Nguy cơ gia tăng lao động trẻ em do dịch COVID-19

Chia sẻ

Tổ chức Lao động Quốc tế ILO ước tính, vào tháng 4/2020, Việt Nam có từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19.

Ngày 12/6, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tại Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “COVID-19: Bảo vệ trẻ khỏi lao động trẻ em - khẩn cấp hơn bao giờ hết!” nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Lao động Trẻ em (12/6).

Các diễn giả tham gia tọa đàmCác diễn giả tham gia tọa đàm

Theo ước tính, có hơn một triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động tại Việt Nam, hơn một nửa trong số đó đang làm những công việc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Khi đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, những em này thậm chí còn có nguy cơ phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, trong thời gian qua tình trạng lao động trẻ em tại Việt Nam đã giảm đi rất nhiều. Từ năm 2012 đến năm 2018, tỷ lệ lao động trẻ em đã giảm từ 9,6% số trẻ em xuống còn gần 5,4% số trẻ em. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tương tự của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như tỷ lệ chung trên toàn cầu. Thành công này có được một phần nhờ công cuộc giảm nghèo của Việt Nam.

Phòng, chống lạm dụng lao động trẻ em góp phần thực hiện Quyền cơ bản của trẻ emPhòng, chống lạm dụng lao động trẻ em góp phần thực hiện Quyền cơ bản của trẻ em

Tuy nhiên, đại dịch COVID – 19 đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, dẫn đến suy giảm nguồn kinh tế, mất thu nhập, mất cơ hội việc làm và nguy cơ tái nghèo của các gia đình cận nghèo, các hộ nghèo, từ đó có nguy cơ làm gia tăng trở lại lao động trẻ em.

Bà Hoàng Tố Linh, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ, đại dịch COVID – 19 đã có ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế thế giới. Thị trường lao động suy giảm làm giảm cơ hội việc làm của cha mẹ dẫn đến khả năng nhiều hộ gia đình sử dụng lao động trẻ em như một phương pháp để đối phó với việc bị mất việc làm, đẩy các em đi kiếm tiền cho gia đình.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam quan ngại rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều trẻ em đã không đi học lại khi trường học mở cửa trở lại vào tháng 5 vừa qua. Trong đó, một phần là do các em tham gia vào lao động để giúp đỡ gia đình.

Mặc dù luật pháp Việt Nam cấm sử dụng người lao động dưới 15 tuổi nhưng trong thực tế, trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình ở cả nông thôn lẫn thành thị. Vấn đề này vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi và đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể, có sự góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng trong nước và quốc tế.

Trong thời gian qua Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp, thực hiện nhiều chương trình, dự án dài hạn như: Chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em; dự án nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa lao động trẻ em (ENHANCE); tăng cường truyền thông về bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam cũng góp phần giảm số lao động trẻ em tại nước ta…

Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng xã hội ở nước ta hiện nay về lao động trẻ em vẫn còn rất khác nhau; nhiều người còn nhầm lẫn giữa trẻ em cùng cha mẹ tham gia làm việc để hỗ trợ gia đình với các hành vi sử dụng lao động trẻ em vào các hoạt động kiếm sống, làm kinh tế, có dấu hiệu bóc lột, lợi dụng sức lao động của trẻ. Do đó, pháp luật cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ về việc sử dụng lao động trẻ em và trẻ em tham gia làm việc.

Các đơn vị liên quan cần nỗ lực thực hiện các đề án, dự án cụ thể về phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em trong khu  vực kinh tế không chính thức, nông nghiệp; đặc biệt trong khu vực làng nghề, hộ gia đình. 

Theo ông Đặng Hoa Nam: “Những tác động của Covid-19 đến bảo vệ trẻ em và vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ LĐTB&XH, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục lộ trình giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và 2030".

ILO sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện đánh giá nhanh về tác động của Covid-19 đối với lao động trẻ em trên toàn quốc, từ đó cung cấp thông tin cho việc xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về Phòng ngừa và Giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025.

Ông Nam kêu gọi các quốc gia và tổ chức cùng nỗ lực hành động, đặc biệt trong năm quốc tế về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em 2021, để đại dịch Covid-19 không thể cản trở các quốc gia hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đặc biệt là mục tiêu 8.7.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.