Cơm nhà ngon lắm!

Chia sẻ

Cứ mỗi lần nhắc đến gia đình, nghĩ về gia đình thì những câu thơ trên lại da diết trong lòng tôi. Trong cuộc sống áp lực mọi bề, nhưng cứ nghĩ về gia đình, về tình cảm ấm áp của tình thân là tôi lại thấy mọi vất vả dường như vơi nhẹ.

“Về nhà đi nhé…
Về với bếp lửa hồng đang đợi
Bao yêu thương chẳng nói được bằng lời
Về nhà thôi...
Nơi dáng mẹ lưng còng trước ngõ”.

Cứ mỗi lần nhắc đến gia đình, nghĩ về gia đình thì những câu thơ trên lại da diết trong lòng tôi. Trong cuộc sống áp lực mọi bề, nhưng cứ nghĩ về gia đình, về tình cảm ấm áp của tình thân là tôi lại thấy mọi vất vả dường như vơi nhẹ. Có những điều tưởng chừng rất nhỏ bé, rất nỗi bình dị đến độ ta không hề để ý, chỉ đến khi mất đi mới nhận ra nó quan trọng đến nhường nào. Bởi giá trị hạnh phúc cuối cùng mà mỗi con người đều nhận ra chính là “hạnh phúc là được sống trọn vẹn yêu thương với gia đình”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuộc sống cơm áo gạo tiền, chạy theo nhu cầu của thời kinh tế thị trường, người ta vô tình đề cao vật chất. Tuy nhiên cuối cùng qua bao thăng trầm của cuộc sống, họ nhận ra vật chất không phải là tất cả: “Chúng tôi bước đi bằng niềm tin yêu và tự hào có pha lẫn kỳ vọng của gia đình. Lớn lên và trưởng thành từ những va chạm, khó khăn và cả sự so sánh của người đời. Nhưng sau tất cả, điều mà mọi người đều cần đến đó là một tình yêu thương thật bình dị và hạnh phúc, là được sống trọn vẹn yêu thương với gia đình”. Vậy nhưng để hòa hợp với cuộc sống tấp nập và nhộn nhịp của xã hội thì mọi người phải cùng nhau cố gắng tiến lên phía trước và phấn đấu cho tương lai không biết ngưng nghỉ. Nhưng vì quá lạm dụng vào điều đó nên nhiều người lúc nào cũng mải mê với công việc mà lãng quên mất hai chữ gia đình. Thời gian không chờ đợi ai cả, và yêu thương cũng thế. Yêu thương không phải chỉ là lời nói, nó nằm trong ý nghĩ, hành động và sự quan tâm ta dành cho người thân.

Lâu rồi những bữa cơm gia đình đông đủ mọi thành viên gần như rất khó thực hiện trong xã hội mà công việc như một guồng quay mải miết, như một robot lập trình ấn nút mỗi ngày. Bên mâm cơm người vợ tảo tần trông ngóng chồng sau mỗi buổi làm, ngóng con học chính, học thêm mãi muộn vẫn chưa về.

Thế hệ trẻ ngày nay trong một số gia đình không còn biết đến bữa cơm gia đình là như thế nào nữa, cơm nước được nấu sẵn, ai đói thì cứ việc tự lấy mà ăn, ai có công việc phải đi sớm thì ăn trước, ai không có việc gì thì cứ từ từ ăn sau… Tình trạng ấy làm cho sự gắn kết trong gia đình giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, mọi sự chia sẻ hầu như không còn.

Thèm lắm bữa ăn mà có ông bà, bố mẹ, con cái quây quần chỉ là bát canh, quả cà, đĩa tôm rang thịt nhưng vừa ăn vừa được ngắm nhìn người thân hồ hởi chuyện trò, bà kể chuyện xưa, ông kể tin tức thời sự, con bé khoe điểm, con lớn chia sẻ hoài bão ước mơ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bữa cơm gia đình chính là biểu hiện của hạnh phúc, sự yêu thương và là nơi nuôi dưỡng tình cảm giữa các thành viên trong nhà. Hình ảnh người mẹ, người phụ nữ tất bật trong khói bếp nghi ngút chuẩn bị những món ăn thơm ngon luôn khắc sâu vào ký ức của bất kỳ ai trong chúng ta, là ký ức lung linh mê đắm mà mỗi người con sau này dù có trưởng thành đi bất cứ đâu, bữa cơm gia đình món ăn mẹ nấu vẫn là điều tuyệt vời nhất, hương vị quê nhà, bàn tay mẹ nấu và hơn nữa tình cảm thân thương thật không gì sánh bằng. Tôi nhớ mãi năm 1990, sau hơn 4 năm xa nhà đi học ở nước ngoài, đón tôi về là bố, món ăn đầu tiên trở về mẹ thiết đãi tôi là bát miến gà ngọt thơm rắc hành mùi kèm lát ớt cay.

Ôi chao! Cảm giác bê bát miến hít hà hương vị quê hương sau bao năm xa cách, bát miến càng ngọt đậm đà bởi tự tay mẹ nấu khiến tôi cảm thấy ngon hơn bất cứ những món ăn mình đã thưởng thức bên trời Âu. Suốt thời con gái khi còn yêu và chưa lập gia đình, mẹ dạy tôi nữ công gia chánh, vào bếp cùng mẹ khiến tôi học được nhiều món ngon, từ món nem rán cổ truyền mẹ dạy con không được cho vào cối xay rau củ, nấm hương, mộc nhĩ… con phải thái tay như vậy nhân nem mới không nát và chảy nước, trứng cũng không đập trước vậy sẽ vữa, chỉ khi nào gần gói nem mới trộn trứng, chiếc nem sẽ giòn, xốp, khi ăn ta sẽ cảm nhận vị ngọt thơm của rau củ, sợi miến, giá và màu đỏ hồng cà rốt vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Suốt những năm tháng bao cấp thời kỳ đất nước khó khăn mọi thứ không có sẵn, muốn ăn ngon phải tự mình nấu và chế biến. Tết năm nào tôi cũng xăng xái vào bếp cùng mẹ tự tay làm mứt khế, mứt khoai, nấu chè kho, gói giò, ninh măng, gói bánh…

Mỗi món ăn như kết tinh hương vị, bí quyết, kinh nghiệm nội trợ từ bà truyền cho mẹ sang tôi mang tính gia truyền, để rồi sau này trưởng thành là phụ nữ của gia đình, nấu ăn là một thế mạnh tôi rất tự hào vì học được từ mẹ, từ bà. Bữa cơm gia đình như một tác phẩm nghệ thuật, thực đơn cho hè, cho đông pha trộn hài hòa tạo nên cảm giác ngon miệng cho cả gia đình. Nếu như trời nóng mâm cơm ắt phải có bát canh cua đồng nấu mướp mồng tơi, bát cà muối giòn tan và đĩa thịt rang cháy cạnh, thì trời lạnh bát canh dưa hầm sườn, đĩa cá kho khô, đậu rán nhồi thịt lại tạo nên hương vị đậm đà.

Sau một ngày bươn chải mệt nhọc, những giờ làm việc căng thẳng áp lực, có lẽ ai cũng mong muốn được trở về nhà, ăn bữa cơm với người thân. Bữa cơm gia đình ấm áp khi mọi người cùng quây quần bên nhau là một hình ảnh bình dị, thân thương đã in sâu trong tâm khảm của nhiều người trong chúng ta. Vì thế, hãy trân trọng những điều thật dung dị nhưng làm nên giá trị nền tảng về một gia đình hạnh phúc, mọi người biết vì nhau yêu thương nhân ái, sẻ chia, biết động viên và cả hy sinh thầm lặng để gia đình luôn là mái ấm, nơi nương náu bình yên nhất của mỗi chúng ta.

Tôi luôn nhớ một câu danh ngôn về bữa cơm gia đình: “Hãy trân trọng bữa cơm gia đình bởi có những người cả đời ao ước được ăn bữa cơm ấy dù chỉ một lần” ngẫm như vậy để thêm nâng niu giữ gìn bữa cơm gia đình truyền thống người Việt chúng ta.

Cuộc đời này ngắn lắm, chỉ có tình thương gia đình là dài mãi trong trái tim của mỗi chúng ta. Vậy nên đừng để những tình cảm đó ngủ yên. Hãy cùng gia đình tận hưởng những ngày tháng hạnh phúc, bình dị bên những mâm cơm luôn tràn đầy tình cảm gia đình!

Hạnh phúc không phải là đích đến xa vời mà chính là trải nghiệm trên hành trình chúng ta đang đi. Hạnh phúc thật sự và lâu bền nhất chính là sự góp nhặt những yêu thương bình dị trong suốt hành trình cuộc đời, và hành trình ấy luôn có một điểm tựa để trở về: Gia đình.

LÊ ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.