“Vụ án chính trị” bí ẩn nhất thế giới”

Chia sẻ

Thủ tướng đương nhiệm Thụy Điển Stefan Lofven gọi vụ án giết cố Thủ tướng Olof Palme năm 1986 là "vết thương hở của xã hội Thụy Điển" và "giải quyết vụ án là điều cực kỳ quan trọng". Năm đó, án mạng không những gây sốc cho cả nước Thụy Điển mà còn xói mòn hình ảnh một quốc gia an toàn, nơi các chính trị gia thường đi lại không cần vệ sĩ.

Buổi tối định mệnh

Thủ tướng Palme vốn là lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển, được coi là chính trị gia nổi tiếng đầu tiên của quốc gia này. Ông thẳng thắn, khó tính, thích xung đột, theo lời Henrik Berggren - người viết tiểu sử cho Thủ tướng. Theo New York Times, ông đã chiến đấu chống lại bất công trên toàn thế giới, điều đem lại cho ông cả tiếng tăm lẫn không ít kẻ thù, đặc biệt là ở Nam Phi - nơi ông kiên quyết chống chế độ phân biệt chủng tộc. Giai đoạn đỉnh điểm Chiến tranh lạnh, ông hướng đến giải pháp "thứ ba" giữa phương Đông và phương Tây. Ông cũng phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Ở quê nhà, ông khiến giới chủ doanh nghiệp tức giận với những cải cách và vận động chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Cố Thủ tướng Olof Palme-ảnh BBCCố Thủ tướng Olof Palme-ảnh BBC

Tối 28/2/1986, sau khi xem một bộ phim hài tại rạp chiếu phim Grand ở trung tâm thủ đô, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme và vợ Lisbeth đi bộ về phía ga tàu điện ngầm để về nhà. Palme, 59 tuổi, trước đó đã yêu cầu các vệ sĩ không đi theo tháp tùng. Palme muốn sống bình thường nhất có thể. Ông không muốn nghĩ vì đang điều hành đất nước mà có khoảng cách với người dân. Lúc 23h21, sau khi rời rạp chiếu phim, ông bà Palme đi xuôi theo phố Sveavagen nhộn nhịp nhất nhì Stockholm, một người đàn ông cao lớn mặc đồ tối màu đi theo sau họ. Người này đặt một tay lên vai Palme, tay kia bắn một viên đạn từ khẩu súng ngắn (được cho là khẩu 357 Magnum) vào lưng ông. Viên đạn thứ hai người này nhắm vào bà Lisbeth nhưng chỉ sượt qua. Rồi hắn bỏ chạy. Đó là tối thứ sáu, phố Sveavagen rất đông người. Họ cố gắng sơ cứu cho ông Palme đang nằm trên vỉa hè giữa vũng máu loang rộng. Sáu phút sau, ông được đưa đến bệnh viện gần nhất. Quá nửa đêm, ông chính thức được tuyên bố qua đời. Sau đó, người ta xác định viên đạn đã cắt đứt tủy sống của Thủ tướng và ông đã chết trước khi ngã xuống đất.

Loạn giả thuyết

Hơn 25 nhân chứng đã cung cấp lời khai cho cảnh sát. Hung thủ là một người đàn ông khoảng 30-50 tuổi, cao khoảng 1m80-1m85, mặc áo khoác tối màu. Tuy nhiên, không ai nhìn rõ diện mạo y.

Một loạt giả thuyết được đưa ra. Được nhiều người coi là chính trị gia có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất trong lịch sử Thụy Điển hiện đại, Olof Palme có nhiều kẻ thù, cả trong và ngoài nước. Một ngày sau vụ ám sát, cảnh sát nhận được thông tin tố cáo hung thủ có thể là Victor Gunnarsson, 33 tuổi, cựu thành viên đảng Công nhân châu Âu (EAP), nhóm cáo buộc Palme thông đồng với cả cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) và cơ quan tình báo Mỹ (CIA). Với sự căm ghét mà Gunnarsson dành cho Palme, có vẻ hợp lý khi nhận định anh ta là hung thủ. Dấu vết thu được trên áo khoác của Gunnarsson cho thấy anh ta mới bắn súng nhưng không thể chứng minh nó là hung khí. Một tuần sau, anh ta được thả nhưng vẫn bị theo dõi chặt chẽ. Ngày 16/5/1987, cuộc điều tra về Gunnarsson khép lại. 7 năm sau, thi thể Gunnarsson được phát hiện ở khu rừng bên ngoài Salisbury, Bắc Carolina, Mỹ với hai phát đạn bắn vào đầu.

Một tuần sau vụ ám sát Palme, cảnh sát tập trung điều tra Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức vũ trang chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Palme xác định họ là tổ chức khủng bố với cáo buộc họ sát hại một số cựu thành viên ở Thụy Điển năm 1984 và 1985. Sáng 20/1/1987, cảnh sát Thụy Điển bắt 20 người Kurd để thẩm vấn dù không có bằng chứng, nhưng họ không thu được manh mối nào. Tất cả nghi phạm là thành viên PKK sau đó đều được thả.

Đầu năm 1987, cảnh sát nhận được tố cáo rằng Christer Pettersson, người từng bị thẩm vấn ngay từ đầu cuộc điều tra, có khuôn mặt giống bản phác thảo chân dung nghi phạm cảnh sát đã công bố. Pettersson là một kẻ nghiện ma túy, nghiện rượu và từng ngồi tù vì ngộ sát. Pettersson bị thẩm vấn vào tháng 12/1988 và cảnh sát đã thực hiện biện pháp nhận dạng nghi phạm là chụp ảnh Pettersson đứng cùng một số người có chiều cao, vóc người, nước da tương tự. Phu nhân Lisbeth được cho xem ảnh này và xác định Pettersson là kẻ giết người. Mùa hè năm 1989, Pettersson bị buộc tội. Nhưng nửa năm sau, Pettersson lại được tha bổng và được bồi thường 50.000 USD vì bị buộc tội oan sai do cảnh sát đã không làm việc khách quan.

Một thuyết âm mưu khác là cảnh sát dính líu tới vụ ám sát và họ đã cố tình để cuộc điều tra đi sai hướng. Có nhiều sĩ quan trong lực lượng cảnh sát Thụy Điển có quan điểm cực hữu từng công khai bày tỏ sự căm ghét với Palme. Có tin đồn rằng một số cảnh sát đã mở champagne ăn mừng sau vụ ám sát. Năm 2010, các tài liệu từ cuộc điều tra chính thức được giải mật, tiết lộ rằng một số sĩ quan cánh hữu tuyên bố họ biết ai là kẻ ám sát. Tuy nhiên, không có cuộc điều tra quy mô nào nhằm về phía cảnh sát được tiến hành.

Mật vụ Thụy Điển cũng bị nghi ngờ vì Palme không có vệ sĩ đi theo. John-Erik Hahne, vệ sĩ lâu năm của Palme, tháp tùng Thủ tướng vào ban ngày nhưng không có mặt vào buổi tối. Theo Hahne, Palme đã yêu cầu được ở một mình vào cuối tuần để ông dành thời gian viết bài phát biểu. Thủ tướng nói với Hahne rằng ông sẽ gọi cho anh nếu cần. Năm 2012, một trong những người con trai của Palme chỉ trích Mật vụ, nói rằng khi bà Lisbeth tìm vệ sĩ vào tối hôm đó, bà không thể liên lạc được với bất kỳ ai. Tuy nhiên, cảnh sát bác bỏ thông tin này, cho rằng Lisbeth đã nhớ nhầm. Hahne khẳng định chuyện đó không xảy ra.

Chỉ một tuần trước vụ ám sát, Olof Palme có bài phát biểu trước quốc hội Thụy Điển để lên án chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi. Điều này làm dấy lên nghi ngờ Nam Phi đứng sau vụ ám sát. Tuy nhiên, cuối cùng, cũng không có bằng chứng nào thuyết phục được đưa ra.

Đám tang Thủ tướng Olof Palme - ảnh BBCĐám tang Thủ tướng Olof Palme - ảnh BBC

Trong cuốn sách xuất bản năm 2005, nhà sử học Jan Bondeson nêu giả thuyết Palme bị ám sát vì có người muốn ngăn ông chặn thỏa thuận. Không ai chứng minh được giả thuyết nào là đúng hay sai, nhưng những người liên quan mật thiết đến vụ án đều không còn. Christer Pettersson mất năm 2004, Stig Engstrom tự sát năm 2000. Phu nhân Lisbeth thì qua đời năm 2018 khi vẫn chưa biết ai đã sát hại chồng mình.

Hung thủ đã được tìm ra?

Lúc Thủ tướng Palme ngã xuống, nghi phạm Stig Engstrom là một trong những người đầu tiên có mặt ở hiện trường vì Công ty bảo hiểm Skandia nơi anh ta làm việc ở ngay góc phố. Hung thủ được cho là Stig Engstrom, một nhân viên thiết kế đồ họa, có biệt danh "Skandia Man", vì từng làm cho Hãng bảo hiểm Skandia. Nhưng Engstrom nhất mực bác bỏ cáo buộc này và tự sát năm 2000 ở tuổi 66.

Trong những năm 1980, Engstrom tham gia vào chính trị địa phương, đại diện cho đảng cánh hữu Moderate. Một số người nói rằng Engstrom đã bày tỏ quan điểm tiêu cực về Thủ tướng Palme, nhưng không nghĩ rằng ông ta có khả năng giết người. Còn Engstrom thì cho rằng các nhân chứng đã nhận nhầm ông với kẻ giết người khi ông ta chạy theo cảnh sát truy lùng hung thủ. Engstrom nói rằng ông thấy hung thủ mặc một chiếc áo khoác bông màu xanh và bà Lisbet cũng đưa ra mô tả tương tự. Tuy nhiên, không có ghi chép nào về việc bà Lisbet đã nói chuyện hoặc mô tả về thủ phạm cho bất kỳ dân thường nào tại hiện trường. Hơn nữa, không ai trong số các nhân chứng khác thấy Engstrom đã hành động như những gì ông kể.

Cảnh sát những năm 1980 ban đầu cân nhắc đưa Engstrom vào diện tình nghi, nhưng sau đó coi ông ta là "nhân chứng không đáng tin". Tuy nhiên, công tố viên Petersson cho biết hành động và lời khai của Engstrom sau vụ ám sát càng khiến ông ta khả nghi. Nhân viên bảo vệ tại văn phòng Skandia cho biết Engstrom trở lại đây trong trạng thái run rẩy vào khoảng 23h40. Một ngày sau án mạng, Engstrom xin công ty thông tin về thời gian ông ta rời văn phòng, nói rằng ông ta cần chúng để chia sẻ với cảnh sát và giới truyền thông, mặc dù khi đó ông ta chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào cho truyền thông hoặc cảnh sát.

Giả thuyết Engstrom là kẻ ám sát lần đầu được nhắc đến trong một cuốn sách của phóng viên Lars Larsson năm 2016. Nhà báo Thomas Pettersson cũng đưa ra cáo buộc tương tự trên tạp chí Filter năm 2018, sau 12 năm điều tra vụ án. Thomas Petterson nêu giả thuyết Engstrom căm ghét Palme và các chính sách của ông nên đã nổ súng khi tình cờ bắt gặp Palme trên đường chứ không lên kế hoạch trước. Petersson cho rằng giới chức mất quá nhiều thời gian mới đưa ra kết luận vì cuộc điều tra ban đầu được thực hiện khác ngày nay. Petersson cho biết các nhà điều tra tin rằng Engstrom đã hành động một mình, nhưng "không thể bác bỏ hoàn toàn giả thuyết ông ta nằm trong âm mưu của một nhóm".

Việc khép lại vụ án bằng cách xác định nghi phạm dựa vào chứng cứ gián tiếp và suy luận có thể là cái kết không thỏa đáng cho một trong những bí ẩn chính trị lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, công tố viên nói rằng họ không thể làm gì hơn.

NGUYỄN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.