Nỗi ân hận muộn màng

Chia sẻ

Vừa xuống sân bay, tôi bật điện thoại lên thì máy báo hơn 10 cuộc gọi nhỡ của bố. Tôi gọi về, giọng bố gấp gáp: “Sao con giờ mới nghe điện. Bà yếu lắm rồi, con về ngay kẻo không kịp”.

Tôi sấp ngửa vội đi từ sân bay về quê. Vừa ngồi trên ô tô, vừa khóc...

Tôi đã xa bà hơn 1 năm. Bà tôi lúc đó vẫn còn khỏe lắm. Hai hàm răng đen nhưng nhức chưa rụng một chiếc nào. Mắt bà cũng tinh, vẫn có thể đọc được mấy con chữ to mà không cần đeo kính. Hàng ngày, khi con cháu đi làm, bà ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vì thế, tôi luôn nghĩ, bà còn sống rất lâu nữa. Chính bà cũng hứa, sẽ sống để đợi tới ngày tôi cưới chồng, sinh cho bà thằng chắt ngoại. Mà không chỉ là sống bình thường, bà phải giữ cho đầu óc minh mẫn, tinh thần tỉnh táo để còn phát biểu, giao nhiệm vụ với nhà trai phải thương yêu, che chở cho tôi. Bà nói vậy thực ra là để nhắc khéo tôi đã đến tuổi phải lập gia đình.

Tôi có một nhóm bạn cũng ưa chủ nghĩa hưởng thụ. Chúng tôi rất sợ lấy chồng, con cái bìu ríu thì sẽ bị mất tự do. Cứ đôi tháng, gom góp được chút tiền là chúng tôi lại rủ nhau đi du lịch. Lúc đi gần, lúc đi xa.

Bà gọi tôi là đứa cháu “bất kham”. Sợ tôi quên nhà, quên quê, bà suốt ngày gọi điện giục tôi về. Nhưng tôi thì chỉ ậm ừ, hứa hươu hứa vượn vậy thôi, chứ tôi còn bao nhiêu là kế hoạch, dự tính. Bao nhiêu là vùng đất, những con người mới đang đợi tôi khám phá.

Tết năm đó, tôi là người duy nhất không có mặt ở nhà. Tranh thủ được nghỉ dài ngày, tôi và các bạn chọn đi du lịch Singapore. Bà tất nhiên không đồng ý, nói dỗi cả năm tôi đã đi xa. Giờ có mỗi cái Tết truyền thống để bà cháu có nhau mà tôi cũng không về. Tôi biết, bà nói vậy thôi chứ tính bà không giận con cháu lâu được. Hơn thế, bà cũng rất thương tôi. Bà luôn khen tôi là đứa cháu có chí, học hành giỏi giang nhất trong số các cháu của bà. Lại là phận gái mà sớm phải phiêu bạt lên thành phố, chẳng được gần người thân chăm sóc.

Lúc đó, tôi đã hứa với bà ra Tết sẽ về thăm bà. Nhưng rồi, sau chuyến đi, các bạn tôi lại “săn” được vé rẻ đi châu Âu. Dù mấy tháng sau mới lên đường nhưng đồng nghĩa với việc, chúng tôi sẽ phải bắt tay vào làm việc để tiết kiệm tiền cho chuyến đi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Và tôi lại tìm được lý do để không về quê. Hơn thế tôi nghĩ, thời buổi hiện đại, phương tiện liên lạc đều thuận tiện. Bà vẫn gọi điện cho tôi thường xuyên thì có khác gì tôi đang ở nhà cùng bà. Để bà không giận, tôi gọi về, vẽ ra kịch bản là tôi đang xin vào làm tại một cơ quan Nhà nước nên cần tập trung ôn tập, nếu không sẽ bị trượt. Bà vốn thích con cháu làm cơ quan Nhà nước nên ủng hộ ngay, bảo cứ ôn thi đi, khi nào lo sự nghiệp xong thì về cũng được.

Tôi không nghĩ, lại có ngày bà rời xa tôi thế này. Đêm ấy nghe kể bà bị cảm, rồi chỉ sau mấy tiếng bà lịm đi. Khi ấy, tôi đang trên máy bay về Việt Nam sau chuyến du lịch châu Âu. Vì thế mà bố không thể gọi cho tôi được.

Gần 6 tiếng sau, tôi mới về đến nhà. Lúc đó, bà đã hôn mê, không kịp đợi tôi nữa. Tôi vội nắm lấy đôi tay bà đang lạnh dần khóc không thành tiếng. Bà vẫn nghĩ tôi đang bận lo công việc, đâu biết thực ra tôi vừa đi chơi. Mà tôi cũng chẳng nghĩ đến việc mua quà cho bà. Trong chiếc va li để ngoài kia, chỉ toàn là váy vóc, son phấn.
Tôi đã bỏ lỡ cơ hội ở bên những người thân yêu của mình chỉ vì cho rằng, họ sẽ mãi ở đó, đợi tôi trở về. Nhưng, sự thực thì không như vậy.

Chắn chắn, nỗi ân hận về sự thờ ơ của mình với bà và gia đình, sẽ mãi ghim vào trong lòng tôi.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.