm lặng lẽ nơi rừng xa hoang vắng
Để gia đình luôn thầm lặng xót thương?

Ngày chia tay vượt vạn nẻo ngàn trùng
Căm thù giặc cùng đồng tâm quyết chí
Nhận trọng trách vào miền Nam đánh Mỹ
Gói ba lô những kỷ niệm đầu đời.

Dù thầm thương cũng chẳng kịp trao lời
Nhớ em gái đôi mắt ngời ánh lửa
Thư viết vội đôi dòng con xin hứa
Khi hoà bình đôi lứa sẽ nên duyên

Đưa người yêu về ra mắt Mẹ hiền
Nay tạm gác vượt bưng biền vội vã
Diệt đồn bốt cho quân thù tơi tả
Vì đồng bào anh ngã xuống hy sinh

Dùng máu xương đổi hạnh phúc quê mình
Trong trang sử bóng hình anh in tạc
Từng thửa ruộng màu xanh giờ đổi khác
Để Việt Nam mãi cháu Lạc, con Hồng

Anh đã hoà vào sắc núi dáng sông
Thân trai tráng nằm trong lòng Đất Mẹ
Hãy yên giấc suốt ngàn thu anh nhé
Tổ quốc, gia đình khắc tạc tên anh .
                                              22/4/2020
                                        Trần Thị Phượng

Cứ mỗi độ mùa hạ chớm về, nhiều người lại nao nao nhớ ngày lễ lớn, nhớ những người làm nên chiến tích giải phóng miền Nam 30/4 lịch sử, thống nhất đất nước. Trong niềm vui chung của dân tộc vẫn còn đó những nỗi niềm đau đáu các gia đình chưa tìm được mộ con. Trong số ấy có gia đình tác giả Trần Thị Phượng (xã Chí Đám, Đoan Hùng, Phú Thọ). Nhớ thương vô hạn người anh ruột, chị vừa sáng tác bài thơ "Anh ở nơi đâu" rất xúc động.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Thi phẩm mở đầu là những câu nghi vấn đầy day dứt xót thương bởi đã qua mấy mươi lần ngày chiến thắng, rất nhiều gia đình được hưởng trọn vẹn niềm vui sum họp, song đến giờ gia đình tác giả vẫn chưa biết anh trai nằm lại "ở nơi đâu": "Tháng tư rồi anh còn ở nơi đâu/ Bao năm tháng vẫn dãi dầu mưa nắng/ Nằm lặng lẽ nơi vùng rừng hoang vắng/ Để gia đình luôn thầm lặng xót thương". Khổ thơ gợi ra một vùng nhớ thương khắc khoải. Các từ láy "dãi dầu", "lặng lẽ" cùng với tính từ "hoang vắng" càng nói rõ sự vất vả, hiu quạnh và thương cảm. Ra đi theo tiếng gọi non sông giữa lúc tuổi xuân mới hé, người chiến sĩ trẻ lưu giữ trong trái tim những rung cảm tinh khôi của mối tình đầu e ấp. Người anh mới "thầm thương cũng chẳng kịp trao lời" là cô "em gái đôi mắt ngời ánh lửa".

Hình ảnh này thật đẹp phản chiếu tâm hồn, tính cách người con gái. Đó là ánh mắt của sự thông minh được lý tưởng soi sáng, cũng là ánh mắt tràn đầy lạc quan vào ngày mai chiến thắng, ánh mắt chan chứa yêu tin hai người rồi đây sẽ nên đôi. Anh lính trẻ vào trận, "Gói ba lô những kỷ niệm đầu đời", "Căm thù giặc cùng đồng tâm quyết chí". Hành trang của cả đôi bạn trẻ là tinh thần quyết chiến, quyết thắng kẻ thù. Người viết bài này đã rưng rưng nước mắt khi nghe tác giả chia sẻ: "Anh trai em - liệt sĩ Trần Trung Chính – gia đình có anh cả đi B - vẫn xung phong lên đường khi 16, đã khai tăng 1 tuổi để được nhập ngũ. Sau huấn luyện, trên đường vào Nam, anh đã viết thư nói đến ngày chiến thắng về, xin phép thầy mẹ cho lấy vợ Hà Tĩnh. Anh ở đơn vị đặc công, lúc đánh căn cứ Bình Long đã hy sinh năm 1969 khi vừa 19 tuổi, nay vẫn chưa tìm được mộ". Cảm động làm sao trên đất Việt Nam thời chống Mỹ ác liệt ấy, "đến em thơ cũng hoá những anh hùng/ đến ong dại cũng biến thành dũng sĩ/ đến hoa trái cũng biến thành vũ khí" (Tố Hữu), có bao nhiêu người lính từng ngã xuống giữa lúc cuộc đời đang tuổi thanh xuân đẹp nhất. Rất nhiều anh chưa từng biết cầm tay một người con gái. Các anh đã chiến đấu với tinh thần quả cảm "Diệt đồn bốt cho quân thù tơi tả/ Vì đồng bào anh ngã xuống hy sinh".

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Đau thương vô cùng nhưng oanh liệt, tự hào biết bao! Những người lính đã dâng hiến sức lực, tuổi xuân, xương máu và cả tính mạng mình cho độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của đồng bào, để nòi giống tổ tiên được trường tồn cùng sông núi "Để mãi Việt Nam cháu Lạc, con Hồng". Không ai khác, chính những người lính anh hùng thầm lặng như các anh đã viết tiếp nên những trang sử hào hùng, bất khuất của ông cha. Tuy hình hài "trai tráng" của các anh không còn nhưng thể phách của các anh, lý tưởng cao cả của các anh, tình yêu trong sáng và sự hy sinh cao đẹp của các anh sẽ bất tử: "Anh đã hòa vào sắc núi dáng sông/ Thân trai tráng nằm trong lòng Đất Mẹ/ Hãy yên giấc suốt ngàn thu anh nhé/ Tổ quốc, gia đình mãi khắc tên anh". Lối viết hoa từ Đất Mẹ thể hiện thái độ trang trọng, kính cẩn khi nói về Tổ quốc. Những câu thơ gây xúc động bởi âm điệu và hình ảnh bi hùng. Thêm một lần nữa bài thơ khẳng định đất nước và nhân dân ta muôn đời ghi nhớ, tri ân công lao các anh hùng liệt sỹ và những ai đã góp phần bảo vệ non sông đất nước mình.

Bài thơ khép lại rồi nhưng trong lòng người đọc vẫn âm vang giai điệu trầm hùng của bài ca giữ nước và chân dung người lính trẻ hy sinh vì nước cứ toả rạng ngời.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.