Người cha lái máy kéo

Chia sẻ

Cha tôi mắc bệnh. Tôi hết sức cố gắng tránh ông càng xa càng tốt, giống như hai người xa lạ vậy.

Khi điền vào phiếu thông tin phụ huynh, tôi cố ý viết sai số điện thoại của cha mình, thế nhưng, có một lần họp phụ huynh, cha tôi đến trường với mái tóc muối tiêu thì bạn học của tôi thì thầm hỏi rằng đó có phải là cha tôi không? Mặt tôi đỏ bừng, khẽ gật gật đầu và thầm thề trong lòng rằng, sẽ không bao giờ nhắc đến cha mình với bạn học nữa.

Cha tôi sinh năm 1967, học đến năm cấp hai thì thôi học, bỏ đi bán sức lực cho công trường khai thác cát. Lúc đó tôi lên bảy, nhà cửa ở nông thôn lúc bấy giờ bắt đầu được người ta dùng các tấm sàn đúc sẵn thay thế cho sàn đổ bê tông; cha tôi liền mua một chiếc máy kéo để làm dịch vụ kéo sàn bê tông đúc sẵn. Ở vùng nông thôn heo hút chúng tôi, mỗi lần cha tôi chạy máy kéo thì đối với tôi mà nói, giống như một lần thủy thủ đi tàu viễn dương, trở về với những “thu nhập” phong phú, khi thì mấy chiếc bu lông, khi thì là mấy đoạn cốt thép thừa, lại có lần cha tôi còn nhặt được cả một chiếc xe ô tô đồ chơi bị vứt bỏ nữa.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Hồi đó cha tôi còn trẻ, râu ria lởm chởm, xanh rì, thường dùng râu chà vào mặt tôi. Chúng tôi cùng ngồi trên máy kéo, nhìn xuống những đoạn đường nông thôn hư nát, lổn nhổn. Mỗi lần khởi động máy kéo, tiếng động cơ phát ra ầm ĩ như tiếng xe tăng chạy qua thôn trang.

Để thuận tiện cho việc giao dịch, cha tôi mua một chiếc điện thoại NOKIA cũ. Có khi giữa nửa đêm, chuông điện thoại réo vang, mắt còn đang nhắm tịt nhưng chân cha tôi đã chạy ra khỏi cửa rồi sau đó trở về với khuôn mặt chán nản, thân mình lấm lem bùn đất.

Có khi chạy đường xa, không thuê được nhà trọ, cha tôi dựng hai cái chăn ngay trên xe, ngoài ra trên xe còn luôn để sẵn cả thuốc lá nữa, vì thế mà cha tôi thường vừa nói vừa ho sặc sụa. Khi chạy xe ban đêm, không được phép chạy trong phố, cha tôi phải chạy vòng theo đường nhỏ bên ngoài. Có lần lục tủ ở nhà, tôi phát hiện ra hai con dao, cán quấn băng dính, từ trước tới nay chưa hề nghe cha tôi nhắc đến.

Khi tôi tám tuổi, trên cơ thể cha tôi bắt đầu xuất hiện những mụn cơm màu hồng, bên trên mọc những sợi lông màu trắng như sợi nấm. Ông lấy một thứ kem màu trắng xoa xoa lên những chỗ ấy, có khi không với tới được ra phía sau, ông gọi tôi giúp. Mùi thuốc hăng hắc khó chịu khiến tôi phải nín thở, dùng ngón tay xoa thuốc lên những mảng da xù xì, lồi lõm khó coi xong, tôi phải rửa tay tới bốn lần, tự mình cũng cảm thấy hai vai mình ngứa râm ran.

Cha tôi bị một loại bệnh có thể di truyền, có xác xuất di truyền sang tôi gọi là bệnh “nấm trâu”. Một lần, cơ thể tôi nổi lên những mụn hạt đậu màu hồng, anh họ tôi nắm bàn tay tôi giơ lên, hô: “Nó cũng bị bệnh nấm trâu đây này!”. Tôi giận dữ đạp mạnh vào chân anh họ mà trong lòng oán hận cha tôi vô cùng.

Cha tôi trở thành một vết sẹo thầm kín trong lòng tôi. Mỗi lần trước khi họp phụ huynh, tôi đều mong đợi có người điện thoại gọi ông đi làm, như thế ông sẽ lại nghiêng ngả, lắc lư trên máy kéo suốt mấy ngày đêm liền!

***

Cha tôi đã chịu khá nhiều đắng cay vì ít học. Ông thường dùng đôi bàn tay đầy chai sạn bóp chặt đôi vai gày guộc của tôi, bảo: “Học cho tốt con nhé!”, điều đó khiến tôi không dám đem kết quả học tập về nhà nên đến căng tin bên cạnh trường, hỏi mượn chếc bật lửa, lén lút đốt tập phiếu báo kết quả học tập đi. Có lần nhìn thấy việc làm đó của tôi, ông giận lắm, rút dây da thắt lưng quật tôi hết roi này đến roi khác, miệng kể ra những tội mà trong thực tế không có tồn tại như lên mạng, bỏ học, bỏ tiết...Tôi cắn răng cố chịu, đếm từng roi, từng roi, bụng thầm nhủ: “Đánh tốt lắm, cứ đánh nữa đi rồi sau này sẽ có lúc tôi sẽ phục hận!”.

Cha tôi không hề biết đến hai chữ “thương xót”, cũng không nhìn thấy những giọt nước mắt của tôi vỡ ra trên mặt đất, vậy là tôi nằm ì trong phòng, thầm nguyền rủa ông. Một đêm mưa, ông ướt lướt thướt trở về, nói rằng do xe bị chạm đường dây điện cao thế nên người đi cùng ông để dỡ sàn gác đã bị điện giật chết. Lúc ấy, nhìn bộ dạng kinh khủng của cha mà tôi lại thấy vui sướng, hả hê vì lời nguyền của tôi đã bắt đầu hiệu nghiệm.

Sau học lên cấp hai, tôi ở lại ký túc xá của nhà trường, hai tuần mới về nhà một lần. Ngày nghỉ tuần giữa, suốt đêm tôi chìm đắm trong quán net, tự nhủ: “Ông đã chửi tôi những gì thì bây giờ tôi cứ theo thế mà làm.”

Một lần, đang cùng với bạn “vào cuộc”, tôi đeo tai nghe, miệng phát ra những lời tục tĩu khó nghe, tôi bất ngờ bị cha “tóm sống tại trận”. Cha tôi đem hai can sữa đi tìm tôi, thấy tôi không có ở trường học, thế là đến thẳng quán nét để tìm tôi. Ông lấy sức giật mạnh tai nghe của tôi rồi nắm vai tôi đẩy ra cửa, giận dữ đánh tôi. Ông giơ can sữa bò lên nện tôi nhưng lại đập mạnh vào cánh cửa quán net, chỉ nghe một tiếng “xoảng“ lớn vang lên, cả tấm kính cửa vỡ ra, rơi xuống vỡ vụn.

Ông chủ quán lập tức gọi mấy người đàn ông vạm vỡ chạy ra, quây lấy cha tôi, bắt ông phải bồi thường bốn nghìn đồng. Lúc đó, lương tháng của cha tôi cũng chỉ được bằng ấy, cha tôi vốn là người thô lỗ, bạo ác, trong giây lát này thì mềm nhũn, khoanh tay, cúi đầu như một đứa trẻ, trông vừa đáng cười, vừa đáng thương. Sau cùng, ông phải móc hết tiền trong túi mãi đến tận đồng xu lẻ cuối cùng thì mới xong việc.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Cha tôi cố thu dọn chỗ sữa bò, đi khỏi quán, ra ngồi hút thuốc ngoài đường. Hút hết điếu thuốc, ông giận dữ di di mẩu tàn thuốc lá rồi thốt ra một câu: “Cho ta hai đồng đi xe buýt!”.

Tuy tôi thường xuyên bỏ học, đi quán net... nhưng thần sai quỷ khiến thế nào tôi lại chiếm được một chỉ tiêu nhập học vào một trường cấp ba trọng điểm. Trường cấp ba cách xa nhà mấy chục cây số, Chủ nhật tôi thường ở lại ký túc xá.

Càng lớn, tôi lại càng thêm tự do còn cha tôi cũng có vẻ như ngày càng buông lỏng tôi hơn. Mỗi lần về nhà, ông đều chiếu lệ, bắt tôi phải cầm ống thuốc mỡ, bôi vào cẳng chân đã bị ông gãi đến rách tươm, tóe máu. Ban đêm ông ra xe, gió lạnh thường thổi từ đầu xe xuôi xuống, đến nỗi lâu ngày cha tôi còn bị thêm bệnh phong thấp, nhìn ông há miệng uống thuốc, tôi thấy giống hệt như người ta đang tra dầu cho một cỗ máy cũ.

Sống xa cha, tôi giống như những người cùng trang lứa khác, buông lơi trách nhiệm, sống buông thả và ích kỷ. Có lần tôi được thơm lây vì kết quả học tập tốt của lớp điểm, có thể ra nước ngoài tham dự một cuộc thi, chỉ có điều là phải tự lo kinh phí. Tôi gọi điện nói rõ việc này cho cha mình biết khiến ông phải cảnh giác xem có phải tôi đang lừa ông không. Tôi phải thuật lại cho cha nghe nguyên văn lời thày giáo, lại nói luôn cả số tiền phải tự túc là ba mươi sáu nghìn tệ. Ở đầu dây bên kia, giọng cha tôi bắt đầu run run rồi chúng tôi im lặng rất lâu. Sau đó, cha tôi bảo chớ có buồn về chuyện tiền nong. Chỉ mong sao tôi tham gia cuộc thi có kết quả là tốt rồi.

Không lâu sau đó, tôi cầm tiền, đi Mỹ nửa tháng, số tiền cha tôi chạy vạy tứ xứ để vay họ hàng, bằng hữu đã bị tôi tiêu hết sạch. Đi cùng bạn bè đến siêu thị, tôi còn giả bộ phẫn hận nói: “Tớ quên không mang theo cái va li lớn hơn nữa để có thể mua được nhiều đồ như các cậu...”.

Còn về cuộc thi, khi về nước tôi nói với cha mình rằng tôi được giải Nhì. Thực ra đây không phải là cuộc thi quốc tế mà chỉ có học sinh Trung Quốc dự thi thôi.
Đa số các bạn học đều đi sang nước khác, còn tôi thì coi như được mở mang tầm mắt.

Trước khi về nước, tôi dùng tiền thừa vào cửa hàng giảm giá mua cho cha một chiếc áo khoác để bù đắp lại ít nhiều tội lỗi của mình. Khi cha tôi súng sính chiếc áo từ phòng ngủ đi ra, tôi cảm thấy người ông như bị héo quắt lại, chiếc áo mới thì ngay ngắn, phẳng phiu, sạch sẽ, còn ông thì còng lưng, nhìn y hệt quả táo bị phơi khô. Cha tôi phấn khởi đem tôi so sánh với những đứa trẻ khác, còn tôi lại lảng tránh điều đó.

Cha tôi chẳng hay biết gì, chỉ biết con trai mình là đứa duy nhất trong thôn vừa được đi Mỹ mà sự dối trá và tính hoang phí của tôi như vết dao khía lên cơ thể ông, mỗi lần ông tự hào phất tung chiếc áo mới thì những vết thương ấy như lại lộ ra.

***

Sau khi ở nước ngoài về, tôi bắt đầu cảm thấy không cam chịu, không muốn cả đời bị chôn vùi ở cái thôn quê bé xíu này, thế là tôi thi vào trường nghề danh tiếng, thời đó việc này được xem như chọn một con đường tắt.

Hình thể, phát âm, biểu hiện ngẫu hứng là các lớp mà tôi chọn nộp phiếu báo danh, mọi thứ cần thiết tôi lại liên tục “gõ” cha mình. Những người cùng thi tuyển xung quanh tôi đều đã được học qua vũ đạo, nhạc khí, hội họa... vậy là tôi lại dùng tiền như một biện pháp để dịu bớt sự lo nghĩ, tôi muốn “tốc thành” từ một thứ nhạc khí.

Tôi mua một chiếc trống châu Phi, ghi tên dự một khóa học trống với học phí bốn trăm tệ một giờ, cha tôi chạy máy kéo mấy trăm cây số mới về tới nơi, còn nơi tôi tiêu tiền lại là cái thế giới mà ông chưa bao giờ nhìn thấy khiến cho ban đầu ông vô cùng kinh ngạc. Sau đó để tôi không cảm thấy phiền lòng, cha tôi đã dần dần không có phản ứng với nhu cầu tiêu tiền của tôi nữa, ngày đêm nhẫn nhịn chịu đựng căn bệnh phong thấp và ngứa ngáy, ngày đêm lắc lư, nhừ tử trên chiếc máy kéo.

Dù cho cố gắng đến mấy, một năm sau, tôi lại thất bại, nhưng tôi vẫn không cam chịu. Tôi tự tính toán cho mình một giấc mộng thành danh, trong giấc mộng ấy có cả cha tôi nữa. Tôi lại cần một năm phải tiêu tiền nữa. Một sinh viên năm thứ tư đại học Bắc Kinh liên hệ với tôi, nói rằng tôi rất có tiềm năng. Cộng với sự hướng dẫn của anh ta tôi sẽ có rất nhiều triển vọng, rằng anh ta vui lòng dẫn dắt tôi một khóa ngắn hạn. Lời nói và sự hứa hẹn của anh ta đã nhen nhúm lên trong lòng tôi một hy vọng, tôi phấn khởi thông báo cho cha, ông nhíu mày, hỏi tôi là hết bao nhiêu tiền?. Tôi tính toán một lúc rồi đáp: “Chắc cũng phải ba trăm tệ một ngày...”. Cha tôi im lặng quay về phòng, tôi tiếp tục liên lạc với anh sinh viên nọ, hỏi đến giá học phí thì anh ta đáp: “Cậu là học sinh đầu tiên của tôi, cho cậu giá học phí thấp nhất nhé - hai nghìn tệ một ngày”. Lúc ăn tối, cha tôi chậm rãi mở cửa, nói rằng ông đồng ý. Tôi chẳng biết nói gì, cha tôi hỏi vì sao thì tôi lắc đầu, nói: “Không xong rồi, vượt xa mức tính toán của con”, trong lòng tôi cuộn lên nỗi hờn tủi và cay đắng.

Cuộc thi năm sau, vừa mới bắt đầu đã không có được như ý, cuối cùng tôi đã phải từ bỏ tất cả mọi sự chuẩn bị của mình. Đối diện với ban giám khảo năm người, tôi thong thả cởi bỏ chiếc áo nhung giả dối hiệu Adidas, nói với họ toàn bộ quá trình dự thi của mình, về gia đình của tôi, về người cha lái máy kéo của tôi, tôi nguyền rủa, tôi hận cha mình, vậy mà, lúc đó tôi lại nói lên sự hổ thẹn, nỗi ân hận và đau lòng và cuối cùng tôi bật khóc thành tiếng. Cha tôi giống như cái vết thương không thể kín miệng vừa đau lại vừa ngứa, còn tôi cũng chẳng khác gì cái vết thương nứt toác, chảy máu trên mình cha tôi, khiến tôi cay đắng vô cùng tận.

Lúc bước ra khỏi phòng thi, tôi cứ nghĩ rằng trong khoảng thời gian ngắn ngủi mấy phút vừa qua, cha tôi đã lái máy kéo chạy được quãng đường bao xa?

Không thể ngờ được, trong hai năm “thi nghề” ấy đã tiêu tốn bảy, tám chục nghìn tệ, cũng là hao tổn mấy chục năm mồ hôi, nước mắt của cha tôi. Trước khi vào học, cha tôi kêu vé tàu cao tốc đắt, không muốn đi. Tôi phải bảo: “Chẳng phải là cha vẫn muốn được đến Bắc Kinh đó sao?”, sau đó thuyết phục là tôi cần phải có người mang đỡ hành lý, lúc ấy cha tôi mới đồng ý đi cùng.

Trên quảng trường Thiên An Môn, tôi dùng điện thoại thông minh chụp cho cha một tấm ảnh toàn thân: Nước da đỏ sạm vì sương nắng, đôi xăng đan da cũ kỹ đã đi lâu ngày, mái tóc đã ngả màu muối tiêu, khuôn mặt đầy nếp nhăn như vỏ cây cổ thụ lâu năm. Cha tôi già thật rồi, tôi đã từng ghi lại ngày sinh nhật của ông vào một cuốn sổ, song lại chẳng bao giờ để mắt tới cuốn sổ đó nữa. Lúc đó, cha tôi đang vui sướng đứng tựa vào lan can, thân thể có vẻ cứng nhắc, phảng phất như chưa từng được thư giãn bao giờ. Trong ký ức của tôi thì đây là lần đầu tiên ông được đi du lịch.

Ở Bắc Kinh được hai ngày, cha tôi lại vội vã trở về để tiếp tục bôn ba với cuộc sống hàng ngày của mình. Tôi biết, rằng ông sẽ lại khoe với mọi người, rằng mình có con trai đang theo học tại một trường nghề danh tiếng. Còn tôi, thật tệ là tôi lại tiếp tục che giấu mọi người, rằng mình có một người cha đang lái máy kéo.

VƯƠNG CHÍNH (Trung Quốc)

TRẦN DÂN PHONG (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.