Tìm được hạnh phúc sau khi ly hôn người chồng vũ phu

Chia sẻ

Anh chị cưới nhau năm 2006 sau hơn 1 năm yêu nhau. Khi đó chị 21 tuổi, anh 29 tuổi, rất tam hợp.

Hôn nhân của những ngày gian khó thì rất hạnh phúc, hai vợ chồng lúc nào cũng tình cảm. Nhưng thời gian hạnh phúc đó chỉ kéo dài đúng 3 năm, đến năm 2009 chị bắt đầu bị chồng bạo hành. Lúc đó chị đang bầu bé trai thứ hai được 7 tháng. Chị sống cùng gia đình nhà chồng gồm mẹ, chị và em chồng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị còn nhớ cái ngày hôm ấy, lần đầu tiên bị chồng bạo hành. Anh đi làm rồi tụ tập bạn bè nhậu nhẹt bên ngoài, khoảng 12h30 đêm, chị gọi điện giục chồng về nhưng mãi anh không về. Đến khi anh về gọi cửa, một phần do bụng bầu to mệt, một phần dỗi chồng, nhưng quan trọng là chị nghĩ sẽ có người nhà ra mở cổng cho chồng nên không dậy. Sau một lúc gọi cửa không được, anh điên tiết đạp cổng xông vào, một tay lôi tóc một tay đấm vào mặt vào đầu vợ, miệng liên tục chửi rủa: “Đây là nhà tôi, cô tưởng cô là ai mà dám nhốt tôi ở ngoài hả, cút ra khỏi nhà tôi ngay…”.

Chị đang bầu 7 tháng nên bụng đã rất to. Mặc cho chị đau đớn khóc lóc, người nhà can ngăn, con gái đầu của chị mới hơn 2 tuổi sợ hãi khóc thét nhưng anh vẫn nhất quyết tống chị ra ngoài. Cuối cùng, chị phải sang nhà hàng xóm tá túc tạm qua đêm. Cả đêm chị không ngủ được vì đau và tủi thân. Đêm đó chị bị động thai đau bụng âm ỉ. 5h sáng, chị mượn xe máy nhà hàng xóm một mình đi thẳng đến bệnh viện.

Bác sĩ tiêm thuốc dưỡng thai cho chị, các y tá thì lấy chăn và quần áo cho chị thay. Lúc đó trong người chị không có một đồng nào. Bệnh viện yêu cầu phải gọi cho người nhà lên bảo lãnh viện phí. Chị gọi chị gái mình lên giúp. Chị ở viện 2 ngày dù rất nhớ con gái nhưng không dám về và không cho chồng biết mình đang ở đâu. Cuối cùng, anh cũng biết chị nằm viện và lập tức chạy đến.

Anh đến bên chị, mắt rướm nước, anh nắm tay chị, quỳ xuống khóc và xin lỗi. Nhìn anh khóc và nghe anh nói, chị lại cảm động, lại trở về, lại hi vọng…

Thế nhưng, 5 tháng sau, khi đứa con chào đời được 3 tháng. Chị ra trông cửa hàng phụ nhà chồng buôn bán. Thấy tấm biển quảng cáo cũ và rách, chị gọi thợ đến thay, anh không đồng ý. Tuy nhiên, do chị lỡ gọi thợ rồi, nên khi thợ đến chị bảo thợ cứ đo rồi làm sau cũng được. Thế là chị lại bị một trận đòn nhừ tử trước mặt mọi người. Sau khi bị chồng đánh, chị ôm con về nhà mẹ đẻ cách cửa hàng 15km.

Hôm sau, anh lên nhà mẹ vợ, lúc ấy bà ngoại đang bế cháu, anh chỉ nói một câu “nào ra bố bế con trai của bố nào”. Ẵm được thằng bé trên tay, bỗng anh ôm nó tháo chạy thục mạng. Chạy hơn 1km thì bắt được xe ôm rồi lên xe về nhà. Vợ thấy con không che đậy gì khi mới 3 tháng mà bị bố bế chạy ngoài đường đầy nắng gió nên xót ruột, cứ thế đuổi theo chồng về nhà. Khi về nhà, chỉ sợ vợ bỏ đi, anh khóa hết các cửa nhốt vợ con ở trong nhà, cầm hết chìa khóa đi làm khiến chị không thể đi đâu được. Chị lại tiếp tục cuộc sống bất hạnh bên cạnh ông chồng bạo lực.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Có lần, anh chị đi du lịch Quảng Ninh cùng những người bạn. Đi xe đường dài cũng chán nên mọi người có tý văn nghệ cho xôm. Chị cũng góp vui bằng việc cầm mic và hát trên xe. Anh quay sang lườm chị một cái, chị hồn nhiên bảo đi chơi anh cho em hát 1 tý cũng được chứ sao. Anh không nói gì, chị tưởng chồng đồng ý nên cầm mic hát tiếp. Ai ngờ, đùng cái, anh đứng dậy vả đánh bốp vào mặt chị khiến máu tóe ra. Trước mặt tất cả mọi người. Chị bảo, lúc đấy chỉ muốn lao đầu xuống xe ô tô tự tử chết đi cho bớt nhục.

Gần Tết năm 2010, khi con trai được hơn 1 tuổi, hai vợ chồng bàn nhau đi mua đất. Nhà không đủ tiền nên vợ phải vay bên vợ, chồng phải vay bên chồng để chung tiền. Chị cứ chắc mẩm là khi mua đất sẽ đứng tên hai vợ chồng. Không ngờ khi làm thủ tục, anh một mình đứng tên. Khi chị phát hiện ra thì vợ chồng cãi nhau. Thế là chị lại bị chồng ra đòn khiến thân thể bê bết máu.

Không chịu nổi nữa, chị chạy thẳng ra đồn công an để tố cáo hành vi bạo lực của chồng. Sau khi công an đến làm việc nhắc nhở, răn đe, chị cứ ngỡ chồng sẽ thay đổi. Nhưng sau lần đó, anh suốt ngày dọa giết vợ. Chị rất lo sợ nhưng không biết nhờ ai vì không ra ngoài được. Chồng chị giao cho mẹ anh chìa khóa nhà và khóa cổng, bảo không được cho mẹ con chị đi đâu.

Có lần, chị lên google gõ chữ “làm sao để thoát thân khi bị chồng bạo hành” thì tìm được địa chỉ của Nhà bình yên (NBY). Chị được hướng dẫn đi đến Nhà tạm lánh để được giúp đỡ và tư vấn. Tuy nhiên, tiền không có một đồng vì tất cả tiền chồng chị cất và khóa hết vào tủ, cầm chìa khóa đi, nhà thì không ra được.

Thế là chị phải nói khó với mẹ chồng, bảo mẹ cho chúng con đi tạm lánh chứ không ngày nào anh ấy cũng dọa giết, sợ có lúc anh ấy không làm chủ được bản thân thì ba mẹ con không biết sẽ ra sao. Mẹ chồng chị mủi lòng mở cửa cho ba mẹ con đi. Không có tiền taxi, chị phải ôm con heo đất của đứa con gái để lấy tiền đi đường. Con heo đất tích cóp suốt 2 năm được gần 900 ngàn, trả tiền taxi mất 390 ngàn.

Sau lần đó, anh lại xin lỗi, lại hứa, chị lại mủi lòng về ở chung nhưng bắt đầu tách ra làm kinh tế riêng.

Đến năm 2012, con gái bị viêm da cơ địa, nứt toác cả chân, chữa mãi không khỏi nên chị đặt lịch với một bác sĩ giỏi để khám chữa cho con. Trước khi đi chị bảo chồng đưa tiền vì trong túi chị chỉ còn 500 ngàn, không đủ. Anh không đưa mà bảo “cô làm ăn riêng rồi thì bỏ tiền ra mà đi khám cho con, tiền tôi còn phải làm việc lớn”. Chị bảo vừa nhập hàng hôm qua hết tiền rồi nhưng anh nhất quyết không đưa thêm.

Chị quay sang nhờ mẹ chồng can thiệp thì quá bất ngờ khi bị bà nội của các con mình buông một câu “Con tôi nói đúng đấy. Chị không ở được thì bước ra khỏi nhà tôi”. Uất quá, chị ôm các con và mang quần áo ra cửa hàng của mình ở và từ đó chị không về nữa. Chị đơn phương ly hôn sau đó.

Hiện chị là một doanh nhân thành đạt và chuẩn bị tiến bước nữa với một người đàn ông cùng cảnh ngộ. Chị thương con anh như con mình, anh cũng thương con chị và đặc biệt là cả hai chia sẻ được với nhau mọi thứ. Chị bảo, hạnh phúc hay đau khổ là sự lựa chọn và quyết định của mỗi người. Suốt nhiều năm nay, cuộc sống của chị bình an, tự do và rất nhiều niềm vui sau khi thoát khỏi người chồng vũ phu, ưa bạo lực.

QUẾ SƠN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.