"Rổ rá cạp lại" không phải đã thiệt thòi

Chia sẻ

Để bươn chải kiếm sống và trụ vững giữa thành phố hoa lệ này, Hường chọn làm mẹ đơn thân. Hường bảo, nếu không có con, những buổi tối cô độc ngồi suy tư sẽ giết chết cuộc đời cô lúc nào không hay.

Hường là một cô gái nhan sắc không nổi trội, nhưng hiền và tốt tính. Quá lứa lỡ thì, Hường “xin” được một đứa con từ anh đồng nghiệp. Nói là đồng nghiệp chứ xưởng sản xuất chỗ Hường cả nghìn công nhân, không ai biết bố con gái Hường là ai. Chẳng ai có đủ thời gian để soi mói, nghi ngờ hay đoán già đoán non vì công nhân ngày làm xấp xỉ 10 tiếng, ăn ngủ vội vàng, xong ca thì đã mệt chỉ muốn lăn ra để ngủ, không ai biết hoàn cảnh thực sự của nhau vì bận rộn.

Có đứa con vui vầy nên căn nhà trọ lúc nào cũng líu lo tiếng con trẻ. 37 tuổi, làm mẹ lần đầu, Hường thành thục trong việc chăm sóc và nuôi nấng con nhỏ. Mẹ đẻ của Hường ngại điều tiếng, khi con gái lâm bồn, bà từ quê ra thành phố đúng 2 ngày chăm con rồi về với đồng ruộng. Bà giấu kín như bưng để không bị lọt ra một điều tiếng nào rằng con gái mình “chửa hoang”. Hường hiểu điều tiếng ở quê khủng khiếp như thế nào, nên cô vừa thương mình, vừa thương mẹ. Hai mẹ con dặn dò nhau đôi chuyện rồi cứ thế, Hường chăm con một mình. Bố con gái, anh đồng nghiệp làm ở dây chuyền khác, không có bất cứ mối quan hệ nào với hai mẹ con sau đó.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hết 6 tháng nghỉ thai sản, Hường tằn tiện tiền thuê một bác gái trông con giúp. Bác ấy cũng ở cùng khu trọ, ở lại Hà Nội chăm con trai đang học năm thứ ba đại học Thương mại nên rảnh, Hường may mắn nhờ bác trông với số tiền nhỏ mọn. Cả khu trọ thương nhau bằng thứ tình cảm của những người tha hương, trôi dạt giữa đất khách quê người, giúp đỡ nhau những lúc hoạn nạn, khó khăn.

Những ngày con ốm, bác hàng xóm vẫn ân cần sang bế giúp Hường con bé ngay cả khi đã nửa đêm. Hường tốt tính, hay giúp đỡ mọi người trong xóm nên ai cũng quý. Họ chơi với con Hường, chia sẻ tấm bánh cái kẹo, nên con gái Hường chẳng bao giờ thiếu tình yêu thương. Hai mẹ con vui vầy bên nhau ngày này qua ngày khác. Có đứa con, Hường như được tiếp thêm sinh khí, tràn đầy sức sống và yêu đời. Hường nghĩ, nếu ai rơi vào hoàn cảnh quá lứa lỡ thì như cô, làm mẹ đơn thân cũng không phải lựa chọn quá tệ. Tất cả rồi sẽ qua. Có đứa con làm chỗ dựa mới chính là lẽ sống của những người đàn bà thiếu cánh tay đàn ông trong nhà.

Nói thế chứ Hường cũng chịu nhiều lời bàn ra, tán vào lắm. Công ty hỏi ra hỏi vào, hạnh họe khi Hường làm giấy tờ chứng sinh để lĩnh tiền bảo hiểm. Ở quê Hường, người ta có nghe nói cô đẻ nhưng chỉ đồn nhau, không ai chắc chắn. Mẹ Hường lầm lũi đi ra đồng, đi chợ… dưới con mắt tò mò của hàng chục bà hàng xóm bên cạnh.

Mong con gái bình an hơn mẹ, hạnh phúc hơn mẹ, Hường đặt tên cho con là Hạnh An. Một cái tên chứa tất cả hy vọng của cô vào đó.

Những tưởng cuộc sống của Hường cứ thế trôi đi, hai mẹ con bầu bạn bên nhau, nhưng hóa ra, không phải. Hường còn được trời thương, gửi đến một người đàn ông cũng quá lứa lỡ thì, lấy vợ chưa được 5 năm thì góa bụa. Cả hai chưa có con chung nên cuộc đời anh cứ thui thủi một mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Người đàn ông ấy ở khác xóm trọ của Hường, nhưng cùng ngõ rẽ vào, anh gặp Hường mỗi ngày đi làm, chứng kiến cô dắt con gái đi chơi, chăm con lúc đau ốm… tất cả đều trong cảnh đơn độc. Anh hơn cô 1 tuổi, nhưng khuôn mặt nhuộm vẻ sương gió của người trai miền biển khiến anh già dặn. Anh cũng từng trải qua nhiều nghề khác nhau trước khi dừng chân ở khu công nghiệp như Hường.

Hai người hay tình cờ gặp nhau khi ra chợ cóc cuối làng, rồi tình cờ gặp nhau khi đi làm… Cả hai trở nên thân quen, rồi chuyện trò rất cởi mở. Anh thương cái lam lũ của Hường, thương Hường tốt mà hạnh phúc không được tròn trịa. Rồi cứ thế, anh tình nguyện sửa cho Hường cái bóng đèn, cái công tắc hỏng, cái quạt cũ dở chứng không quay đều… Con gái Hường cũng ê a gọi bác. Người đàn ông ấy trở thành một cơn gió lùa qua căn nhà trọ chật chội, mang đến không khí mới, đầy tươi sáng.

Thân quen với nhau được nửa năm thì anh ngỏ lời yêu. Hường bối rối vì chẳng biết phải ứng xử thế nào. Cô đang bằng lòng với những gì mình có. Cô chưa sẵn sàng để hạnh phúc như bao người đàn bà khác. Chẳng bao giờ Hường nghĩ sẽ được mặc váy cưới, có một tấm chồng dựa vào mỗi khi mệt mỏi sự đời.

Lần đầu Hường từ chối.

Lần thứ hai, khi anh đưa hai mẹ con đi trung tâm thương mại, anh ân cần chăm sóc con gái Hường đâu ra đấy, Hường lặng lẽ gật đầu.

Hai người đến với nhau trong sự nâng niu, trân trọng nhau, trân trọng thứ hạnh phúc mà bấy lâu cả hai đều khao khát. Từ ngày có chồng, Hường thấy cuộc sống mới đúng hạnh phúc, mỗi người giúp nhau một việc, tiếng cười nói râm ran trong căn nhà trọ rộng rãi hơn, khang trang hơn chỗ ở cũ. Hường biết vun vén hạnh phúc, khi anh mệt thì cô lựa lời, lựa món ăn sao cho thật khéo để anh ăn ngon miệng, anh không cáu kỉnh, càm ràm. Khi hai người cãi nhau, Hường thường im lặng, lấy xe đưa con gái thong dong ngoài đường cho nguôi giận rồi về nhà. Cô sẽ lựa đúng giờ nấu cơm chiều, nhờ con nhặt rau, nhờ chồng đi mua ít cà muối. Trong bữa ăn, cả hai lại điềm tĩnh nói chuyện, nhìn lại sự việc, cùng rút ra những điều mà cả hai ứng xử được và chưa được.

Hường biết hạnh phúc giữa hai người không chỉ nhờ tình yêu, tình thương mà giữ được, nó còn là cả một sự nhẫn nhịn, cảm thông, nhường nhau những lúc cả hai đều mệt nhoài vì chuyện cơm áo gạo tiền… Hường hay nói vui, rổ rá cạp lại càng bền, cả hai đã trải qua những thăng trầm cuộc sống, dễ tha thứ và cùng nhau vượt qua khó khăn hơn những cặp vợ chồng trẻ khác. Năm nay, hai vợ chồng cùng ngóng đứa con chung mà chưa thấy ông trời cho, nhưng Hường chẳng buồn. Cô luôn giữ tinh thần lạc quan nhất có thể, vì những cặp vợ chồng “quá lứa lỡ thì” như cô thì chuyện con cái không phải muốn là được. Ai giục gì thì giục, hai vợ chồng Hường thống nhất với nhau sẽ chỉ cười trừ cho câu chuyện đỡ căng thẳng. Mọi vấn đề trong cuộc sống nếu không cầm cương ở mức vừa phải thì sẽ dễ bực bội, chán nản và sinh ra chán nhau mà thôi.

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.